Công ty tài chính - vượt vũ môn hay bị thôn tính? (Kỳ cuối)

07:00 | 18/06/2014

694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn thấy những hạn chế và nhằm khắc phục một phần hạn chế từ chức năng của mô hình công ty tài chính, một số công ty đã vượt lên sứ mệnh nhiệm vụ trong nội bộ tập đoàn để trở thành những định chế tài chính mạnh, ngang tầm nhiều ngân hàng trong nước.

Năng lượng Mới số 330

>> Công ty tài chính - vượt vũ môn hay bị thôn tính (Kỳ I)

Cá chép sẽ hóa rồng…

Nhìn thấy những hạn chế và nhằm khắc phục một phần hạn chế từ chức năng của mô hình công ty tài chính, một số công ty đã vượt lên sứ mệnh nhiệm vụ trong nội bộ tập đoàn để trở thành những định chế tài chính mạnh, ngang tầm nhiều ngân hàng trong nước. Vượt lên tất cả trong các công ty tài chính khác, PVFC đã trở thành hiện tượng trong thời gian qua khi chuyển đổi thành công mô hình thành tổng công ty và sau đó chuyển mình thành mô hình ngân hàng thương mại.

Bỏ chiếc áo tài chính chật chội, PVFC đã vươn mình ra biển lớn, có một bước tiến quan trọng khi chủ động hợp nhất cùng Ngân hàng Phương Tây (WTB) để trở thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

PVFC - nay là PVComBank - chuyên thực hiện chức năng thu xếp vốn cho các dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

PVFC ban đầu được thành lập với số vốn chỉ vỏn vẹn 100 tỉ đồng và 7 thành viên vào năm 2000 với nhiệm vụ chính là thu xếp vốn cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam). Thế nhưng, trải qua 13 năm phát triển, PVFC đã có số vốn lên tới 6.000 tỉ đồng, tổng tài sản ước tính khoảng 90.000 tỉ đồng. Ngành nghề được mở rộng từ hoạt động tín dụng, thu xếp vốn, thư tín dụng L/C đến kinh doanh tiền tệ và đối tượng khách hàng bao gồm cả trong, ngoài ngành Dầu khí.

Có thể nói, hơn 1 thập niên tồn tại và phát triển dưới hình hài một công ty tài chính, PVFC đã là thực sự “anh cả” trong các công ty tài chính trong nước, hoàn toàn có đủ tầm để xếp cùng với các ngân hàng quy mô trung bình khác.

Nhiều hoạt động của PVFC đã vượt ra ngoài hoạt động của một công ty tài chính bình thường, gây tiếng vang trong và ngoài nước. Và PVFC cũng là công ty tài chính duy nhất áp dụng các hệ thống core hiện đại phục cho công tác quản lý dữ liệu như phần mềm lõi Core Flexcube, phần mềm xếp hạng tín dụng nội bộ, phần mềm quản lý văn bản edocman… PVFC cũng là công ty tài chính duy nhất có đối tác chiến lược là Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) tham gia góp vốn.

Quá trình “vượt vũ môn” của PVFC có thể là cảm hứng và là kinh nghiệm quý báu cho nhiều công ty tài chính khác để tiếp tục phát triển và thay chiếc áo chật chội, không phù hợp của mình. Tuy nhiên, chặng đường đó cũng không bằng phẳng và phải hội tụ nhiều yếu tố, cả về thiên thời, địa lợi và nhân hòa, mà trong đó, tầm nhìn của những người lãnh đạo là quan trọng hơn cả.

…Hay cúi mình chịu thôn tính?

Hồi cuối năm 2013, tức là sau khi PVFC đã chuyển thành PVcomBank, Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel trong kỳ đại hội cổ đông thường niên cũng có đề cập tới việc công ty này sẽ chuyển đổi thành mô hình ngân hàng.

Đứng sau Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel là một dàn cổ đông sáng lập thuộc loại hùng mạnh nhất của kinh tế nước ta hiện nay, đó là các ông lớn Viettel, Vinaconex, Ngân hàng MB, BIDV. Với số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, thuộc loại cao trong số các công ty khác, tài chính Vinaconex - Viettel được kỳ vọng sẽ trở thành một định chế tài chính mạnh, đủ sức đáp ứng nhu cầu cho các cổ đông chính mà còn mở rộng hoạt động ra thị trường tài chính trong nước. Tuy vậy, sau khoảng 6 năm hoạt động, tài chính Vinaconex - Viettel vẫn chưa cho thấy sự chuyển biến đáng kể nào trong hoạt động và cũng chưa thấy bước đi rõ ràng để thực hiện tham vọng trở thành ngân hàng của mình.

Thành Trung