Cởi mở cho dân là đúng!

06:50 | 24/05/2013

502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng, cái gì có lợi cho dân thì phải kiên quyết làm bằng được, vận dụng vào việc ban hành các quy định cởi mở cho dân chính là làm theo lời Bác vậy!

Minh Nghĩa (NLM số 223)

Hóa ra hiện vẫn đang có những quy định làm khó cho cả trẻ em. Chẳng hạn việc làm giấy khai sinh. Ít ai biết rằng, hiện nay còn hơn 2 triệu trẻ em chưa có giấy khai sinh do những thủ tục đăng ký quá phức tạp.

Theo quy định hiện hành, trẻ em sinh ra chỉ được đăng ký khai sinh tại nơi cư trú của người mẹ hoặc nơi trẻ sinh ra. Thế nhưng, việc đăng ký khai sinh tại nơi sinh gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp về thủ tục: Sau khi đăng ký khai sinh tại nơi sinh, UBND xã - nơi đã đăng ký gửi thông báo kèm theo bản sao giấy khai sinh về cho UBND nơi người mẹ cư trú để ghi vào sổ. Thủ tục rườm rà  tưởng như chặt chẽ nhưng có kẽ hở này đã bị lợi dụng để sinh con thứ ba hoặc nhiều trẻ không được khai sinh do không xác định được nơi cư trú của người mẹ.

Các chuyên gia ở Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết: Dự thảo Nghị định mới về đăng ký hộ tịch có rất nhiều điểm sửa đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn nhằm thay thế Nghị định 83/1998/NĐ-CP, không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Dự thảo Nghị định mới bên cạnh việc giữ nguyên quy định đăng ký khai sinh tại nơi cư trú của người mẹ, đã bổ sung thêm quy định đăng ký khai sinh cho trẻ tại nơi cư trú của người cha hoặc nơi trẻ đang sống trên thực tế và bỏ quy định đăng ký khai sinh tại nơi sinh. Dự thảo cũng quy định cho phép khi đi đăng ký khai sinh, người đăng ký không cần phải xuất giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu.

Đặc biệt, trường hợp nếu không có giấy chứng sinh thì thay thế bằng việc xác nhận của người làm chứng, nếu không có ai xác nhận thì chỉ cần sự cam đoan về việc sinh con là có thật. Thời hạn đăng ký khai sinh cũng tăng lên 60 ngày so với 30 ngày như hiện nay.

Điều quan trọng nữa là bản chính của giấy khai sinh sẽ được cấp lại do Sở Tư pháp đảm nhiệm trong trường hợp bị mất, hư hỏng hoặc ghi chú quá nhiều nội dung thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, chứ không phải chỉ được cấp một lần như hiện nay. Hy vọng rằng, nhờ quy định mới này 2 triệu trẻ em sẽ thuận lợi hơn khi đến tuổi đi học mẫu giáo, tiểu học.

Liên quan đến người mẹ mà cũng là liên quan đến trẻ em, vừa qua, dư luận bỗng “nóng” lên khi câu chuyện của những người chuyên “đẻ thuê” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Chuyện không mới, nhưng được các phương tiện truyền thông “xới xáo” lên trong thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) đang sửa đổi và bổ sung thêm nội dung này càng gây sự chú ý trong dư luận.

Thiên chức làm mẹ của phụ nữ là vậy nhưng không phải chị em nào cũng được thực hiện. Vì những lý do khác nhau, có nhiều phụ nữ không thể mang thai, dù họ vẫn có khả năng làm mẹ. Có đến những chuyên khoa chữa vô sinh ắt sẽ thấu hiểu được nỗi khổ tâm của các cặp vợ chồng hiếm muộn, chắc chắn nhiều người sẽ đồng tình rằng mang thai hộ nên được pháp luật thừa nhận, nhằm giúp những gia đình hiếm muộn có con. Trên thực tế, việc nhờ “mang thai hộ” hay “thuê đẻ” vẫn đang được nhiều cặp vợ chồng tiến hành bí mật, vì pháp luật cấm. Cho đến khi đứa trẻ ra đời, những ông bố, bà mẹ này mới dám công khai với người thân.

Đứa trẻ được ra đời bằng phương pháp “nhờ tử cung của người khác”  mà dân gian gọi là đẻ thuê này đã thực sự mang đến hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Vì lẽ đó, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã kiến nghị bổ sung quy định mang thai hộ vào Luật HN&GĐ đang sửa đổi. Theo đó, nhu cầu “mang thai hộ” là có thật và khá phổ biến, là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý như dị tật bẩm sinh hoặc không đủ sức khỏe để mang thai. Bằng xét nghiệm ADN, đứa trẻ sinh ra do “đẻ thuê” , “mang thai hộ” đều mang gen của hai vợ chồng.

Luật HN&GĐ năm 2000, Nghị định 12/2003/NĐ-CP đều nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ cần được sửa đổi để tránh cung cách không quản được thì cấm.

Theo ban soạn thảo Luật HN&GĐ sửa đổi, hiện vẫn có ý kiến đề nghị cấm hoàn toàn mang thai hộ, vì đây là vấn đề phức tạp, có thể mang lại hậu quả khó lường cho đứa trẻ được sinh ra sau này và trái thuần phong mỹ tục, tập quán của người Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn thông thoáng và nhân văn, các tổ chức liên quan lại ủng hộ việc thừa nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, để giúp những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng. Nhưng, để tránh bị lạm dụng, Luật HN&GĐ phải quy định cụ thể và chặt chẽ điều kiện được mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm, mục đích của việc mang thai hộ, đồng thời nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng, cái gì có lợi cho dân thì phải kiên quyết làm bằng được, vận dụng vào việc ban hành các quy định cởi mở cho dân chính là làm theo lời Bác vậy!

M.N

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc