Đại án Vạn Thịnh Phát: VKS muốn kiến nghị lên Liên đoàn luật sư

10:15 | 04/04/2024

916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
VKS phân tích luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan trích dẫn Điều 353 rất nhiều. Song, theo VKS, điều luật này quy định người có "chức vụ, quyền hạn" chứ ko quy định người có "chức vụ và quyền hạn".
Đại án Vạn Thịnh Phát: VKS muốn kiến nghị lên Liên đoàn luật sư

Ngày 3/4 diễn ra nhiều nội dung tranh luận gay gắt từ phía đại diện VKS, luật sư bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan và luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng SCB. Qua 2 lần đối đáp qua lại, VKS vẫn bảo lưu quan điểm luận tội, nhưng ghi nhận tình tiết giảm nhẹ và đề nghị giảm hình phạt cho 22 bị cáo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) đã trình bày xong lời nói sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

VKS muốn kiến nghị lên Liên đoàn luật sư

Xuyên suốt những ngày tranh tụng, luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đều cho rằng bị cáo không phạm tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Theo VKS, cách tiếp cận và lập luận của luật sư là theo mô hình tách bà Trương Mỹ Lan ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Trong khi đó, VKS tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới.

Đại án Vạn Thịnh Phát: VKS muốn kiến nghị lên Liên đoàn luật sư
Viện kiểm sát trao đổi với luật sư (Ảnh: Hải Long).

Hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa thể hiện bà Lan sở hữu, quản lý trên 91% cổ phần SCB. Bà nắm quyền gần như tuyệt đối, tham gia đại hội đồng cổ đông (là cơ quan quyết định cao nhất), sử dụng quyền lực để bầu ra Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, đưa người của bà Lan vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền.

VKS phân tích luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan trích dẫn Điều 353 rất nhiều. Song, theo VKS, điều luật này quy định người có "chức vụ, quyền hạn" chứ ko quy định người có "chức vụ và quyền hạn".

Nếu quan điểm của VKS được HĐXX chấp nhận, cơ quan công tố thông qua bản án sẽ kiến nghị Liên đoàn luật sư lưu ý các luật sư của bà Trương Mỹ Lan trong quá trình tiếp cận quan điểm bào chữa.

Đối đáp lại phần tranh luận của VKS, luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đưa ra lập luận của mình. Theo luật sư, chức năng của VKS là buộc tội, còn gỡ tội là vai trò của luật sư.

Về quan điểm VKS cho rằng cách tiếp cận của luật sư là tách vai trò bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi ban điều hành, người bào chữa cho bà Lan nói họ căn cứ vào quy định của pháp luật, lời văn điều luật để xác định thân chủ của mình không có chức vụ, quyền hạn tại SCB, từ đó xác định bà Lan không phải là chủ thể của tội Tham ô tài sản.

Luật sư cho rằng VKS cần chỉ ra lập luận, quy kết trích từ lời văn, điều luật cụ thể nào. Khi thực hiện chức năng gỡ tội, luật sư đang làm tròn trách nhiệm của mình.

94% tài sản bà Trương Mỹ Lan là từ tiền chiếm đoạt

VKS giữ nguyên lập luận bị cáo Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, bổ nhiệm, chỉ đạo, điều hành các bị cáo có chức vụ khác tại ngân hàng. Bị cáo là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.

Cơ quan công tố cho rằng bà Lan không có nhiều tài sản như bị cáo trình bày, cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan có rất nhiều khoản nợ khó đòi, tài sản bảo đảm giá trị thấp. Do đó, bị cáo đã sử dụng thủ đoạn để rút tiền huy động của dân từ SCB.

"Ngân hàng Nhà nước phải gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần nhằm ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào mới thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta", VKS gay gắt.

Đại án Vạn Thịnh Phát: VKS muốn kiến nghị lên Liên đoàn luật sư - 2
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 3/4 (Ảnh: A.T)

Trong số 1.169 bất động sản bị kê biên, bị cáo Lan thừa nhận là của bị cáo, nhiều tài sản phải thuê nhờ người đứng tên. VKS cho rằng trong số này chỉ có khoảng 60 tài sản có trước 2012, sau năm 2012 chiếm hơn 94%. Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để đầu tư, mua lại.

Luật sư bào chữa của bà Lan trong phần tranh luận có nói lần đầu tiên xét xử một doanh nhân mà án đề nghị tử hình. "Nếu vậy thì lần đầu tiên trong lịch sử có 1 nữ doanh nhân dùng thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lớn mà không có từ nào lớn hơn", VKS đối đáp.

45/86 bị cáo là nhân viên SCB - Nỗi đau của ngân hàng

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bảo vệ quyền lợi của SCB, cho rằng SCB xác định tổng dư nợ 677.000 tỷ đồng của 1.284 khoản vay là thiệt hại, vì cơ quan tố tụng xác định đây là hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra, khi tội phạm đã hoàn thành.

Với ý kiến của luật sư cho rằng cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, luật sư Minh Tâm cho biết pháp luật không có nguyên tắc độc lập áp dụng có lợi mà chỉ là tinh thần nhân đạo của pháp luật. Cơ quan tố tụng có quyền áp dụng hay không áp dụng. Thiệt hại đã xảy ra ngay sau khi tội phạm hoàn thành. VKS có thể áp dụng tài sản đảm bảo định giá để khấu trừ thiệt hại trên cơ sở khắc phục, có khả năng khắc phục để giảm trừ cho các bị cáo.

"Thời điểm SCB có thể xử lý tài sản này, đấu giá hay bán thì quyền lợi bà Lan vẫn được đảm bảo. Nếu giá trị lúc đó tăng lên rất có lợi cho bà Lan, bất lợi thì cũng đều khách quan", ông Tâm nói.

