Nhà hát 1500 tỉ đồng ở TP Hồ Chí Minh

Cơ hội nâng tầm văn hóa?

10:48 | 12/10/2018

271 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch hơn 1.500 tỉ đồng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được HĐND TP HCM thông qua mới đây, song những tranh luận xung quanh nhà hát nghìn tỉ vẫn rất nóng trên các diễn đàn. Câu trả lời cho câu hỏi “nhà hát sẽ phục vụ cho ai và đem lại lợi ích gì cho người dân?” vẫn còn mơ hồ, chưa thực sự thuyết phục.
co hoi nang tam van hoa Nhà hát 1.500 tỉ đồng ở TP Hồ Chí Minh: Chưa hợp thời?!
co hoi nang tam van hoa Hà Nội ấp ủ những nhà hát nghìn tỷ trên “đất vàng”

Chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch với kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm của TP HCM đang nhận được sự quan tâm đặc biệt và nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Phía ủng hộ xây dựng nhà hát cho rằng, đây sẽ là công trình văn hóa quan trọng của thành phố, một công trình của Việt Nam mang tầm vóc quốc tế. Nhưng phía không đồng tình thì nghĩ, nên để dành kinh phí đó đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện…, xây nhà hát như thế là lãng phí vì không có nhiều khán giả của thể loại âm nhạc “sang trọng” này…

Dĩ nhiên, bên nào cũng có cái lý riêng của mình và cũng đều hợp lý cả. Mặc dù chủ trương này đã được HĐND TP HCM thông qua sau một phiên họp bất thường mới đây, song những câu hỏi: Mục đích của việc xây dựng nhà hát này là gì? Nhà hát sẽ phục vụ cho ai và đem lại lợi ích gì cho người dân?... hầu như vẫn chưa được làm rõ.

co hoi nang tam van hoa
Nhà hát Thành phố

Rất tiếc là cho đến giờ này, những thông tin, những ý kiến ủng hộ dự án nhà hát nghìn tỉ của thành phố vẫn chưa hoặc rất ít khi đề cập đến những câu hỏi nêu trên, thay vào đó, hầu hết câu trả lời chỉ tập trung vào một ý: Đây là dự án mang tính biểu tượng của thành phố, xứng tầm quốc tế.

Cũng không có tính thuyết phục cao nếu nói TP HCM dành kinh phí đó cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện… thay vì xây nhà hát nghìn tỉ, bởi văn hóa rất cần phải phát triển đi đôi với kinh tế, xã hội và muốn văn hóa phát triển thì tất yếu phải đầu tư cơ sở vật chất và con người.

Tuy nhiên, nếu chủ trương xây dựng nhà hát nghìn tỉ chủ yếu chỉ để tạo nên một công trình mang tính biểu tượng của thành phố, xứng tầm quốc tế như nhiều ý kiến khẳng định dường như có điều gì đó chưa ổn, bởi thực tế, những nhà hát giao hưởng vũ kịch nổi tiếng thế giới đều xuất phát từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Đó là chưa kể, mỗi nhà hát “vĩ đại” đó đều có câu chuyện thật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, con người và văn hóa bản xứ chứ không phải cứ bỏ nhiều tiền ra làm cho hoành tráng là được công nhận đó là “biểu tượng”.

Nhiều người chưa có cơ hội, điều kiện để thưởng thức, để biết nhạc giao hưởng, thính phòng đẹp như thế nào. Muốn phục dựng, tồn giữ, phát triển văn hóa, chúng ta phải cho văn hóa cơ hội. Xây nhà hát là một cơ hội để phát triển, nâng tầm văn hóa.

Vì thế, để chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch được đông đảo người dân ủng hộ thì TP HCM cần cho mọi người dân đều thấy rõ mục đích, ý nghĩa và giá trị thiết thực của nhà hát khi nó hiện hữu thay vì chỉ là những giá trị mang tên “biểu tượng”.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, ghi lại những góc nhìn đa chiều về chủ trương xây dựng nhà hát nghìn tỉ của TP HCM.

NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO): Cơ hội nâng tầm văn hóa

co hoi nang tam van hoa

Rõ ràng là TP HCM đang còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, như vấn nạn kẹt xe, ngập úng, bệnh viện, trường học…, tất cả đều rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, nhiều năm qua chúng ta đổ không ít tiền để xây đường, làm cầu…, thế nhưng bên cạnh tập trung chăm lo cho phát triển kinh tế, đời sống vật chất thì cũng không nên xem nhẹ đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Thời gian qua, chúng ta đã bỏ quên vấn đề này, dẫn đến xuống cấp về lối sống, nhân cách. Bây giờ chính là lúc cần tập trung xây dựng văn hóa và đạo đức. Chúng ta không thể cứ vin vào cớ nước mình còn nghèo, khó khăn nên không đủ điều kiện để chăm lo cho văn hóa. Kinh tế và văn hóa phải được phát triển song song với nhau.

