Đại lễ cầu phúc ở Đàng Ngoài

07:15 | 16/02/2021

203 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuốn sách “Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài” do Olgar Dror - PGS lịch sử tại Đại học Texas A&M và K.W.Taylor - GS nghiên cứu văn hóa Trung - Việt tại Khoa Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Cornell giới thiệu và chú giải, mới đây được NXB Đà Nẵng và Omega Plus ấn hành.
Đại lễ cầu phúc ở Đàng Ngoài
Vua Lê trên đường đi làm lễ Tịch điền. Lễ thường được tổ chức vào tháng 2 hằng năm theo dương lịch. Trong tranh gồm: Vua xứ Đàng Ngoài; quan văn trong bộ triều phục phỏng theo kiểu Trung Quốc; đội trưởng đội túc vệ đang điều khiển thớt voi; các đội trưởng khác cưỡi ngựa theo sau; những túc vệ tinh tuyển; lọng và quạt (ảnh: Omega Plus cung cấp)

Đây là cuốn sách tổng hợp hai tác phẩm viết về Việt Nam sớm nhất bằng tiếng Anh, bao gồm: “Ký sự xứ Đàng Trong” của linh mục Christoforo Borri và “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” của thương nhân Samuel Baron. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 2006, nay đã có mặt tại Việt Nam với phiên bản tiếng Việt.

Ý tưởng hình thành nên cuốn “Việt Nam thế kỷ XVII” xuất phát từ thực trạng giai đoạn này được xem như “khoảng trắng” trong lịch sử nước ta. Tình hình chiến sự và chính trị khốc liệt, dai dẳng giữa các thế lực khiến cho ngày nay còn lại rất ít văn bản ghi chép chính thống và phi chính thống của chính người Việt về Việt Nam thế kỷ XVII.

Tuy thiếu vắng tư liệu bản địa, song nguồn tài liệu về Đàng Ngoài và Đàng Trong được ghi lại bởi người phương Tây lại rất phong phú. Trong đó, nổi bật nhất là các tập bút ký của Christoforo Borri và Samuel Baron, giúp người đọc dựng nên bức tranh vừa toàn cảnh lại vừa có tính đối sánh về hai Đàng thời bấy giờ. Những ghi chép của Christoforo Borri và Samuel Baron thể hiện những góc nhìn sắc sảo về dân chúng Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Theo Christoforo Borri, người Đàng Trong có trật tự, hữu hảo, phóng khoáng, tò mò về những miền đất khác, hiếu khách, giỏi buôn bán giao thiệp, giàu có phát đạt...

Còn theo Samuel Baron, người Đàng Ngoài kém trật tự, lạnh nhạt, khó chịu, không hiếu kỳ trước những điều mới lạ, ngờ vực người ngoại quốc, buôn bán yếu kém, nghèo...

Xin lược trích phần “Đại lễ cầu phúc cho đất nước ở Đàng Ngoài” trong cuốn sách này qua ngòi bút của Samuel Baron:

Nhà vua không bao giờ hoặc hiếm khi ra khỏi cung cấm để cho thỏa thú vui, nhưng mỗi năm một lần, vua sẽ xuất hiện trước dân chúng (không kể những dịp đặc biệt được chúa tháp tùng xuất cung) trong buổi lễ long trọng nhân dịp đầu năm mới, vào một ngày tốt được chọn trước, bởi lẽ người Đàng Ngoài quan niệm rằng trong năm có những ngày tốt, ngày bình thường và ngày xấu...

Vào dịp này, từ tờ mờ sáng, vua, chúa, thái tử cùng các vị đại thần đến địa điểm làm lễ ở phía nam kinh thành, vốn được dựng lên cho dịp lễ này với 3 cửa nhưng không giống tam quan ở chùa, bên trong cũng không có bất kỳ hình tượng nào. Đoàn người dừng bước ở bên ngoài cho đến khi trời sáng hẳn. Trong khi đó, nhà vua tắm rửa sạch sẽ và vận lễ phục mới.

Khoảng 8 giờ, một phát súng thần công khai hỏa, báo hiệu cho chúa, thái tử cùng các quan đại thần tiến về phía nhà vua để thực hiện nghi lễ tỏ lòng tôn kính và dâng lời chúc tụng. Nghi thức được tiến hành trong im lặng, không khí trang nghiêm và trịnh trọng.

Đại lễ cầu phúc ở Đàng Ngoài
Tranh vẽ cảnh vua Lê thiết triều của Samuel Baron - thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII

Liền sau đó là phát súng thần công thứ hai báo hiệu đã đến lúc nhà vua được tháp tùng đến những cánh cửa đóng kín dẫn vào 3 gian đã nói ở trên. Khi nhà vua gõ cửa, người canh cửa sẽ hỏi ai đấy. Nhà vua đáp “là nhà vua”, thế là cửa mở cho nhà vua vào mà không có người tháp tùng. Vua làm thế 3 lần để qua 3 cánh cửa cho đến khi vào được trong nhà, nơi ông thực hiện nghi thức cầu khấn thần linh với sự thành kính cao độ theo lối riêng của người Đàng Ngoài.

Sau khi khấn vái xong, vua bước lên cỗ kiệu sơn son thếp vàng đặt giữa sân. Sau một chốc dừng lại, người ta dâng lên cho vua một lưỡi cày buộc sẵn vào con trâu, hệt như cách người dân vẫn dùng để cày hằng ngày. Nhà vua nắm lấy cái cày, cũng hệt như cách người nông dân cầm nắm và sử dụng trong đời thực, cầu phúc cho muôn dân và chỉ dạy họ bằng những hành động tượng trưng rằng không ai phải xấu hổ khi là nông dân, rằng với sự lao động siêng năng, cần cù và nghiêm ngắn, đặc biệt là trong văn hóa nông nghiệp gắn liền với ruộng đồng, họ chắc chắn có thể trông chờ nhận về niềm vui thành quả xứng đáng với công sức lao động và những nhọc nhằn đã qua.

Buổi lễ cầu phúc sẽ kết thúc khi phát súng thần công thứ ba nổ rền, nhà vua sẽ lại bước lên cỗ kiệu được che lọng do 8 lính khiêng đi qua một vài con phố trước khi hồi cung, các quan văn mặc triều phục kiểu Trung Quốc đi chân đất theo sau. Đội túc vệ được tuyển lựa kỹ càng của chúa cũng theo hầu vua, cùng với đó là màn phô diễn của những đội voi, ngựa, tiếng trống đánh, tiếng thanh la, tiếng kèn kêu, tiềng cồng rền theo đó vang dậy không ngớt, cờ phướn muôn màu bay phấp phới. Khi đi ngang qua đám dân nghèo hai bên đường, nhà vua thể hiện sự hào phóng của mình bằng cách vung những nắm tiền đồng ban phát cho họ.

Cách vua một quãng, chúa cưỡi voi trang nghiêm đi theo sau, tiếp đến là các con trai của ông ta cùng hoàng thân quốc thích rồi đến tướng soái và đại thần trong triều, tất cả đều phục sức sang trọng. Họ được hộ tống bởi một đội lính gác gồm 3 hoặc 4 nghìn chiến mã, khoảng từ 100-150 tượng binh được trang hoàng lộng lẫy, cùng không dưới 10 nghìn quân sĩ mặc giáp oai phong, riêng áo và mũ được may từ những loại vải bền tốt của châu Âu, điều đó đã cho thấy chúa vượt xa vua về độ xa hoa, tráng lệ...

Trần Vinh