“Con nợ” thở than với… Bà Chúa Kho!

18:00 | 13/01/2014

2,469 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không có cảnh chen lấn xô đẩy, ít mâm cao cỗ đầy, “con nợ” của Bà Chúa Kho năm nay đi về kém nô nức hơn…

Vay nhiều nhưng… trả lễ mọn

Quan niệm “Đầu năm vay, cuối năm trả” nên đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm là những “con nợ” của Bà Chúa Kho lại kéo về hành lễ trả nợ Bà Chúa Kho.

Tuy nhiên, năm nay cảnh tượng trả nợ không được xôm tụ như mọi năm. Con nợ đến và về không còn rộn ràng như trước, không có cảnh hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy dâng lễ, ít thấy những mâm lễ bạc triệu mà chỉ toàn... lễ bèo.

Dọc đường từ suối Hoa vào đến cổng đền (khoảng hơn 1km), la liệt những sạp quán viết sớ, sắm lễ thuê nhưng cũng chung một cảnh tượng đìu hiu, vắng khách. Mặc cho các chủ hàng tha thiết mời chào nhưng khách thập phương vẫn chẳng chịu ngó ngàng.

Người về trả lễ Bà Chúa Kho năm nay vắng vẻ hơn mọi năm

Nắm bắt được tình hình suy giảm, nhiều sạp hàng sắp lễ sẵn đã không sắp "mâm cao cỗ đầy" mà vàng, bạc, kim ngân... được bày biện nhỏ, gọn nhẹ và rẻ hơn.

Theo như các con nợ “chống chế” thì quan trọng cốt ở cái tâm, thời buổi kinh tế khó khăn Chúa Bà cũng không trách cứ.

Chị Phương Hồng, một chủ kinh doanh lặn lội từ Quảng Ninh về đến cửa đền giãi bày: “Năm nay còn lao đao hơn năm trước, kinh tế khó khăn có sắm mâm cao cỗ đầy Chúa Bà cũng không hài lòng… Vậy nên, chỉ cần mình thành tâm thôi, Bà Chúa vẫn sẽ phù hộ”. 

Tiết kiệm hơn, nhiều “con nợ” khôn ngoan đã nghĩ đến việc đi chung, sắm lễ gộp để tạ Bà, vừa vui, vừa tiết kiệm. Theo tâm sự của một thành viên trong đoàn từ Hải Dương về cửa Bà thì: “Bà Chúa thông tuệ lắm, không chê lễ mọn, chẳng trách móc đâu. Sang năm được Bà ban lộc nhiều hơn, có lộc thì con cháu mới có mà tạ lễ lớn hơn…”.

Kinh tế "buồn", dân chúng chỉ lòng thành "trả nợ"

Quan niệm, vay sao trả vậy nên nhiều con nợ thậm chí còn không dám kêu cầu nhiều. Chị Vũ Kim Chi (Lạng Sơn) cho hay: “Thường thì đầu năm mình kêu cầu để vay, Bà cho “ứng tạm” bao nhiêu thì cuối năm mình phải trả lãi, nhiều thì gấp đôi, gấp ba, ít thì chỉ cần gấp rưỡi hoặc hơn một vài đồng. Tục là thế rồi, mình làm vậy thì cầu mới linh ứng. Rút kinh nghiệm, kinh tế khó khăn nên đầu xuân quay lại cửa Bà, tôi chỉ cầu chút đỉnh gọi là qua lúc cơ hàn, đói kém này…”.

Khấn thuê thất nghiệp, viết sớ ngồi… “đuổi ruồi”

Mặc dù đã vào "mùa" làm ăn nhưng các dịch vụ bán đồ lễ, khấn thuê, sắp lễ… cũng đìu hiu theo kinh tế. Những dịch vụ đổi tiền lẻ, viết sớ… không được du khách đoái hoài đến. La liệt những hàng quán bày bán xung quanh đền, đặc biệt là dịch vụ viết sớ thuê hằng năm rất đắt khách nhưng năm nay lại có phần bị "hắt hủi".

Theo bác Quang, người đã có thâm niên viết sớ thuê tại cửa đền cả chục năm nay thì: "Viết mỗi lá sớ cũng chẳng được là bao nhiêu, người lấy 5 nghìn đồng, người lấy 3 nghìn đồng... Không được là bao. Đã vậy cuối năm lại còn vắng khách nên cũng chán".

Khách về dịp cuối năm đa phần đã “sành sỏi”, vậy nên rút kinh nghiệm từ những lần đi trước, lần quay trở lại "con nợ" đều sắm lễ sẵn tạ Bà chứ không thụ động để bị chặt chém.

Lễ dâng Bà cũng có dăm bảy loại lễ, nhưng loại được sắp sẵn giá dao động từ 100-500 nghìn đồng/lễ là loại được ưa chuộng nhất. Theo chị Hoàng Chi, chủ một sạp hàng vàng mã ở cổng đền: “Kinh tế khó khăn, lễ nhiều cũng không đúng thực tế, người ta không ưng. Khách cũng cẩn thận, họ thường mang lễ từ nhà đến, tự sắp hoặc nhờ người sắp hộ. Những lễ như vậy có lớn hơn một chút, còn lại nếu đến mua tại sạp hàng của chúng tôi thì chỉ chọn mâm bình dân, lờ lãi không được là bao”.

La liệt hàng quán nhưng... ế khách

Như đã quá quen với những chèo kéo nơi cửa đền nên cuối năm trở lại, chị Phương (Hiệp Hòa - Bắc Giang) cho hay: “Đi lễ chùa nào ai còn để ý đến chuyện đắt hay rẻ, nhưng trước đây chúng tôi đi bị bắt bí nhiều quá, mâm lễ lên đến bạc triệu, cắt cổ như thế cũng phải khôn ra…”.

Thực tế, kinh tế khó khăn người đi lễ thắt chặt chi tiêu, phần khác cũng là cố gắng của Ban Quản lý di tích Bà Chúa Kho nên những bất cập trong lễ hội đang từng bước được giải quyết. Theo quan sát của phóng viên thì hiện tượng khấn thuê, vái mướn đã giảm thiểu hẳn so với các mùa trước. 

Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho cho hay: “Năm nay, Ban quản lý di tích quán triệt việc nghiêm cấm các hình thức khấn thuê, vái mướn. Chúng tôi sẽ xử phạt thật nặng những người dân trong làng hành nghề này. Bên cạnh đó cũng luôn nhắc nhở du khách thông qua hệ thống loa thông báo, để cùng hợp tác với ban quản lý di tích. Còn về các sạp hàng hóa, chúng tôi cũng buộc các chủ cửa hàng bán theo giá niêm yết, không được chặt chém du khách. Nếu du khách phản ánh lại thì chủ cửa hàng đó sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Tất nhiên, hiệu quả không thể triệt để, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện được tình hình để giảm bớt tình trạng lộn xộn xảy ra tại đền Bà Chúa Kho những năm trước. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ hội xuân Giáp Ngọ đã xong, Ban Quản lý di tích đền đã sẵn sàng phục vụ du khách thập phương về dự lễ xuân tới”.

Huy An