Nghệ sĩ và cửa thiền:

Chuyện về người giữ mộ NSND Phùng Há (Kỳ 1)

15:23 | 11/09/2015

2,845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng ngày, mộ phần của NSND Phùng Há luôn được một người nghệ sĩ già chăm sóc, quét dọn, nhang đèn. Và câu chuyện về người giữ mộ này là một câu chuyện chứa đầy trắc ẩn!

Thoạt nhìn bên ngoài, chùa Nghệ sĩ (hay Nhật Quang Tự, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng giống như bao ngôi chùa khác tại thành phố, chùa cũng có Chánh điện, cũng thờ Phật, Bồ Tát… nhưng bên trong thì đây hẳn là ngôi chùa đặc biệt nhất. Người đến chùa sẽ không thể nhìn thấy hình ảnh thanh tịnh của những chiếc áo nâu sòng hay y vàng quen thuộc của các sư thầy như ở các chùa khác. Thay vào đó là sự xuất hiện của những con người vẫn mang hình ảnh của thế tục, đa số họ đã ở tuổi xế chiều, gầy guộc, ốm yếu.

Đặc biệt hơn hết, họ đều là những người nghệ sĩ, bầu sô cải lương của một thời. Tất cả họ đều đã chọn nơi đây để an dưỡng tuổi già, sau những năm tháng lang bạt với gánh hát.

chuyen ve nguoi giu mo nsnd phung ha ky 1 2
Chùa Nghệ sĩ

Thú thật, với những người mà chúng tôi gặp trong chùa, nếu không biết trước thì không thể nghĩ họ một thời từng là nghệ sĩ. Hôm đó, người mà chúng tôi gặp đầu tiên, cũng là người đã hướng dẫn chúng tôi lễ Phật là nghệ sĩ Lý Lắc. Ông có tướng người khắc khổ, gầy trơ xương, tay chân nhỏ như cây que, da nhăn nheo, còn đôi mắt thì sâu hóm vào trong hốc mắt. Nhìn ông lúc nào cũng toát lên sự buồn khổ và hoàn toàn khác với cái nghệ danh Lý Lắc của ông. Ngồi với chúng tôi ở bàn trà bên ngoài chánh điện, ánh mắt ông thỉnh thoảng lại dõi về một nơi xa xăm vô định.

Hỏi ra mới biết, ông đang mang trong mình rất nhiều bệnh, nào là viêm phổi, viêm gan, dạ dày và nhất là những di chứng của bệnh tai biến năm xưa. Tất cả đang hằng ngày hạnh hạ, bào mòn thân xác ông một cách khủng khiếp.

Nghệ sĩ Lý Lắc (tên thật là Phan Như Yên, sinh năm 1945) cho biết, ông vào chùa Nghệ sĩ từ năm 2008. Công việc hằng ngày quan trọng nhất của ông là chăm sóc phần mộ NSND Phùng Há – người có công đầu trong việc tạo dựng ngôi Chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ này. Ngày nào cũng vậy, Lý Lắc đều quét dọn, nhang đèn, chăm sóc cây cối xung quanh mộ bà.

Lý Lắc nói, ông là người có duyên chăm sóc “má Bảy” (cách gọi thân thương của những nghệ sĩ nơi đây dành cho NSND Phùng Há) những tháng ngày cuối đời trên giường bệnh. Có lần ông nói với bà rằng: “má Bảy” mà mất thì con vẫn sẽ bên cạnh chăm sóc cho má”. Lời nói đó sau này thành sự thật, khi NSND Phùng Há mất vào năm 2009, Lý Lắc nhận nhiệm vụ chăm sóc mộ phần của bà cho đến nay.

chuyen ve nguoi giu mo nsnd phung ha ky 1
Nghệ sĩ Lý Lắc

Lý Lắc cũng là một “hướng dẫn viên” cho khách đến viếng chùa và nghĩa trang nghệ sĩ. Ông hướng dẫn rất nhiệt tình và “chuyên nghiệp”, đi đến phần mộ của nghệ sĩ nào, ông đều tóm tắt cho khách về tiểu sử cũng như những mốc son trong sự nghiệp của người nghệ sĩ đó.

