"Đại gia cây cảnh" - ôm cây đợi thời...

11:24 | 25/03/2014

13,604 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã qua thời sốt nóng đến thời… sốt rét, những người ôm “siêu cây cảnh” bạc tỉ thủa nào gần như chết đứng. Tuy không ồn ào như lúc thất bát của đại gia bất động sản, những người buôn cây cảnh chuyển tạm sang loại hình kinh doanh khác chờ thời cơ thay đổi số phận cho những “đứa con cưng” của mình.

Làng chơi cây cảnh “méo mặt” ôm cây tiền tỉ

“Cơn bão” cây cảnh khoảng năm 2010 đã làm đổi đời nhiều nông dân, nhưng khi nó “càn quét” qua, không ít gia đình bị phá sản, trở thành những con nợ.

Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm về nhà anh Nguyễn Văn Chí, làng Cơ Giáo, xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội. Câu chuyện về anh Chí, từ một chàng trai làm nghề phụ vữa để kiếm sống rồi đạp xe đạp chở cây cảnh đi bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội trở thành một tỉ phú với vườn cây quý trị giá hàng trăm tỉ đồng của vài năm trước không còn xa lạ với nhiều người.

Qua cái thời bận rộn đi săn lùng cây quý, mấy anh em cùng hội cùng thuyền buôn cây cảnh của anh Chí giờ đây mỗi người đang có thêm những công việc riêng để tạo dựng kinh tế gia đình. Nhưng không vì thế mà họ quay lưng lại với cây cảnh - cái nghề đã đem lại cho họ thời vàng son. Cứ chiều chiều, mỗi khi công việc rảnh rỗi là các anh lại tụ họp ở vườn cây nhà anh Chí để ôn lại chuyện xưa và lập ra hướng đi mới cho vườn cây cảnh của mình.

Anh Nguyễn Văn Chí cùng với những người bạn trong hội chơi cây cảnh làng Cơ Giáo

Anh Chí bảo: “Cây cảnh giờ không còn được chuộng như xưa nữa, nếu ngày trước được mười phần thì bây giờ chỉ còn được 3,4 phần thôi. Khách hàng chơi cây bây giờ phần lớn là những người thực sự đam mê với cây, hoặc những người hoài cổ với vẻ đẹp của cây mà thôi. Tôi có 5 vườn cây với hơn nghìn cây, giờ tính trị giá ra thì khó lắm. Nghề cây cảnh nó là thế, lúc lên lúc xuống”.

Cùng hội chơi cây của anh Chí, anh Nguyễn Hồng Kì chia sẻ với chúng tôi: “Vườn cây của tôi cả về diện tích và số lượng đều nhỏ hơn so với Chí và cũng đang trong số phận đó. Nhìn giá cây rớt xuống thảm hại, tôi cũng buồn. Buồn hơn là được mấy ai hiểu cây, trân trọng cây như chúng tôi nữa”.

Cả làng Cơ Giáo ngày xưa nổi tiếng phất lên với nghề làm cây cảnh thì bây giờ nhiều người gặp không ít long đong lận đận. Anh Chí bảo, những người thực sự yêu cây khi phải bán đi những đứa con của mình đau đến đứt ruột, nhưng vài người vì không trụ nổi vẫn phải bán đi để vớt vát lại ít tiền. Làng không ít người vì không hiểu về cây, chỉ thấy cây được giá thì dốc toàn bộ tiền để đi buôn, giờ cũng đã phá sản.

Anh Chí kể cho chúng tôi nghe về anh Nguyễn Văn T. Vào khoảng năm 2011, giắt lưng vài trăm triệu làm vốn, gặp dịp cây xuất đi Trung Quốc lên cơn sốt, chỉ trong vòng chục ngày, T đã cầm trong tay chục tỉ tiền lãi. Có vốn, T “bành trướng” và đi “thôn tính” những cây cảnh có số má trong làng cây.

Thời điểm đó, T đã vác cả… bao tải tiền đi mua cây, gặp cây đẹp, chủ nhà ra giá bao nhiêu nhận luôn mà không bao giờ mặc cả. Đến nỗi, bán cây xong, dù đã ôm cả cục tiền lãi, chủ cây vẫn ấm ức làm như là mình bị… bán hớ.

Giá cây cảnh thời điểm đó mỗi ngày mỗi lên. T đi gom cây và quyết “ôm” một cục, chờ giá cây lên ngất ngưởng rồi mới xuất. Tính sơ sơ, nhà T thời điểm đó, tiền vốn đi mua cây về găm đã lên đến vài chục tỉ. Trong số đó, gần một nửa T đi vay mượn lấy vốn làm ăn…

Nhưng rồi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng dãy container bị “ách” lại cửa khẩu không thông quan được. Lý do là bên Trung Quốc ngừng mua. Đau đớn, T ôm vài chục tỉ tiền cây mà không hẹn ngày nào mới lấy lại vốn.