Đại án Vạn Thịnh Phát: VKS muốn kiến nghị lên Liên đoàn luật sư
Màn hình tivi để theo dõi phiên tòa (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Đề cập đến cách SCB tính lãi đến ngày 5/3 là hơn 84.000 tỷ, SCB giải thích đây là tiền phái sinh từ khoản thiệt hại trước đó là 677.000 tỷ đồng. Hàng tháng SCB phải trả lãi, phí cho khách hàng, trả lãi cho Ngân hàng Nhà nước trên số tiền SCB thiệt hại.

"Tiền huy động vốn của dân, dù ngân hàng kinh doanh hay không kinh doanh đều có nghĩa vụ trả lãi cho dân. Tính lãi là sự tiếp tục sau khi SCB bị áp dụng tính lãi", luật sư của SCB trình bày.

SCB cho rằng khoản nợ của ngân hàng này được ưu tiên trong nghĩa vụ thanh toán. Do đó SCB muốn được giao toàn bộ vật chứng là tài sản đảm bảo, tài sản kê biên, tiền khắc phục thiệt hại của các bị cáo để cấn trừ vào thiệt hại.

Bị hại bác bỏ quan điểm SCB đang rũ bỏ trách nhiệm vì có 45/86 bị cáo là cán bộ, nhân viên SCB trong vụ án. Luật sư cho rằng các bị cáo nhân danh SCB nhưng không vì lợi ích SCB mà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho nhà băng. SCB không có nghĩa vụ chịu trách nhiệm thay cho họ, do đó không thể quy lỗi thuộc về SCB. SCB được xác định là bị hại trong vụ án.

"45/86 bị cáo là nỗi đau không thể khắc phục của SCB", luật sư Nguyễn Minh Tâm trình bày và mong HĐXX khoan hồng để họ sớm trở về.

"Nếu bàn trách nhiệm SCB trong vụ án đó là nhanh chóng thu hồi tài sản khắc phục hậu quả để hoàn trả khoản nợ đặc biệt của Nhà nước, thoát ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, ổn định an ninh tài chính tiền tệ, củng cố lòng tin nhân dân vào ngân hàng", đại diện bị hại trình bày.

SCB ghi nhận trách nhiệm bà Trương Mỹ Lan đã tìm mọi cách đưa tài sản của gia tộc, bạn bè, anh em trong và ngoài nước để khắc phục hậu quả vụ án, xuất phát tinh thần nhận thức và tấm lòng của bà Lan với SCB.

Chồng bà Trương Mỹ Lan được đề nghị giảm hình phạt

Quá trình xét xử, các bị cáo ăn năn hối cải, nhiều người tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả. Tổng số tiền khắc phục thêm từ lúc xét xử tính đến ngày 3/4 là hơn 73 tỷ đồng. Nhiều luật sư bào chữa bổ sung tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ.

Cơ quan công tố ghi nhận và đề nghị HĐXX xem xét áp dụng hình phạt mới, giảm nhẹ hơn bản luận tội VKS công bố ngày 19/3. Có 22 bị cáo được đề nghị giảm hình phạt.

VKS cho rằng có nhiều bị cáo cung cấp tình tiết giảm nhẹ, song, VKS ghi nhận, đánh giá, đối chiếu hành vi, mức độ phạm tội. Cơ quan công tố đề nghị giảm nhẹ cho 22/86 bị cáo, còn các bị cáo còn lại mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng VKS thấy hình phạt đã đề nghị vào ngày 19/3 đã phù hợp nên không tiếp tục giảm.

Với ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), VKS đánh giá bị cáo không tham gia điều hành SCB, phạm tội do tin tưởng vợ của mình. Tại tòa, bị cáo thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, được VKS chấp nhận. VKS đề nghị giảm mức đề nghị xuống 10-11 năm, thay vì 11-12 năm.

Đại án Vạn Thịnh Phát: VKS muốn kiến nghị lên Liên đoàn luật sư - 4
Các bị cáo tại tòa ngày 3/4 (Ảnh: A.T).

Bà Trương Mỹ Lan khóc khi nói lời sau cùng

Trong gần 1 giờ trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan liên tục bật khóc, nghẹn ngào. Bị cáo day dứt câu hỏi vì sao bản thân và gia đình lại lâm vào tình cảnh như hôm nay.

"Có những lúc tuyệt vọng tôi đã nghĩ đến cái chết. Tôi dấn thân vào thương trường khắc nghiệt, vào hoạt động ngân hàng mà mình không thông thạo", bà Lan nói và cho rằng bước ngoặt định mệnh dẫn đến việc bà đối diện mức án tử hình vì hoàn toàn không có sự hiểu biết gì về hoạt động ngân hàng.

Vì tin vào hy vọng thực hiện đề án tái cơ cấu SCB thành công, gia đình, bạn bè, người thân, đối tác trong và ngoài nước của bà đã đem hết tài sản đưa vào ngân hàng đảm bảo cho khoản vay tái cơ cấu tại SCB.

Bà cho biết nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của mình. Do đó, bà cùng gia đình, bạn bè người thân tích cực đưa tài sản vào để giải quyết về mặt dân sự. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát mong HĐXX ghi nhận sự tự nguyện này của bà, xem xét toàn diện vụ án để đưa ra phán quyết công bằng, hợp lý.

Theo Dân trí

VKS tranh luận thế nào về đề nghị án tử hình với bà Trương Mỹ Lan?

VKS tranh luận thế nào về đề nghị án tử hình với bà Trương Mỹ Lan?

Việc định tội danh với bà Trương Mỹ Lan, mức hình phạt đề nghị cho các bị cáo và tranh cãi về trách nhiệm dân sự trong vụ án là những vấn đề chờ VKS tranh luận lại.

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan