Cổ phần hóa phải tránh hình thức
Năng lượng Mới số 405
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến chuyện cải cách DN, cải cách giáo dục, cải cách y tế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách môi trường đầu tư... Mục tiêu của cải cách là hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu của xã hội, nền kinh tế. Cải cách, đổi mới DNNN cũng vậy. Đây là một quá trình nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất, hiệu quả lao động, đổi mới công nghệ, thiết bị... qua đó nâng sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế, tạo động lực phát triển cho DN. Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho các ngành, các lĩnh vực và thành phần kinh tế khác phát triển. Trong đó, cổ phần hóa được xác định là giải pháp mang tính chiến lược, tạo đột phá, thu hút các nguồn lực không chỉ trong mà cả ngoài nước tham gia vào quá trình quản trị DN.
Cảng Hải Phòng
Cổ phần hóa là hướng tới sự thay đổi tư duy làm việc, nâng cao năng lực quản trị, tăng năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Quá trình cải cách, đổi mới DNNN ở nước ta có thể nói là đã đạt được những kết quả nhất định và nếu chỉ nhìn vào các con số trên thì rõ ràng, nó đã mở ra rất nhiều kỳ vọng cho nền kinh tế, cho đất nước. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu, xem xét từng trường hợp cụ thể thì cổ phần hóa lại đang đặt ra nhiều nghi ngại, thậm chí có ý kiến cho rằng, đó chính là mối họa đối với nền kinh tế. Một DNNN nếu chỉ cổ phần hóa được mấy % thì không có gì thay đổi. Bộ máy xét duyệt như cũ, quản trị DN cũng vậy. Cổ phần là để thay đổi quản trị theo hướng hiện đại nhưng 90% cổ phần vẫn là nhà nước thì không thay đổi gì cả.
Quá trình cổ phần hóa DNNN đang tồn tại không ít vấn đề.
Trước hết đó là tâm lý sợ mất quyền, mất lợi ích khi tiến hành cổ phần hóa vẫn đè nặng, ám ảnh tư duy một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các DNNN. Và chính cái tâm lý ấy đang khiến một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đề ra cho các ngành, các cấp quyết liệt khi triển khai thực hiện lại mang tính hình thức.
Ở một DNNN, chủ tịch, tổng giám đốc hay giám đốc... luôn luôn có những quyền hành gần như tối thượng. Họ có thể quyết định mọi vấn đề của công ty, nhà máy mà không cần tham khảo hay hỏi ý kiến của bất kỳ ai. Và rồi khi quyết định đó dẫu có gây bất lợi hay thiệt hại cho công ty thì cũng chẳng ai dám lên tiếng, chẳng ai dám phê phán. Rồi thì họ cũng có thể chẳng cần quan tâm đến vấn đề đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường... để tăng doanh thu vì với họ, nhiều khi hòa là đủ.
Đã vậy, không ít DNNN được nhà nước giao quản lý tài sản là bất động sản có giá trị lớn. Vậy nên, nhiều khi chẳng phải làm gì, chỉ cần mang đem cho thuê làm văn phòng, làm nhà xưởng, DN đã sống khỏe. Chẳng thế mới có chuyện, những năm 2011-2013, trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng”, các DN trong lĩnh vực xây dựng hầu như không có việc, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm việc thì vẫn có những DN “bình chân như vại”, coi như không có chuyện gì. Họ chẳng màng đến chuyện tìm việc mới. Cũng chẳng buồn lo tái cấu trúc, thu gọn bộ máy để giảm chi phí... mà chỉ thu tiền cho thuê nhà xưởng, mặt bằng.
Và cũng chính vì mang trong mình cách nghĩ, cách làm đó nên nhiều khi họ chỉ cải cách này nọ cho có, làm theo kiểu hình thức, chống lại chủ trương cổ phần hóa. Họ - những người đứng đầu DN hiểu hơn ai hết một điều, nếu nghiêm túc tiến hành cổ phần hóa, khi các nhà đầu tư, các cổ đông tham gia vào hoạt động DN, vị trí của họ sẽ chịu tác động mạnh mẽ. Khi đó, họ nếu vẫn được bầu vào vị trí lãnh đạo, quản lý công ty thì sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh mà đại hội cổ đông đề ra. Rồi thì những quyết sách quan trọng của công ty giờ cũng không phải do một mình họ quyết định mà phải được sự đồng ý của đại hội cổ đông... Những đặc quyền, đặc lợi vốn dĩ họ có trước khi cổ phần hóa vì thế sẽ mất đi hoặc giảm bớt đi sau khi cổ phần hóa. Vậy nên mới có chuyện DN chây ì với cổ phần hóa, hoặc có làm thì cũng là hình thức, cho có!
Thứ nữa, đó chính là cách thức tiến hành cổ phần hóa. Một DN 100% vốn Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa chỉ thực hiện cổ phần hóa 5, 10 hay 20, 30% thì khó thu hút được nhà đầu tư. Với tỷ lệ cổ phần hóa như vậy, nhà đầu tư sẽ được gì khi thẩm quyền quyết định vẫn nằm trong tay người đại diện vốn của Nhà nước - những người vốn dĩ mang tư tưởng cầu hòa trong kinh doanh. Họ khó có thể can thiệp vào quá trình quản trị của DN và càng không thể thay đổi chiến lược phát triển kinh doanh của DN...
Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, nhiều DNNN sau khi tiến hành cổ phần hóa gần như không có sự thay đổi về quản trị DN. Hội đồng quản trị của các DNNN đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm quyền chi phối chủ yếu vẫn là các công chức có quyền, có lợi ích gắn với bộ máy điều hành hoặc kiêm nhiệm. Chính vì vậy nên việc điều hành DN không độc lập, khách quan và điều kiện để bảo đảm lợi ích của các bên có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của các cổ đông tư nhân thiểu số.
Chúng ta đã tiến hành cải cách, đổi mới DNNN và thực tế đã có những kết quả bước đầu. Nhưng rõ ràng về mặt bản chất thì chưa có thay đổi căn bản. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong nhiều văn kiện, nghị quyết quan trọng, Đảng, Chính phủ đều xác định DNNN là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để nhà nước điều tiết nền kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và để hoàn thành sứ mệnh đó, Đảng, Chính phủ cũng khẳng định: DNNN phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng.
Nói như vậy để thấy rằng, cải cách, đổi mới DNNN phải là mệnh lệnh cho sự phát triển, là nền tảng phát triển ổn định, bền vững, xứng đáng là lực lượng tiên phong, nòng cốt thực hiện vai trò định hướng, dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì cải cách, đổi mới phải được thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc, cần tránh tư tưởng làm cho có, làm chống đối, hình thức. Và như vậy, mục tiêu của cổ phần hóa chắc chắn sẽ thất bại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại hội thảo “Vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” đã thẳng thắn nêu quan điểm: Nói đổi mới, cổ phần hóa thì phải đi vào thực chất, làm sao có nhiều cổ đông và có vai trò để thay đổi quản trị và chất lượng DN, mới có hiệu quả!
Thanh Ngọc
-
Đại biểu Phạm Văn Hòa: DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ
-
Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
-
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi)
-
Trao quyền chủ động đầu tư cho DNNN: Chậm một bước, lỡ cơ hội
-
4 tháng đầu năm, tiêu thụ xăng dầu tăng gần 6%
-
Khởi công phân khu 35ha The Grand Ho Tram: Cú hích mới cho bất động sản du lịch Việt Nam
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm
-
Vì sao sản lượng của OPEC+ giảm mặc dù đã cam kết tăng sản lượng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/5: Sản lượng dầu thô của OPEC+ giảm