Dệt may Việt Nam:

Con đường nào vượt qua “cửa tử” (Kỳ cuối)

07:10 | 20/01/2016

1,195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành dệt may Việt Nam đang rất “khát” nguồn cung nguyên phụ liệu để biến những “cơ hội vàng” từ hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Các doanh nghiệp (DN) dệt may cũng không thiếu DN có tâm huyết sẵn sàng gánh vác trọng trách này. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả, tạo sự phát triển bền vững, họ rất cần có sự hỗ trợ từ cơ chế, từ nền kinh tế và từ chính cộng đồng các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Hay nói một cách nôm na, chúng ta phải trang bị “khiên - giáp” cho những người “lính tiên phong” này.  

Kỳ III: “Khiên - giáp” cho “lính tiên phong”

Ghi ở nhà máy xơ sợi đầu tiên

Chúng tôi trở lại bán đảo Đình Vũ ngay khi nghe tin Nhà máy Xơ sợi tổng hợp duy nhất của Việt Nam phải tạm dừng hoạt động. Đúng vào thời điểm cả nước đang hào hứng khi Hiệp định TPP đã hoàn tất. Hàng triệu người mơ về một tương lai tươi đẹp của kinh tế nước nhà, của dệt may Việt Nam thì cái không khí u ám từ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTEX) như một mảng màu chết, làm nhức mắt người trong và ngoài cuộc. Ấy vậy nên đã có nhiều người từng hô hào bán tống bán tháo nhà máy này đi theo kiểu “bán đồng nát”. Nhưng nếu là người tỉnh táo, hiểu biết về dệt may thì PVTEX chính là thực tại mà không chỉ một DN, một tập đoàn kinh tế mà cả hệ thống chính trị phải đối mặt để tìm ra con đường phát triển.

con duong nao vuot qua cua tu ky cuoi
Công nhân ngành dệt may

Từ câu chuyện của Đình Vũ, chúng tôi nhớ lại vào tháng 3-2003, khi Hoa Kỳ và đồng minh tiến hành lật đổ chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein, giá dầu thế giới tăng đột biến. Và kéo theo đó, giá sợi tổng hợp Polyester tăng vọt, từ 76 cent lên 150 cent/kg, tương đương tăng 250-290USD/tấn. Giá sợi tổng hợp tăng cao nhưng nguồn cung cũng rất khan hiếm khiến hoạt động sản xuất các mặt hàng dệt may trên khắp thế giới lâm cảnh lao đao. Các công ty dệt may cũng không có nhiều lựa chọn nguyên liệu thay thế bởi để thay đổi nguyên liệu đòi hỏi phải thay đổi cả công nghệ sản xuất và sẽ tác động lớn đến giá thành sản phẩm. Đây là những năm tháng hoàng kim đầu tiên của các nhà máy xơ sợi tổng hợp bởi trong chuỗi cung ứng dệt may, sản xuất xơ sợi (nguyên liệu thô) được xem là khâu đầu, là khởi nguồn. Và cũng từ đây, mọi biến động về nguồn cung, giá thành sản phẩm xơ sợi đã tạo ra những tác động lớn đến cả chuỗi giá trị của ngành dệt may.

con duong nao vuot qua cua tu ky cuoi
Kỹ sư vận hành điều khiển sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ

Dệt may Việt Nam khi đó không chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Irad và những biến động sau đó của thị trường xơ sợi tổng hợp bởi chúng ta chủ yếu tham gia vào khâu gia công may mặc. Tuy nhiên, từ cuộc chiến này, chứng kiến những tác động của thị trường xơ sợi đối với hoạt động sản xuất hàng dệt may, trong khi dệt may lại đang là ngành hàng có tính chiến lược trong định hướng mở rộng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, ý tưởng về một nhà máy sản xuất xơ sợi đã được hình thành. Và đến năm 2005, trong Quy hoạch ngành hóa chất Việt Nam và Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23-4-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp nhằm mục tiêu tạo nguồn nguyên liệu phát triển ngành dệt may. Trên tinh thần đó, PVTEX đã được triển khai xây dựng.

Năm 2011, PVTEX chính thức cho những sản phẩm đầu tiên và từ đó đến nay, sự có mặt của PVTEX đã chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết của việc phát triển sản xuất xơ sợi ở Việt Nam. Liên tiếp trong các năm, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng mạnh, thị trường hàng dệt may không ngừng được mở rộng, tiếp cận hầu hết các thị trường lớn vào loại bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Canada… Và trong thành tích chung đó của ngành dệt may, PVTEX bước đầu đã có đóng góp tích cực. Sự có mặt của PVTEX - sản phẩm của người Việt Nam - đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xơ sợi. Dễ thấy nhất là giá thành xơ sợi liên tục giảm xuống giúp DN kéo sợi, dệt vải giảm chi phí, chủ động hơn trong sản xuất…

con duong nao vuot qua cua tu ky cuoi
Đóng gói xơ PSF

Tuy nhiên, vì sản xuất xơ sợi là lĩnh vực mới, còn non trẻ, PVTEX lại là DN đầu tiên của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này, ra đời trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như quốc tế có nhiều biến động như khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, giá dầu lao dốc năm 2014… nên khó khăn, thách thức đặt ra cho PVTEX vô cùng lớn. PVTEX chẳng khác nào một “đứa trẻ” sinh ra vào thời loạn lại ngay lập tức bị “ném ra ngoài xã hội” chống trọi với sự khắc nghiệt của cuộc sống. Và cũng bởi vì còn non trẻ nên theo lãnh đạo PVTEX, hoạt động sản xuất của nhà máy từ năm 2014 đến nay gặp vô vàn khó khăn. Đó là những tác động của giá dầu liên tục biến động không ngừng dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào của xơ sợi cũng biến động theo. Việc trượt giá của đồng Việt Nam so với USD cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất khi sản phẩm của nhà máy bán trong nước bằng tiền đồng nhưng nguyên liệu lại phải nhập khẩu và mua bằng USD. Đặc biệt, việc Trung Quốc thả nổi tỉ giá nhân dân tệ đã thúc đẩy các nhà máy xơ sợi Trung Quốc, Đài Loan và kéo theo cả các nhà máy của Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ đồng loạt phá giá xơ sợi để lao vào cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như quốc tế.

Mặt khác, việc giá điện sản xuất tăng, nguồn điện trong khu công nghiệp Đình Vũ thiếu ổn định, có tháng nhà máy, mất điện áp đột suất đến 3-4 lần. Các sự cố về điện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, thời gian vận hành, thiết bị của nhà máy. Mỗi lần phải dừng máy, vận hành trở lại, nhà máy phải mất 3-5 ngày để xả melt vón cục trong tháp phản ứng, điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống 5 tầng dây chuyền sản xuất.

Thiệt hại, khó khăn thách thức đó, PVTEX không thể kêu ai, kiện ai!

Trong khi phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức từ những biến động của kinh tế cả trong nước và quốc tế, xơ sợi Đình Vũ lại phải cạnh tranh với những nhà máy xơ sợi đã tồn tại hàng chục năm, khấu hao đã hết như Formusa chẳng hạn. Formosa đã bán sản phẩm với giá bằng, thậm chí thấp hơn giá sản xuất trong thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVTEX. Và trong cuộc đua này, nếu PVTEX chạy theo cuộc đua giảm giá sản phẩm sẽ dẫn đến thua lỗ rất lớn bởi PVTEX đang phải chịu đủ mọi bất lợi như phân tích ở trên.

con duong nao vuot qua cua tu ky cuoi

Đâu là lối thoát?

Các chuyên gia cho rằng, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu tìm đường cho dệt may Việt Nam. Đúng là như vậy, khi hơn 7.000 DN dệt may đang hoạt động thì có tới hơn 2/3 DN nhỏ, siêu nhỏ, chuyên làm gia công. Hầu hết các DN của chúng ta đều phụ thuộc toàn bộ hoặc phần lớn vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu và chỉ thực hiện gia công theo đơn đặt hàng từ nước ngoài. Vậy làm thế nào để dệt may Việt Nam thực hiện được cú chuyển mình phát triển, không để lỡ cơ hội từ TTP mang lại?

Theo Tổng giám đốc Hanosimex Nguyễn Song Hải, việc cấp bách hiện nay là xây dựng chiến lược chi tiết và thực tế phát triển ngành dệt may, trong đó xác định rõ những ưu đãi về việc phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, để tăng khả năng thu hút đầu tư, khuyến khích DN trong nước đầu tư vào các khâu đầu của chuỗi cung ứng dệt may. Và một điều quan trọng, Chính phủ cần phải xây dựng và hình thành các “hàng rào phi thuế quan” nhằm bảo hộ hoạt động sản xuất nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước.

Dẫn chứng về điều này, ông Hải cho hay: Ở Trung Quốc, người ta vẫn cho nhập khẩu xơ nhưng khống chế số lượng từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn nhập khẩu vượt lượng xơ cho phép lập tức thuế tăng gấp 2-3 lần. Phương thức này đã “kích” DN dệt may Trung Quốc phát triển nhanh, thúc đẩy xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may. Còn Indonesia thì lại có “chiêu” khác, xơ nước ngoài muốn nhập vào nước họ tuy vẫn được hưởng các mức thuế quan ưu đãi nhưng thủ tục nhập khẩu, khai quan và nhận được hàng phải mất 3-4 tuần. Như vậy riêng tiền lưu kho, thời gian nhận hàng cũng khiến DN nhập xơ sợi mất chi phí và có thể gặp rủi ro lớn khi thị trường biến động giá. Trong khi đó ở Việt Nam lại chưa có sự cân bằng trong các hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài và DN trong nước khi đầu tư vào dệt may. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết Chính phủ cần phải có cơ chế hỗ trợ tài chính lâu dài cho các doanh nghiệp dệt may, đầu tư trọng điểm vào công nghệ dệt, nhuộm, đặc biệt là sản xuất nguyên liệu xơ sợi”.

Cùng quan điểm với lãnh đạo các DN dệt may, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Sơn cho biết, hiệp hội đang nỗ lực phối hợp xây dựng quy hoạch một khu công nghiệp dệt may chuẩn đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Nam Định. Đây là khu công nghiệp có diện tích lên đến 1.500ha, giai đoạn đầu khoảng 600ha. Nếu được đầu tư, quy hoạch bài bản về hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các phương án về môi trường, nước thải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước và quốc tế đến đầu tư vào dệt may. Hơn thế nữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành sẽ dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ, quản lý khi tập trung được lượng DN lớn, giảm chi phí đầu tư, quản lý và đi lại như hiện nay. Còn đối với những khó khăn của DN sản xuất đầu vào và các vùng nguyên liệu bông, sợi trong những năm qua chúng ta cũng cần phải xem xét lại để đầu tư đúng hướng hơn về loại cây trồng, vùng đất và thời tiết tập trung hơn chứ không theo kiểu thử nghiệm như trước đây. Loại cây trồng nguyên liệu nào không hiệu quả thì phải kiên quyết chuyển hướng, trả lại đất ngay lập tức. Đặc biệt là PVTEX, một xuất đầu tư lớn vào một khâu công nghệ cao, vẫn đang phụ thuộc nguyên liệu từ nước ngoài thì càng cần phải có sự tin tưởng, cơ chế hỗ trợ tài chính lâu dài từ chính sách.

Trao đổi về cái khó của PVTEX, Tổng giám đốc Đào Văn Ngọc thẳng thắn: “Chúng tôi không giấu giếm chuyện sản xuất kinh doanh thua lỗ. Đây là việc đã được tính toán và dự báo từ cuối năm 2014. Nhưng phải nhìn nhận một cách khách quan là khoản lỗ đang được thu nhỏ lại theo từng ngày, từng tháng. Điều này nói lên rằng chúng tôi đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình để “bám rễ trên thị trường”, giảm chi phí, nâng tính cạnh tranh sản phẩm để đem lại giá trị hướng đến lợi nhuận. Chúng tôi đã tìm hiểu với các đối tác đang mua xơ của PVTEX thì được biết, đối với nhà máy xơ sợi tổng hợp tương tự của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trước đây họ đã phải mất hơn 3 năm vận hành, cho khách hàng dùng thử sản phẩm mới bắt đầu thu được lợi nhuận. Mà DN đó (Nhà máy Xơ sợi Fomusa) họ có đầy đủ các lợi thế như công ty mẹ là tập đoàn lớn chuyên về xơ sợi, tự sản xuất được các nguyên liệu chính, phụ gia và đặc biệt được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, chi phí thuê đất, điện, nước… khi đầu tư tại Việt Nam. Tất nhiên đó là DN tư bản và họ thấy được nguồn lợi lâu dài từ thị trường Việt Nam nhưng điều đó cũng nói rõ sự đặc thù của ngành sản xuất bán nguyên liệu xơ sợi tổng hợp. Đó là có sự hậu thuẫn lớn về tài chính trong một chiến lược phát triển hàng chục năm. Chỉ như vậy mới phát triển được sản xuất công nghiệp với công nghệ tiên tiến, đem lại nguồn lợi ổn định và khổng lồ đối với công nghiệp dệt may”.  