Không có chỗ để cây, khi xã chủ trương “dồn điền đổi thửa” và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, T dồn toàn bộ ruộng đất chia theo khẩu của anh chị, con cái trong nhà được gần ba mẫu, chuyển đổi sang đất trang trại, V.A.C dùng làm chỗ để cây.

Để có tiền trả nợ, vợ chồng T bán hết nhà cửa, tài sản, máy móc… sắm được thời kỳ “ăn nên làm ra”, đồng thời chuyển qua mô hình nuôi vịt đẻ, ấp trứng lộn bán cho các nhà hàng lần hồi kiếm sống qua ngày.

Phất lên nhờ chiêu “bụm miệng thổi giá”

 Anh Nguyễn Văn Chí nhớ về thủa vàng son, anh đã từng phục một cây Sanh cổ thụ 80 tuổi suốt từ năm 1999 (khi mới vào nghề) đến tháng 10/2005 mới mua được. Đó là cây của anh Thắng ở Mai Dịch (Hà Nội), năm đó chủ ra giá 40 triệu đồng khiến Chí chỉ có nước đứng ngắm; năm 2000 chủ ra giá 60 triệu anh trả 40 triệu; năm 2001 chủ đã đẩy vọt lên 120 triệu, Chí nghiến răng trả 90 triệu nhưng vẫn không mua được cây. Dây dưa mãi đến năm 2005, cây này được đem trưng bày ở triển lãm Vân Hồ, vì cảm phục độ “chì” của anh mà chủ đồng ý bán với giá 350 triệu.

Cây cao nhất anh đã từng bán là 700 triệu đồng. Cây này vốn là của một tay địa chủ xa xưa, được ông Hân ở Nam Định mua lại, năm 2003 bán cho Chí với giá 80 triệu. Một năm sau, Chí bán lãi ròng 620 triệu. Hiện nay, anh Chí còn có một cây Sanh đã 115 năm tuổi, có người đã trả đến 6 tỉ đồng và xin "chất" đủ tiền ngay mà chủ nhân đủng đỉnh “chưa muốn bán”, ngoài ra còn có khoảng 300 cây khác trong khu vườn rộng đến 1.600m2.

Anh Chí với cây cảnh từng mua với giá 6 tỉ đồng

Chỉ tính riêng năm 2005, tiền mua bán cây của anh đã lên đến trên 10 tỉ đồng, trong đó có những khách hàng tiềm năng như anh Minh ở Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) mua 1,5 tỉ; anh Nguyễn Gia Thọ (ở 89 Nghi Tàm) mua 2 tỉ…

Chí nhớ lại phi vụ làm ăn của anh khi ấy là một cây Sanh (là một trong 5 loại cây cảnh bán chạy nhất: Sanh, Đa, Lộc vừng, Tùng, Bách). Bằng tất cả vốn và kinh nghiệm hơn 1 năm tích lũy được anh liều mua với giá 4 triệu đồng. Mang cây về nhà, anh phải nói dối là giá chỉ có 1 triệu để gia đình đỡ xót ruột. Hôm sau, anh phải đi tỉnh để tìm cây, hôm sau nữa về đến nhà, vợ hớn hở chạy ra khoe với chồng là có khách mua cây, bán lãi được 600 ngàn đồng, tổng cộng những…1,6 triệu. Nghe tiếng vợ mừng mà chồng chết chôn chân.

Mỗi tầng lớp tham gia nghề cây cảnh lúc đó đều… "bụm miệng thổi giá”. Thợ thổi, môi giới thổi, người buôn thổi, người chơi cũng thổi nốt. Có cây được giá không phải do dáng của nó mà do… dáng của chủ. Vẫn là cây đó, về nhà đại gia giá một trời một vực với thường dân vì đại gia nào chịu chơi cây loàng xoàng bạc chục, bạc trăm? Cây cảnh lúc đó không còn là cây nữa mà là vật trang sức khẳng định cấp bậc, đẳng cấp của một người.

Thời củi hóa vàng đã xa, theo nhận định của anh phải 3 năm nữa thị trường chơi cây mới phục hồi chứ 90% ông chủ đang rất khó khăn, phải bán cây ăn dần. Đây cũng chính là thời để thanh lọc những kẻ không chuyên nghiệp ra khỏi cuộc chơi.

Anh Chí tâm sự: “Chơi cây ngoài sự đam mê thì cần cả sự kiên trì. Tôi có đến 5 vườn cây, với hơn 1.000 cây cảnh, nếu kê khai giá trị bây giờ thì tôi trở thành phá sản lâu rồi. Nhưng dù thế, tôi vẫn kiên quyết giữ, chăm sóc cho vườn cây của mình và đó mới là điều làm tôi vui nhất. Hồi đó vì yêu cây mà tôi có tiền và tôi nhận ra rằng cây không bao giờ phản bội tôi cả. Phải yêu nó, phải thực sự hiểu nó thì mới thấy trọn vẹn ý nghĩa được. Còn tiền thì nên kiếm bằng nghề khác có lẽ sẽ tốt hơn”.

Quỳnh Nguyên - Thảo Phượng