Khách biết ơn cũng như thương cảm với hoàn cảnh của ông mà ai nấy đều dúi vội túi ông một ít tiền trước khi ra về. Lý Lắc nói, số tiền đó không nhiều, chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng chính nhờ vào lòng hảo tâm đó mà ông mới có chi phí trang trải cho chuyện thuốc thang, ăn uống lặt vặt hằng ngày.

55 nam nho ve ngoi chua nghe si 55 năm nhớ về ngôi chùa Nghệ Sĩ

Nhớ lại quảng đời theo gánh hát của mình, Lý Lắc thở dài nói: thăng trầm và gian nan lắm! Ông kể, năm 12, 13 tuổi, ông trốn nhà theo gánh hát và bắt đầu tham gia nghệ thuật chính thức từ năm 1960. Thời đó, ông thường vào những vai quân sĩ, hát trong các đoàn lưu diễn khắp cả nước. Đến năm 1978, ông theo đoàn Lý Dạ Hương của ông bầu Xuân. Lý Lắc có năng khiếu diễn xuất, hát hay, lại vừa có thể diễn hài… Ông có thể chọc cười khán giả chỉ bằng vài động tác, cử chỉ lý la lý lắc trên sân khấu và cũng từ đó người ta đặt cho ông nghệ danh Lý Lắc.

Tuy nhiên, Lý Lắc không phải là người nghệ sĩ nổi tiếng như nhiều bài viết đã phóng đại về ông. Bản thân ông thừa nhận mình chỉ đóng toàn những vai phụ, ít đất diễn. Nhưng nhờ có duyên sân khấu nên ông cũng được khá nhiều khán giả mến mộ. Nhiều lần ông lên sân khấu là được khán giả vỗ tay chào đón, hay có khi ông bước xuống xe, khán giả nhận ra liền chạy đến bắt tay, níu áo… Tất cả đã để lại cho Lý Lắc một ký ức đẹp về nghề, để bây giờ, khi tuổi già, bệnh tật đang ngày càng xâm chiếm ông thì thỉnh thoảng nó lại trở về, có tác dụng như một liều thuốc dịu êm trong tâm trí.

Đang ngồi kể lại chuyện xưa, Lý Lắc bất chợt uống ngụm nước để lấy giọng, đôi tay gầy guộc của ông nắm chặt vào ghế, lưng tựa vào như để lấy hơi, để giữ cho ông ngồi vững… và ông bắt đầu cất tiếng hát. “Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…”. Đây chính là câu vọng cổ trong trích đoạn “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà”, một trích đoạn mà ông thường xuyên trình diễn nhất và rất được khán giả yêu thích ngày xưa. Dù chỉ hát lại một câu ngắn thôi, nhưng ông đã ho sặc sụa. Lý Lắc bảo, ông mê hát lắm nên dù sức tàn hơi kiệt, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn hát lại những trích đoạn cũ.

Nhưng ngày xưa ông hát cho nhiều người nghe, còn bây giờ ông hát để ru ông!

chuyen ve nguoi giu mo nsnd phung ha ky 1 1
chuyen ve nguoi giu mo nsnd phung ha ky 1 4
Phần mộ NSND Phùng Há

Ngày xưa, dù không phải là kép chính nổi tiếng, nhưng Lý Lắc cũng là người khá giả và kiếm được khá nhiều tiền từ các hợp đồng biểu diễn. Mỗi hợp đồng của ông trong hai năm có giá 2 triệu đồng, mà ở thời điểm đó thì với số tiền đó ông có thể mua được rất nhiều lượng vàng. Nhưng hầu hết tiền bạc kiếm được, phần ông gửi về cho gia đình để phụng dưỡng cha mẹ, phần còn lại ông đốt dần vào những cuộc vui chơi với bạn bè, đồng nghiệp và các giai nhân. Ông cũng không nghĩ đến chuyện lập gia đình bởi ông cho rằng: mình là nghệ sĩ, lại có tiền dư dả, người đẹp cũng không hề thiếu mỗi khi cần thì tại sao phải vướng bận chuyện vợ con cho nhọc thân!