Như vậy đã rõ, ngành dệt may Việt Nam đang rất cần có một chiến lược quy hoạch chi tiết để phát triển và những DN tiên phong phát triển nguồn nguyên liệu như PVTEX cũng rất cần có một niềm tin, sự hỗ trợ từ một chính sách nhất quán của Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ cơ hội vàng

DN sợi được hưởng lợi rất lớn khi có nguồn cung xơ trong nước là một thực tế. Những loại chi phí như mở tài khoản LC, phải chấp nhận với những rủi ro biến động tỉ giá, rồi chi phí kho bãi… được xóa bỏ hoàn toàn. DN có được sự chủ động, dòng vốn quay vòng nhanh giúp gia tăng lợi nhuận. Vậy nên, khi PVTEX tạm ngừng sản xuất, không chỉ Dệt sợi Vĩnh Phúc, Dệt Phú Bài… mà nhiều đối tác khác của PVTEX đã phải đối diện với nhiều khó khăn. Chưa cần đề cập đến những chi phí phát sinh trong quá trình chuyển đổi từ việc dùng xơ sợi Đình Vũ sang xơ sợi nhập khẩu, chỉ riêng những chi phí phát sinh trên cũng khiến DN phải tốn khoản chi phí không hề nhỏ.

Phát triển ngành công nghiệp xơ sợi có thể nói là bước đi chiến lược và nằm trong định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Chính phủ. Việc các DN dệt may đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ để niêm yết trên sàn chứng khoán trong thời gian qua chứng tỏ sắp tới sẽ có sự tăng trưởng nóng. Bởi trên thực tế một số công ty dệt may đã và sắp lên sàn chứng khoán vẫn đang là tâm điểm tăng trưởng giá trị trong những năm qua, bất chấp sự ảm đạm của chứng khoán Việt Nam với mức tăng trưởng doanh thu trung bình hơn 15%/năm như Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), Công ty Cổ phần Đầu tư Dệt may G.Home(G20)…

Nói vậy để thấy rằng, TTP đã và đang được không chỉ các DN dệt may mà cả giới đầu tư tài chính đánh giá là cơ hội vàng, cơ hội vô giá, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tỉ USD cho Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không phát triển được ngành công nghiệp xơ sợi - một trong những yếu tố được xem là đầu vào của hàng dệt may, cơ hội đó sẽ chỉ là lý thuyết và rất có thể đó sẽ lại là miếng mồi ngon cho các DN nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam được hưởng những ưu đãi nhất định về tiền thuê đất, thuế thu nhập DN... còn DN trong nước thì không.

Chẳng đâu xa, ngay khi vòng đàm phán TPP vừa kết thúc, một đoàn DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Ấn Độ đã sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Và khi trao đổi với các cơ quan truyền thông ở Việt Nam, họ cũng không ngần ngại chỉ ra rằng, Việt Nam đang có cho mình những lợi thế vô cùng lớn khi tham gia TPP, đặc biệt là hàng dệt may với những thị trường hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada…

Doanh nghiệp nước ngoài đã thấy cơ hội vàng đối với ngành dệt may ở Việt Nam, vậy tại sao chúng ta lại không? Đúng là PVTEX đang gặp nhiều khó khăn, việc nắm bắt công nghệ cũng còn nhiều vấn đề nhưng như đã nói, nhà máy như một “đứa trẻ còn đang trong giai đoạn trưởng thành”, cần phải được học, được dìu dắt thì mới trưởng thành. Đặc biệt đối với công nghiệp sản xuất xơ sợi - một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ hết sức phức tạp - thì quá trình chuyển giao công nghệ, tích lũy kinh nghiệm phải có thời gian. Đây là câu chuyện của không riêng PVTEX mà của bất kỳ nhà máy nào trên thế giới, kể cả ở những nước vốn dĩ có công nghiệp xơ sợi phát triển như Ấn Độ hay Trung Quốc.

Như vậy là đã rõ, với một đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các DN còn non trẻ như PVTEX, chưa nhận được sự hỗ trợ từ cơ chế, vốn tích lũy chưa có thì việc dừng sản xuất khi bị dồn vào thế bất lợi là việc đương nhiên. Nhưng chúng ta đang tham gia vào cuộc chơi TPP và để có thể trụ vững, khẳng định vị thế, tận dụng cơ trong cuộc chơi đó, chúng ta phải khẳng định được nội lực nội tại của nền kinh tế. Câu chuyện của PVTEX vì thế cần được nhìn nhận một cách có tính định hướng chiến lược lâu dài!

Thanh Ngọc - Thành Công

Năng lượng Mới 492