COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí

10:23 | 26/11/2023

2,768 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, các nhà sản xuất dầu khí cần phải nhanh chóng đưa ra giải pháp nhằm cắt giảm mạnh hơn nữa lượng khí phát thải.
COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí | Quốc tế
Hội nghị COP 28 sẽ được tổ chức tại Vùng Vịnh - khu vực vẫn được xem là giếng dầu của thế giới.

Ngành công nghiệp dầu khí hiện chỉ chiếm 1% đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch và tiếp tục thải ra một lượng lớn khí làm nóng hành tinh, bao gồm cả khí mêtan, mạnh hơn khoảng 80 lần so với CO2. IEA cho biết, nếu thế giới muốn có bất kỳ cơ hội nào để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, thì cần phải có hành động quyết liệt và nhanh chóng.

Cảnh báo này được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP28 vào tuần tới. Trước đó, một phân tích gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy trái đất sẽ nóng lên thêm gần 3 độ C vào cuối thế kỷ này, các nhà khoa học dự đoán rằng sự nóng lên ở quy mô đó có thể đẩy thế giới tới các thảm họa thiên nhiên và có khả năng không thể đảo ngược, chẳng hạn như sự sụp đổ của các tảng băng ở các vùng cực.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một tuyên bố: “Ngành công nghiệp dầu khí đang phải đối mặt với thực tế tại COP28 ở Dubai. Với việc thế giới đang phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, việc tiếp tục kinh doanh như bình thường sẽ không có trách nhiệm với xã hội cũng như môi trường.”

Hiện nay, tổng giá trị các công ty dầu khí tư nhân toàn cầu khoảng 6 nghìn tỷ USD. Và theo dự báo, trong quá trình thế giới chuyển đổi năng lượng để đạt mức phát thải ròng bằng 0, giá trị của các công ty dầu khí tư nhân có thể giảm 25% nếu tất cả các mục tiêu về khí hậu và năng lượng quốc gia đều đạt được; và giảm tới 60% nếu thế giới đi đúng hướng hạn chế nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng thêm ở mức 1,5°C.

Theo ông Birol, có hai biện pháp mà ngành dầu khí phải chủ động thực hiện để góp phần hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ theo thỏa thuận quốc tế.

Đầu tiên là giảm ô nhiễm từ các hoạt động như khai thác dầu và khí đốt từ lòng đất, xử lý nhiên liệu và cung cấp chúng cho người tiêu dùng. Ba hoạt động này tạo ra gần 15% lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng trên toàn cầu.

Ông Birol cho biết: “Những lượng khí thải này, bao gồm cả khí thải mêtan, có thể được hạn chế khá dễ dàng, nhanh chóng theo cách tiết kiệm chi phí”. Báo cáo của IEA cho biết lượng ô nhiễm này cần phải được cắt giảm hơn 60% vào năm 2030 so với mức hiện nay.

Bên cạnh đó, biện pháp thứ hai mà IEA khuyến nghị là các doanh nghiệp dầu khí tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, vốn là “một lực lượng cận biên” trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí | Quốc tế
Các doanh nghiệp khai thác dầu khí cần đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo

IEA cho biết ngành này đã đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch vào năm ngoái, con số này chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng vốn đầu tư. Tỷ lệ đó sẽ cần phải tăng lên tới 50% vào năm 2030 để góp phần giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức ít nguy hiểm.

Ngành dầu khí có vị trí thuận lợi để mở rộng quy mô một số công nghệ quan trọng nhằm chuyển đổi năng lượng sạch. Trên thực tế, khoảng 1/3 nguồn năng lượng tiêu thụ vào năm 2050 trong hệ thống năng lượng khử cacbon đến từ các công nghệ có thể được hưởng lợi từ kỹ năng và tài nguyên của ngành.

Điều này có nghĩa là cần có sự thay đổi căn bản trong cách các công ty dầu khí phân bổ nguồn lực tài chính của họ. Theo báo cáo của IEA, từ năm 2018 đến năm 2022, ngành này đã tạo ra doanh thu khoảng 17 nghìn tỷ USD, trong đó 40% được chi để phát triển và vận hành các tài sản dầu khí, 10% dành cho các nhà đầu tư và chỉ một phần nhỏ được đầu tư vào năng lượng sạch.

Một số doanh nghiệp dầu khí đã và đang đầu tư vào công nghệ thu giữ carbon để loại bỏ ô nhiễm carbon từ không khí. Lượng carbon thu được sau đó có thể được lưu trữ hoặc tái sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Birol, việc thu hồi carbon không phải là giải pháp triệt để.

Chuyên gia này chỉ ra, các kỹ thuật này có thể đóng một vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực nhất định như sản xuất xi măng, sắt và thép cùng nhiều lĩnh vực khác. “Nhưng để nói rằng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon sẽ cho phép các doanh nghiệp dầu khí tiếp tục tốc độ sản xuất như hiện tại, đồng thời giảm lượng khí thải… theo quan điểm của chúng tôi, là một điều viển vông", ông Birol nhấn mạnh.

IEA cho biết, việc hạn chế mức tăng thêm nhiệt độ ở mức 1,5 độ C sẽ đòi hỏi phải thu hồi được 32 tỷ tấn carbon vào năm 2050. Lượng điện cần thiết để cung cấp năng lượng cho quá trình này sẽ vượt quá nhu cầu điện hàng năm trên toàn cầu hiện nay.

Theo Kaisa Kosonen, điều phối viên chính sách tại Greenpeace International: "Việc điều chỉnh lại mức xả thải cacbon không thể thực hiện một cách nhỏ lẻ trong ngành dầu khí. Các chính phủ cần phải đạt được sự đồng thuận trong việc giảm thiểu mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng đầu tư vào công nghệ xanh và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tái tạo một cách mạnh mẽ hơn tại COP28 để ngăn chặn biến đổi khí hậu".

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên Hiệp Quốc cảnh báo thế giới đang “lạc đường” trong chống biến đổi khí hậu

Liên Hiệp Quốc cảnh báo thế giới đang “lạc đường” trong chống biến đổi khí hậu

Hai tuần trước Hội nghị COP28 quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc kể từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, con người vẫn tiếp tục "lạc đường": các cam kết hiện tại của các quốc gia dẫn đến việc giảm 2% lượng khí thải từ năm 2019 đến năm 2030, thay vì mức 43% được khuyến nghị để hạn chế tăng 1,5°C.