Công nghiệp quý I: Ngành nào cũng khó!

10:24 | 04/04/2012

466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nền kinh tế mới đi qua được ¼ chặng đường với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6% nhưng những tín hiệu kém lạc quan về một số ngành kinh tế đã khiến cho quan ngại về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang càng đậm nét. Đây là nội dung được Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 3/4.

3 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,1%, đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 9,6%).

Ngành công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm. Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm đầu tháng 3, lượng tồn kho của một số mặt hàng vẫn ở mức cao như: phân bón và hợp chất nitơ; sắt, thép; bia và mạch nha; cáp điện và dây điện có bọc cách điện; sợi và dệt vải; đồ uống không cồn…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, chủ trì cuộc họp báo tháng 3.

Thị trường thép trong nước 3 tháng đầu năm 2012 vẫn chịu tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và bị thu hẹp do nhiều nước thực thi chính sách kinh tế kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư, giảm nợ công. Lượng thép sản xuất các loại trong quý I ước đạt khoảng 1,469 triệu tấn.

Sản lượng phân bón quý I giảm so với cùng kỳ do nhu cầu thị trường trầm lắng, thời tiết lạnh diễn biến kéo dài. Ước sản lượng phân đạm urê đạt 262,3 triệu tấn giảm 2,5%; phân NPK (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam) khoảng 332,1 ngàn tấn giảm 28,7%; phân lân đạt 396,4 ngàn tấn; phân bón DAP đạt 74,1 nghìn tấn. Nhập khẩu phân bón 3 tháng đầu năm 2012 cũng giảm 13,3%, trong đó, nhập khẩu phân ure giảm mạnh 64,7% do nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức đưa ra thị trường sản phẩm đầu tiên vào cuối tháng 1.

Do khó khăn chung của nền kinh tế nên các doanh nghiệp cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có tháng Tết là tháng tiêu thụ nóng nhưng thị trường ô tô, xe máy vẫn tiếp tục ảm đạm. Với việc tăng phí trước bạ và phí cấp biển số xe tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/1/2012 đã làm giảm mạnh nhu cầu của người dân.

Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 3,2 tỉ USD, còn khoảng cách xa với con số kỳ vọng cho cả năm là 20 tỉ USD. Một số thị trường xuất khẩu dệt may có xu hướng giảm so với cùng kỳ như thị trường EU giảm từ 25 -30%. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh, nhằm tránh mức thuế nhập khẩu 10%, do những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn Tối huệ quốc với mức thuế suất nhập khẩu 0% của EU để tiết kiệm chi phí.

“Anh em” của ngành may mặc là da giày cũng lâm vào cảnh khốn khó. Sản xuất ngành da giày đang gặp nhiều khó khăn đặc biệt là do thiếu hụt lực lượng lao động. Nguyên nhân chính là do thu nhập của người lao động thấp, khó cạnh tranh với các ngành nghề khác, hiện nay các doanh nghiệp da giày Việt Nam chủ yếu làm gia công (giá gia công chiếm chỉ khoảng 5% toàn bộ giá trị của sản phẩm) chủ doanh nghiệp còn phải chi rất nhiều khoản nên mức thu nhập của lao động rất khó tăng cao. Ngoài ra, do ngành chạy theo thời gian của hợp đồng nên hay phải làm thêm giờ cho kịp thời hạn hợp đồng, giờ giấc làm việc không ổn định, khó thu hút lao động mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp da giày đang lo lắng vì mới ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý I, chỉ có một số doanh nghiệp là ký được hợp đồng đến hết quý II; tuy nhiên đơn hàng lại giảm từ 20% – 30% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng sản xuất sản phẩm giầy dép, ủng giả da cho người lớn 3 tháng đầu năm ước đạt 13,9 triệu đôi.

Từ đầu năm đến nay, cũng như các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp da giầy bị ảnh hưởng nhiều vì việc áp dụng thuế môi trường đối với sản phẩm túi nilon dùng đóng gói hàng xuất khẩu đã làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mặt khác, ngành da giày Việt Nam lại đang chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế chuyển dịch, sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật. Thay đổi trong cách thức mua hàng và yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp… của các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chuyển dịch sản xuất từ gia công sang tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách có hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải thẳng thắn, do lãi suất còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nên chưa cải thiện được tình hình kinh doanh. Bên cạnh đó, một số mặt hàng tăng giá như xăng, gas nên tâm lý người dân là thắt chặt chi tiêu, một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng cũng ứ hàng ở tỉ lệ cao nên “sức khỏe” doanh nghiệp đang yếu lại càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, sự ổn định của ngành Năng lượng đã giúp nền kinh tế thông suốt được năng lượng cho phát triển công nghiệp.

Điện sản xuất toàn ngành tháng 3 ước đạt 9,6 tỉ kWh, tính chung 3 tháng ước đạt 25,9 tỉ kWh, riêng điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam 3 tháng ước đạt 10,7 tỉ kWh. Để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân trong các tháng cuối mùa khô năm nay (từ tháng 3 đến tháng 6), Bộ Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước các hồ thủy điện lớn không giảm quá thấp trước thời điểm đầu tháng 6 năm nay để dự phòng cho phát điện đến cuối mùa khô 2012, đặc biệt là các hồ thủy điện miền Trung.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lên kế hoạch và rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy phát điện để đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động cho hệ thống điện từ nay đến tháng 6/2012.

3 tháng đầu năm 2012, hoạt động tìm kiếm thăm dò được triển khai tích cực, tiến độ khoan ở các giếng khoan thăm dò/thẩm lượng đảm bảo kế hoạch công tác tháng. Sản lượng dầu thô khai thác quý I của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 4,1 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác tập trung tại mỏ Bạch Hổ, Rồng: 1,53 triệu tấn; Sư tử Đen: 548 nghìn tấn, Tê giác Trắng: 379 nghìn tấn. Khí đốt khai thác trong 3 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỉ m3, tập trung tại mỏ Lan Tây là 1,2 tỉ m3. Xăng dầu các loại đạt 1.597,4 nghìn tấn.

Tính chung 3 tháng đầu năm, sản lượng than nguyên khai của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ước đạt 12,629 triệu tấn; sản lượng than sạch của Tập đoàn ước đạt 10,781 triệu tấn. Tuy nhiên, than tồn kho vẫn còn ở mức lớn, ước khoảng 7 triệu tấn.

Đức Chính