Công ty tài chính - vượt vũ môn hay bị thôn tính?

07:00 | 11/06/2014

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công ty tài chính - một tổ chức tín dụng phi ngân hàng được ra đời như một kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hình thành và phát triển của các tổng công ty 90, 91. Vì vậy, ở nước ta, nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế đã thành lập các công ty tài chính trực thuộc nhằm chủ động thu xếp nguồn vốn cho các dự án của mình.

Giai đoạn 2000-2005 là thời kỳ các công ty tài chính phát triển mạnh và có đóng góp lớn cho các tập đoàn kinh tế nước ta. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của thị trường vốn và yêu cầu các tập đoàn thoái vốn, tập trung đầu tư đúng ngành nghề trọng điểm, mô hình công ty tài chính không còn phù hợp và đang phải lựa chọn giữa hai con đường: Vượt vũ môn để phát triển thành ngân hàng thoát khỏi cái bóng tập đoàn kinh tế hay phải chịu để một tổ chức khác thôn tính?!

Mô hình công ty tài chính đang lộ nhiều hạn chế?

Công ty tài chính là công cụ để tập đoàn điều tiết vốn và sử dụng vốn một cách có hiệu quả và thuận lợi nhất. Trong phạm vi nội bộ tập đoàn hoặc nhóm công ty có quan hệ lợi ích gắn bó, công ty tài chính có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các công ty thành viên để tập trung vốn đầu tư. Với tính nội bộ cao trong hoạt động nghiệp vụ công ty tài chính có thể kiểm soát rủi ro và tập trung vốn lớn cho các dự án quan trọng trong nội bộ tập đoàn.

Tại Việt Nam, phần lớn thuộc các tập đoàn kinh tế Nhà nước đều cũng thành lập các công ty tài chính. Trong đó có rất nhiều công ty hoạt động hiệu quả như Tổng CTCP Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) thuộc Tập đoàn Điện lực, Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Công ty Tài chính Hóa chất thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel là con chung của Viettel, Vinaconex và Ngân hàng Quân đội (MB), Công ty Tài chính Dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Tài chính Bưu điện thuộc Tập đoàn VNPT... Ưu điểm của các công ty tài chính là mang lại một nguồn vốn lớn dài hạn, chủ động, cung ứng cho nhiều dự án lớn trọng điểm từ đó thúc đẩy cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động theo chiều sâu của tổng công ty, tập đoàn.

Trong quá trình phát triển của mình, các công ty tài chính đã thực sự có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tổng công ty, tập đoàn cũng như thu xếp vốn cho nền kinh tế. Lợi thế lớn nhất của các công ty tài chính là mối quan hệ gắn bó, là “con” của chính tập đoàn đó và sứ mệnh chính cũng là hỗ trợ tài chính cũng như sử dụng tốt nguồn vốn nhàn rỗi. Công ty tài chính am hiểu nhu cầu vốn, cách thức tổ chức hoạt động của tập đoàn hơn hẳn các tổ chức tín dụng bên ngoài. Hơn nữa, với thói quen “ăn cây nhà trồng được”, nhiều tổng công ty, tập đoàn phó thác hoàn toàn việc quản lý vốn cho các công ty tài chính của mình. Lợi thế thì cũng nhiều, nhưng hạn chế cũng lắm. Vì bản thân các công ty tài chính thường có số vốn điều lệ khá nhỏ (khoảng 500-1.000 tỉ đồng), do vậy, với những dự án cần nguồn vốn tài trợ lớn, họ không thể chủ động được mà phải kêu gọi đồng tài trợ từ các tổ chức tín dụng khác.

Sau giai đoạn ban đầu hoàn thành sứ mệnh của mình khi hỗ trợ tốt nguồn vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn và góp phần quản lý hiệu quả nguồn vốn này, ở giai đoạn phát triển cao hơn, các công ty tài chính đã bộc lộ nhiều hạn chế vốn có của nó so với các mô hình khác.

Một hạn chế lớn của các công ty tài chính so với ngân hàng là họ không được cung cấp dịch vụ thanh toán, cũng như huy động tiền gửi từ cá nhân. Chính vì vậy, thiếu nguồn vốn giá rẻ, dồi dào từ dân cư và không thể cung cấp một sản phẩm trọn gói đúng nghĩa do sự thiếu vắng dịch vụ thanh toán là hạn chế lớn so với các ngân hàng. Các khách hàng là doanh nghiệp của chính tập đoàn đó cũng khó khăn khi sử dụng dịch vụ do công ty tài chính của mình cung cấp và họ vẫn phải sử dụng nguồn vốn có thể rẻ hơn từ bên ngoài đồng thời phải hợp tác với một số ngân hàng khác để sử dụng chức năng thanh toán. Vì vậy, để sử dụng chức năng thanh toán ở các ngân hàng khác, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ gửi vốn hoặc vay vốn thêm từ các ngân hàng này. Vô hình trung, các công ty tài chính đã bị cạnh tranh mạnh mà không thể lật ngược được tình thế.

Với sự phát triển ngày càng mạnh của các doanh nghiệp, tập đoàn. Nhu cầu vốn ngày càng cao, kèm theo đó là nhu cầu các dịch vụ chuyên nghiệp về tài chính như thanh toán, quản lý dòng tiền, bảo lãnh, L/C khiến cho các công ty tài chính vốn có quy mô nhỏ không thể đáp ứng được. Thiếu vốn, thiếu dịch vụ là những tồn tại chính khiến cho mô hình công ty tài chính trong tập đoàn không thể tiếp tục tồn tại bền vững.

Ngoài ra, nhiều công ty tài chính còn lâm vào khó khăn khi bản thân chính tập đoàn mẹ cũng đang lao đao. Thiếu vắng nguồn khách hàng tốt và rủi ro không được phân tán cũng là hạn chế của mô hình công ty tài chính trực thuộc. Trường hợp của Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thủy VFC thuộc Vinashin trước đây là một ví dụ điển hình.

Do bị bó hẹp hoạt động trong phạm vi tập đoàn, một số công ty tài chính không phát triển thêm được và hoạt động thu xếp vốn cũng như đối tượng khách hàng chỉ phục vụ nội bộ trong tập đoàn. Các công ty này gần như bị động trong mọi phương hướng hoạt động của mình. Nếu các doanh nghiệp hay tập đoàn gặp khó khăn thì ngay lập tức, hoạt động của các công ty tài chính sẽ bị ảnh hưởng. Nay, với đề án sắp xếp và cơ cấu lại hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn trong nước, các công ty tài chính lại thêm nguy cơ mất đi sự hỗ trợ lớn từ “mẹ đẻ” và nguy cơ “bơ vơ” khi các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn.

(Xem tiếp kỳ sau )

Thành Trung