Chính vì thế mà bây giờ khi nói về hoàn cảnh cô quạnh, túng quẫn của mình, nghệ sĩ Lý Lắc không trách gia đình, cũng không trách phận mình đen bạc. Ông chỉ trách bản thân ngày trước không lo nghĩ cho tương lai nên kết cuộc như hiện tại là tất yếu. Nhưng thật ra, đó không phải suy nghĩ và lối sống của riêng Lý Lắc, rất nhiều nghệ sĩ thế hệ trước cũng giống như ông. Họ có đậm “chất nghệ sĩ” trong người, họ hết mình với sân khấu, với nghệ thuật và không toan tính điều gì. Họ sống một cách vô tư, phóng khoáng mà không cần biết ngày mai! Chính vì thế mà khi tuổi về già, khi phải rời xa sân khấu thì nhiều nghệ sĩ như Lý Lắc rơi vào cảnh túng quẫn, neo đơn là vậy!

Và không ai khác, chính NSND Phùng Há đã nhìn thấy trước được điều đó từ mấy mươi năm về trước. Bởi cùng là nghệ sĩ, cùng sống trong môi trường nghệ thuật, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu, vui buồn cùng nhau nên bà hiểu được người nghệ sĩ. Và quan trọng nhất là cái tâm, tấm lòng yêu thương bao la mà bà dành cho họ. Bà lo sợ cho tương lai về già của một số nghệ sĩ sẽ rơi vào cảnh không nơi nương tựa, khi họ không người thân, không tiền của và khi chết đi có thể họ cũng không có lấy một mảnh đất để quay về! Chính vì thế mà bà đã cùng các nghệ sĩ khác đã thành lập Hội Ái hữu nghệ sĩ và mua đất để xây chùa, nghĩa trang cho nghệ sĩ như bây giờ.

chuyen ve nguoi giu mo nsnd phung ha ky 1 3
NS Lý Lắc nương tựa ở chùa Nghệ sĩ

Những năm trước 1975, nghệ thuật sân khấu cải lương phát triển rất mạnh mẽ, sôi động với hàng chục đoàn hát từ nhà nước đến tư nhân. Nhưng sau đó thì loại hình nghệ thuật này dần dần đi xuống, các đoàn tư nhân không còn, sô diễn thưa vắng, khán giả cũng không còn nhiều người thưởng thức cải lương như trước. Các đoàn hát lần lượt đi đến giải thể, nhiều nghệ sĩ thì rơi vào cảnh khuynh gia bại sản, sống vất vơ. Nhiều người có điều kiện thì nhanh chóng chuyển sang làm nghề khác như kinh doanh hay đóng phim, đóng kịch,… Lý Lắc cũng không ngoại lệ, từ khi không còn gắn với sân khấu cải lương nữa, ông bắt đầu chuyển sang đóng phim và lồng tiếng. Mà cũng chỉ toàn là những vai nhỏ, thậm chí là vai quần chúng.

Cho đến năm 2008, khi ông đóng vai lão Cao Đài trong phim Vó ngựa trời Nam (ĐD Lê Cung Bắc) thì ông bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Ông được bầu Xuân hết lòng chạy chữa, rồi sau đó đưa về nương tựa, làm công quả ở chùa Nghệ sĩ cho đến tận bây giờ! Lý Lắc nói, ông bệnh nặng nên không thể ăn chay, nhưng tâm ông thì lúc nào cũng hướng Phật. Ngày ngày ông đều đọc kinh, phần để sám hối, phần để cầu an.

(Còn tiếp...)

Trúc Vân

Năng lượng Mới