Cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện

11:40 | 17/01/2021

162 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2021, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi, chắc chắn khiến cho mức tiêu thụ điện tăng cao. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện, đặc biệt là doanh nghiệp năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió thiết lập kỷ lục mới về công suất nhờ thời hạn đóng điện để hưởng cơ chế giá điện cố định (FIT) trong thời gian qua.
Cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện
Các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển điện năng lượng tái tạo.

FIT là chính sách nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống. Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện của cả hệ thống trong 2 năm 2021, 2022 là 15.400 Megawatt (MW). Trong khi đó năm 2021, chỉ có khoảng 3.600MW công suất của 3 nhà máy nhiệt điện than được đưa vào hoạt động là Duyên Hải 2 BOT, Sông Hậu 1, Hải Dương BOT; đến năm 2022 có thêm các dự án nhiệt điện than Thái Bình 2, Nghi Sơn 2 BOT.

Như vậy, đến hết năm 2022, Việt Nam chỉ bổ sung được thêm 6.000MW từ các nguồn điện truyền thống, thiếu trên 8.000MW công suất. Đến năm 2023, nguồn điện truyền thống chỉ có thêm 1 tổ máy của nhiệt điện than Vân Phong 1 BOT (660MW) và nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 (880MW). Tổng cộng năm 2023 có thêm 1.540MW, vẫn còn thiếu trên 6.000MW nguồn điện.

Để giải bài toán này, thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách và biện pháp thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Bởi vậy, trong 2 năm qua, nhất là khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam thì các nguồn năng lượng tái tạo đã phát triển nhanh chóng, bổ sung hàng nghìn MW cho hệ thống điện quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được bước đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế khuyến khích điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất loại năng lượng tái tạo này. Đến nay, đã có 113 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 5.700MW và cơ bản được giải tỏa hết công suất, được đưa vào vận hành trong năm 2020. Đây là con số kỷ lục về số nhà máy mới đóng điện trong một khoảng thời gian ngắn.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), toàn hệ thống điện đã huy động 5,41 tỷ kWh từ năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời đạt 4,71 tỷ kWh (tăng gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019). Dự kiến, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, nguồn năng lượng tái tạo có thể bổ sung vào hệ thống sẽ đạt trên 10.000MW, góp phần bổ sung thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh thiếu nguồn cấp, đặc biệt giảm được sản lượng huy động từ các nguồn điện chạy dầu có giá thành cao.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng năng lượng tái tạo cũng đã đặt ra nhiều thách thức. Cụ thể, theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), việc phát triển này đã đặt ra nhiều vấn đề cho lưới truyền tải điện như mất cân bằng phân bố nguồn và tải, cân bằng công suất, dao động công suất, dao động tần số, sóng hài gia tăng... Và để đáp ứng đầy đủ nhu cầu nối lưới của các nguồn năng lượng tái tạo, EVNNPT sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cũng như nghiên cứu, tiếp cận những công nghệ mới, hiện đại, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các nước tiên tiến để bảo đảm giải tỏa hết công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo theo yêu cầu.

Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam diễn ra vào dịp cuối năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (hiện đang là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) cho biết, Bộ sẽ xây dựng cơ chế có cạnh tranh, công khai minh bạch để thu hút nhà đầu tư tiềm năng vào xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, xét đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây được xem là tín hiệu tích cực giúp giải bài toán nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển.

Theo Báo Hànộimới