Cú liều với... đĩa than!

09:18 | 21/09/2013

1,782 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án đĩa than với sự xuất hiện của bộ 3 album: Vinh quang Việt Nam, Mùa thu không trở lại , Hà Nội mùa vắng những cơn mưa ... vừa được ra mắt, được xem là một “cú liều” với thị trường sản xuất âm nhạc hiện tại.

Đây là “phát súng” đầu tiên của dự án đĩa than do hãng phim Trẻ, Công ty truyền thông nhạc và phim Giao hưởng xanh - MFC Star Group phối hợp sản xuất và phát hành.

Thú chơi nhiều lắm những công phu

Được biết đến như một thú chơi “sang - chảnh” trong đời sống âm nhạc, đĩa than từ lâu đã trở thành xa xỉ đối với thị trường nghe nhạc bình dân. Thực ra, thời kỳ hoàng kim của đĩa than vào khoảng những năm cuối thập kỷ 60. Đến đầu thập kỷ 90 thì lãnh địa của đĩa than bị thu hẹp dần do sự đàn áp của thị trường băng đĩa nhạc CD với công nghệ ghi âm Digital nhanh nhạy.

Phải thừa nhận rằng, công nghệ kỹ thuật số dù có đang xuống đáy nhưng vẫn không thể vắng bóng trong đời sống âm nhạc hiện đại. Nên với một thực trạng công chúng nghe đĩa than không đại trà và nhiều kinh phí như hiện nay thì tham vọng đưa đĩa than trở về thời kỳ hoàng kim còn quá xa vời.

Rà soát trên thị trường nhạc Việt đĩa than vẫn còn là “của hiếm” khi mới chỉ có một vài ca sĩ chịu đứng ra làm thể loại đĩa kén người chơi này.

Điểm mặt những “anh hùng” thì khởi đầu có ca sĩ Mỹ Linh với đĩa Tóc ngắn Acoustic được ra lò. Bẵng đi một thời gian thì mới đây lại có Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Và vừa qua là ca sĩ Quang Dũng với Tuyển tập Tình khúc Phạm Duy. Như vậy, đã đủ thấy độ khó của quy trình cũng như sự “chảnh” của đĩa than.

Ca sĩ Quang Dũng vừa cho ra đời đĩa than Tình Khúc Phạm Duy

Thực tế, đĩa than vừa đỏi hỏi sự công phu trong quá trình làm đĩa đến quá trình xuất bản, phát hành và cuối cùng là đối tượng thưởng thức cũng phải vừa có nghề, vừa có tiền để có thể sở hữu thiết bị hi-end đồ sộ.

Thêm nữa môi trường sản xuất trong nước chưa thể tự làm một đĩa than hoàn chỉnh. Mà mỗi đĩa than sau khi thu âm sẽ phải gửi ra nước ngoài để hoàn thành phần hậu kỳ, rất tốn thời gian và công sức. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất trong nước phải e ngại.

Kỳ công như vậy nên giá thành của một đĩa than cũng không hề nhỏ, kéo theo đó là số lượng sản xuất cũng có giới hạn và được kiểm soát một cách chuẩn xác. Với giá thành dao động khoảng 1 triệu đồng/ đĩa thì không phải người yêu nhạc nào cũng có thể sở hữu những đĩa than này, đòi hỏi người chơi cũng phải chịu khó đầu tư. Vậy nên, Tóc Ngắn của Mỹ Linh với giá thành 1.300 nghìn / đĩa thì chỉ ra có 500 bản, còn Lặng lẽ tiếng dương cầm treo giá với mức 900 nghìn đồng/ đĩa cũng chỉ được phát hành 1.500 đĩa.

Mặc dù rất tâm huyết với việc tìm lại thị trường cho đĩa than nhưng nhạc sĩ Đức Trí cũng phải bùi ngùi: Để đĩa than phổ quát rộng rãi còn cần thời gian dài. Nhà sản xuất rõ ràng vất vả trong quá trình làm đĩa và người yêu nhạc cũng phải đầu tư một khoản không nhỏ cho thú chơi quý tộc này.

Cần thiết có sự mạo hiểm

Rất nhiều lý do để dẫn tới sự “dè dặt” của công chúng đối với thể loại sang chảnh này. Nên dự án đưa đĩa than trở lại thị trường âm nhạc lần này được xem là khá mạo hiểm.

Không trực tiếp thu âm để làm đĩa than, mà khai thác những chương trình cũ bằng cách remix lại từ digital để cho ra đời các sản phẩm đĩa than là một nét mới.

Với những người yêu nhạc ở đầu thập niên 90 sẽ không thể quên những sản phẩm: Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy, Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng), Mùa thu không trở lại (Lê Dung), Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thùy Dung, Thu Hà...) đã từng làm mưa, làm gió trên thị trường băng đĩa. Nên sự trở lại dưới định dạng đĩa than nhằm tạo nên sự giao thoa giữa đỉnh cao âm thanh hi-end thập niên 1960 và tinh hoa nhạc Việt thập niên 1990.

Bìa đĩa than Vinh quang Việt Nam và Mùa thu không trở lại vừa được ra mắt

Tham vọng đưa đĩa than trở lại với đời sống âm nhạc, bà Nguyễn Thanh Thủy chủ tịch HĐQT công ty Bạn yêu nhạc MFC chia sẻ chiến lược để đưa đĩa than quay trở lại cần: Phải sản xuất những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người nghe nhạc sành điệu. Và về lâu dài thì cần “đại chúng hóa” để công chúng có điều kiện nghe đĩa than mà không tốn quá nhiều tiền.

Bà Thủy cũng tin tưởng: Nếu bây giờ các ca sĩ tên tuổi nghĩ đến việc làm album đĩa than cho mình như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… thì tôi nghĩ sẽ bán rất tốt. Vì fan hâm mộ của họ cũng sẵn sàng đầu tư những thiết bị nghe nhạc tinh tế để có thể thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn nhất. Điều này đã được kiểm chứng ở các nước châu Âu, với đĩa than của Adele, Christina Aguilera, Justin Timberlake, Direction One… bán chạy không thua CD hay nhạc số.

Thực tế trong đời sống âm nhạc vẫn có những khán giả “chịu chơi” đĩa than nhưng số lượng này còn quá ít. Đúng như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng nhận xét thì: Đĩa than chủ yếu phục vụ đối tượng khán giả có gu thưởng thức âm nhạc ở tầng cao. Và nếu là những tín đồ của đĩa than thì họ sẵn sàng đầu tư. Tuy nhiên, từ trước tới nay, đối tượng khán giả này chỉ có một số lượng nhất định. Còn lại chủ yếu là phục vụ cho những phòng nhạc chuyên nghiệp và lưu trữ làm tư liệu cho các dự án âm nhạc cần thanh âm chuẩn.  

Vậy mới nói, chất lượng âm nhạc từ đĩa than thì không cần bàn cãi. Nhưng để “đại chúng hóa” đĩa than thì quả là còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định việc trả lại cho âm nhạc những giá trị nguyên sơ nhất, đưa khán giả tiếp cận với những sản phẩm chuyên nghiệp để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ về âm nhạc vẫn là điều cần thiết.

Huy An

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...