Có ý kiến cho rằng, nhạc giao hưởng, thính phòng là thứ âm nhạc bác học, âm nhạc của nhà giàu và kén khán giả. Vì thế, mới có nhiều phản ứng gay gắt về việc rót ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng cho một loại hình nghệ thuật xa lạ, viển vông.

Điều đó chưa được hiểu một cách thấu đáo bởi nhạc giao hưởng, thính phòng là tài sản của nhân loại đã tồn tại hàng trăm năm nay, tại sao lại nói nó xa lạ? Xa lạ là bởi nhiều người chưa có cơ hội, điều kiện để thưởng thức, để biết nhạc giao hưởng, thính phòng đẹp như thế nào. Chúng ta muốn phục dựng, tồn giữ, phát triển văn hóa, chúng ta phải cho văn hóa cơ hội. Xây nhà hát là một cơ hội để phát triển, nâng tầm văn hóa.

TP HCM nên dành kinh phí để phát triển những loại hình văn hóa khác mà người dân thành phố đang thật sự có nhu cầu nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Hơn nữa, hiện tại TP HCM cũng đang có Nhà hát thành phố biểu diễn nhạc thính phòng, opera thì cần xây thêm nhà hát giao hưởng nữa làm gì?

Hiện tại, chúng ta đếm không xuể số rạp hát trải khắp mọi nơi, nhưng chất lượng kém, không đủ điều kiện để biểu diễn. Không có tác phẩm tốt, không sớm thì muộn, sự rời bỏ của khán giả không chỉ trong lĩnh vực giao hưởng, thính phòng mà còn ở các bộ môn nghệ thuật khác là điều tất yếu. Chúng ta đang có lỗi với đời sống văn hóa của chính chúng ta. Đừng so sánh với Sydney, New York, Paris… cho nó sang trọng, xứng tầm, bởi ngay cả nhiều nước trong khu vực cũng đã vượt chúng ta về cơ sở hạ tầng văn hóa nghệ thuật rồi.

Người dân phản ứng với dự án nhà hát giao hưởng nghìn tỉ này còn vì “bài học” của Nhà hát Trần Hữu Trang vẫn còn đó. Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịnh không phải là công trình bình thường, nó đòi hỏi những quy chuẩn kiến trúc khắt khe, phải thuê người có năng lực và chuyên môn để làm, phải mở cuộc thi tuyển quốc tế để tìm mẫu thiết kế nhà hát, sau đó phải làm cho đúng mẫu thiết kế. Nếu làm có trách nhiệm, không tham nhũng, ăn bớt thì mọi thứ sẽ ổn.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Nhà hát như một “thánh đường”

co hoi nang tam van hoa

Hiện tại các nhà hát lớn của chúng ta đều do người Pháp xây dựng. Từ khi giành độc lập tới nay, Việt Nam chưa bao giờ xây một nhà hát nào có quy mô lớn. Trong khi đó, những nhà hát cũ hiện tại cũng chỉ để biểu diễn opera thôi chứ chưa đủ tiêu chuẩn để biểu diễn nhạc giao hưởng. Chưa kể chúng còn được sử dụng vào nhiều mục đích khác nữa.

Chúng ta làm bao nhiêu cầu, bao nhiêu nhà cao tầng, xây bao nhiêu nhà ở, bệnh viện, trường học… suốt những năm qua, nhưng chưa bao giờ xây một nhà hát cho thể loại âm nhạc được cả thế giới trân trọng, đó là một thiếu sót lớn. TP HCM là một thành phố trẻ năng động, đi đầu về kinh tế, hằng năm đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước mà chưa có một nhà hát xứng tầm với sự phát triển của thành phố. Bây giờ kinh tế phát triển rồi, thành phố nghĩ tới việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân cũng là hợp lẽ.

Trước đây, tôi có dịp sang châu Âu xem biểu diễn nhạc giao hưởng. Có thể nói, tôi như muốn ngất trong nhà hát của họ vì cả đời chưa bao giờ được nghe thứ âm thanh đẹp như thế. Những âm thanh trong các nhà hát lớn ở nước ta thua xa đĩa CD mà họ thu… Khi âm thanh một dàn nhạc giao hưởng vang lên, âm thanh một vở opera vang lên trên sân khấu, âm thanh đó đến với khán giả vô lượng điểm trong không gian, khán phòng đẹp như một “thánh đường”.

Âm thanh tại các nhà hát ở nước ta mới chỉ đạt từ 6 tới 7 điểm tới tai người nghe. Với chất lượng của các nhà hát hiện tại, công chúng không được nâng cảm xúc, tình yêu với ngôn ngữ âm nhạc tuyệt vời đó lên. Những người chưa bao giờ được nghe thứ âm nhạc đó, khi được vào những nhà hát tiêu chuẩn, họ sẽ suy nghĩ khác. Tôi tin như vậy.

Dĩ nhiên, bỏ tiền ngân sách để xây nhà hát phải cân nhắc sao cho hợp lý và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhưng nói gì thì nói, một nhà hát tầm cỡ như thế phải được đặt ở trung tâm thành phố, nó rất quan trọng về văn hóa nghệ thuật.

PGS.TS Phan An - Nhà nghiên cứu văn hóa: Dự án trong tương lai

co hoi nang tam van hoa

Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ở TP HCM ngày càng tăng cao trong thời gian qua, trong đó có thể loại giao hưởng, thính phòng. Thế nhưng, xây một nhà hát tầm cỡ quốc tế lúc này chưa cần thiết, đó có thể là dự án trong tương lai 5-10 năm nữa.

Hiện tại, tình hình kinh tế - xã hội của TP HCM vẫn còn khó khăn, nhu cầu của người dân thành phố về âm nhạc giao hưởng cũng không cao. Xây một nhà hát quy mô như thế mà không có mấy khán giả thì cũng xem như chưa hợp thời.

Trước mắt, tôi nghĩ TP HCM nên dành kinh phí đó để phát triển những loại hình văn hóa khác mà người dân thành phố đang thật sự có nhu cầu nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Hơn nữa, hiện tại TP HCM cũng đang có Nhà hát thành phố có biểu diễn nhạc thính phòng, opera thì cần xây thêm nhà hát giao hưởng nữa làm gì?

Còn nếu nói đó sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng của thành phố thì càng phải xem xét. Tôi nghĩ đó chỉ là cái cớ để người ta đồng tình về chủ trương này. Một số nước có nhà hát nổi tiếng, là biểu tượng văn hóa như Australia, Nga, nhưng không phải vì thế mà chúng ta nghĩ rằng, bỏ 1.500 tỉ đồng ra xây nhà hát thì nó sẽ trở thành biểu tượng của TP HCM, tôi không tin như thế.

Nhạc sĩ Lương Bằng Quang: Nên “xây” con người trước

co hoi nang tam van hoa

Về câu hỏi “cần thiết hay không việc xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với kinh phí 1.500 tỉ đồng từ tiền ngân sách?”, tôi có 2 vế để đặt bàn cân, đó là nhạc giao hưởng (giá trị tinh thần) và kinh phí (đầu tư). Tôi không gọi 1.500 tỉ đồng là chi phí mà là tiền đầu tư.

Về giá trị tinh thần, loại hình giải trí này phù hợp ở châu Âu, cùng với đặc trưng văn hóa và sự hoài niệm của người dân (người lớn tuổi) nhưng không phù hợp lịch sử âm nhạc Việt.

Về tiền đầu tư, qua YouTube, chúng ta dễ dàng thấy rằng, những chương trình hòa nhạc giao hưởng thành công thường là những chương trình được tổ chức ở ngoài trời và thay đổi địa điểm liên tục. Như vậy, thay vì đầu tư xây nhà hát thì nên đầu tư “xây” con người (nghệ sĩ) và tổ chức thường xuyên của những chương trình hòa nhạc thì hay hơn.

Nói như thế không có nghĩa chúng ta quy kết rằng, xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịnh là lãng phí, để tiền đó xây dựng hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện. Bởi tôi nghĩ so sánh vậy thì “chênh” quá, nhà nghèo cũng cố mua tivi to đấy thôi. Vấn đề tiền nằm trong tay ai muốn đầu tư thì họ là người quyết định, vì họ có cách tính của họ.

Thẳng thắn mà nhìn nhận, người sản xuất nhạc, học viện âm nhạc của Việt Nam còn thua xa nước ngoài lắm. Nhưng ở thời đại 4.0, mua kiến thức rất dễ, vậy nên tôi vẫn cho rằng, nên đầu tư con người trước thay vì cơ sở vật chất. Khi có con người giỏi, họ sẽ biết cách vận hành nghệ thuật sao cho mang lại giá trị lớn nhất mà vẫn tiết kiệm một cách thông minh.

Chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng có từ 20 năm trước

UBND TP HCM đề xuất và được HĐND thông qua dự án xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch có quy mô 1.700 chỗ bằng nguồn ngân sách thành phố, với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỉ đồng. Thành phố đánh giá việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP HCM.

Thực tế, thành phố đã có chủ trương xây dựng nhà hát từ năm 1999, địa điểm dự kiến là số 23 Lê Duẩn, quận 1. Tuy nhiên, vị trí này được cho là không phù hợp.

Đến năm 2012, thành phố đồng ý xây dựng nhà hát tại Công viên 23/9, diện tích 1,2ha, sức chứa 1.700 chỗ. Công trình dự kiến tọa lạc tại trung tâm quận 1, được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành, dự kiến đưa sử dụng vào cuối năm 2015. Nhưng sau nhiều tranh cãi, việc xây dựng nhà hát một lần nữa không thể thực hiện.

Theo chủ trương mới nhất thì thành phố chuyển nhà hát về khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà hát cùng với giáo xứ Thủ Thiêm và dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm đang hiện hữu sẽ tạo thành chuỗi công trình văn hóa - du lịch - tôn giáo dọc sông Sài Gòn.

Ngày 8/10/2018, trong phiên họp bất thường, HĐND TP HCM đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà hát này.

Trúc Vân - Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.