Đại biểu Quốc hội đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh

21:55 | 22/07/2021

941 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với thực tế tình hình phức tạp của dịch Covid-19 khiến hàng chục tỉnh thành phía Nam phải phong tỏa, cách ly, đại biểu Quốc hội gợi ý Quốc hội nên ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Đại biểu TPHCM day dứt, đau lòng với tình trạng thành phố

Đại biểu Quốc hội đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh - 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 22/7.

Chiều nay (22/7), thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhận định, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.

Ghi nhận chiến lược phòng, chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vắc xin rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khóa thoát khỏi dịch bệnh, song đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vắc xin.

Đại biểu từ ngành y nêu nhiều băn khoăn. Về vắc xin, bà Lan nêu thực tế, đến nay hầu hết vắc xin có được là mua qua Cty CP Vắc xin Việt Nam (VNVC) và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Quốc hội có thể đưa ra giải pháp gì để tháo gỡ?

Về cách thức chống dịch, theo đại biểu, không phủ nhận những gì đã làm được từ chiến lược triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch… nhưng với biến chủng Delta bây giờ, đó có còn là những biện pháp căn bản để chống dịch?

Đại biểu cũng đề cập khía cạnh, việc tập trung chống dịch cũng tạo ra một nghịch lý khác, nhiều bệnh nhân mãn tính ngại đến bệnh viện nên không được chăm sóc kịp thời. Công tác khám chữa bệnh cũng như chính sách bảo hiểm y tế cần có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng bày tỏ lo lắng về những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng, tử vong.

"Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro, chưa nói cố tình vi phạm, nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân" - bà Phong Lan phản ánh.

Đây cũng là lo lắng của đại biểu Trần Hoàng Ngân. Đại biểu day dứt và "rất đau buồn" khi trong đợt dịch này, TPHCM đã có hàng trăm ca tử vong.

Ông Ngân khuyến cáo, cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vắc xin "nội" vào sử dụng. Thực tế, các nước hiện đã triển khai tiêm mũi vắc xin thứ 3 mà Việt Nam vẫn cứ chờ nguồn vắc xin nước ngoài, hết sức khan hiếm, khó khăn.

Đại tá Nguyễn Tâm Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề cập, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, ông cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Ông phân tích, theo quy định, có 3 trường hợp được xác định là tình trạng khẩn cấp, về quốc phòng, về an ninh quốc gia, về thiên tai và dịch bệnh. Bối cảnh hiện nay, việc ban hành tình trạng khẩn cấp, theo đại biểu, sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh; bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu.

Cán bộ sai lầm trong đại dịch làm người dân càng khó khăn

Đại biểu Quốc hội đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh - 2
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thuộc đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Chính phủ phải đối mặt khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện và diễn biến ngày càng phức tạp. Chính phủ đã rất nỗ lực, đặc biệt Thủ tướng lăn lộn, xông xáo và không rời bỏ mục tiêu phát triển kinh tế mà giữ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép.

"Kết quả đạt được thời gian qua như đạt các mục tiêu, trong đó thu ngân sách tăng 16% so với cùng kỳ, thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ. Nhiều tổ chức quốc tế lớn đánh giá tích cực về Việt Nam. Kết quả đó vừa là sự tích lũy từ năm ngoái nhưng vừa khẳng định được năng lực của Chính phủ khóa XIV sau kiện toàn" - ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh và đồng tình với việc chuyển trạng thái từ phòng thủ sang tấn công với chiến lược vắc xin.

Bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Lê Thanh Vân, vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ, trước hết là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công rất chậm dù câu chuyện này được đề cập qua nhiều nhiệm kỳ. Nguyên nhân chính là luật pháp còn vướng mắc và quy trình ngân sách, kế hoạch triển khai chậm trễ.

Theo ông Vân, đó là việc bộ máy công quyền trong quan hệ với doanh nghiệp và người dân ở đâu đó vẫn có cán bộ chưa thực hiện đúng chức năng, sứ mệnh của mình. Trong đại dịch Covid-19, có nơi này nơi khác hiểu chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ, thậm chí có cá nhân thể hiện công quyền chưa đúng lúc, đúng chỗ, thậm chí sai lầm, khiến người dân và doanh nghiệp vốn khó khăn lại khó khăn hơn.

Từ thực tế trên, trong thực hiện kế hoạch 5 năm tới, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ tập trung rà soát chính sách pháp luật về đầu tư công. Quốc hội cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để Chính phủ hành động trong tình hình Covid-19.

"Cần thay đổi phương thức quản lý để quản lý tốt hơn sự thay đổi. Chính phủ phải đặt trong thế chủ động, có gói cơ chế cho Chính phủ trong đó chứa đựng điều kiện, quyền năng để Chính phủ huy động sức mạnh nội lực. Có quyết định khác biệt mới tạo kỳ tích. Quốc hội phải cho Chính phủ cơ chế, có thể khác với các đạo luật hiện hành nhưng vẫn phù hợp Hiến pháp để hành động quyết liệt, hiệu quả hơn" - ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong cũng đồng tình với các báo cáo cho rằng bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng qua là tích cực với tăng trưởng kinh tế 5,64%. Kiên trì mục tiêu kép là lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh của chính chúng ta. Tuy nhiên, thách thức với những tháng cuối năm là rất lớn.

Đề cập vấn đề đầu tư công, đại biểu ủng hộ tinh thần quyết định đầu tư có lựa chọn, trọng tâm, trọng điểm để tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt. Vấn đề cần phải bàn là hiện tiến độ giải ngân rất chậm, gây lãng phí trong khi "nhanh hay chậm cũng do chúng ta cả thôi", cần thúc đẩy tiến độ một cách quyết liệt như tinh thần Chính phủ thời gian qua.

"Với các đại dự án thua lỗ kéo dài thì mong rằng Chính phủ quyết liệt giải quyết, cái nào cần thêm đầu tư để khởi động được thì tập trung, nhưng cái nào thực sự không thể vận hành được thì đau cũng phải cắt, nếu không thua lỗ kéo dài, nhìn xót xa" - ông Đôn Tuấn Phong bày tỏ.

Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Đông hay sân bay Long Thành, đại biểu cảnh báo, nếu không quyết liệt thì nguy cơ chậm tiến độ rất cao.

Theo Dân trí

Xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nano CovaxXem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nano Covax
Bí thư Hà Nội: Nâng cấp độ phòng dịch, chuẩn bị 20.000 giường bệnhBí thư Hà Nội: Nâng cấp độ phòng dịch, chuẩn bị 20.000 giường bệnh
TP HCM: Đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừngTP HCM: Đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng
Hà Nội quyết tâm chống “giặc” Covid-19Hà Nội quyết tâm chống “giặc” Covid-19