Nghệ sĩ và cửa thiền:

Nghệ sĩ sa cơ, vào chùa xuống tóc đi tu (Kỳ cuối)

06:30 | 13/09/2015

2,118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai đó đã viết rằng: “Hôm qua là sân khấu/Hôm nay là cửa thiền”! Hai câu này thật chính xác khi nói về những con người đang nương tựa ở chùa Nghệ sĩ hiện nay. 

1. Được biết, hiện tại ở chùa Nghệ sĩ có 6 người nghệ sĩ, hầu hết đều rơi vào hoàn cảnh ốm đau, túng quẩn và cô quạnh. Ngoài nghệ sĩ Lý Lắc thì có nghệ sĩ Nhật Sinh (72 tuổi), làm bảo vệ và giữ xe cho khách đến chùa. Nhật Sinh nói chúng tôi, ông vào chùa được 10 năm nay, sớm ngày nghe tiếng chuông chùa, kinh kệ mà làm niềm vui sống ở tuổi xế chiều cô quạnh.

nghe si sa co vao chua xuong toc di tu ky 2

Chuyện về người giữ mộ NSND Phùng Há (Kỳ 1)

Hằng ngày, mộ phần của NSND Phùng Há luôn được một người nghệ sĩ già chăm sóc, quét dọn, nhang đèn. Và câu chuyện về người giữ mộ này là một câu chuyện chứa đầy trắc ẩn!

Khác với các nghệ sĩ khác khi vào chùa nương tựa, ban đầu Nhật Sinh còn định dứt bỏ thế tục xuống tóc đi tu luôn tại chùa. Và Nhật Sinh đã xuống tóc, trường chay gần được khoảng 1 năm. Thỉnh thoảng, ông còn cùng các thầy khác đi tụng đám tang cho bà con Phật tử. Nhưng rồi sau đó ông đã hoàn tục, ông nói mình chưa đủ duyên tu hành.

nghe si sa co vao chua xuong toc di tu ky 2
Nghệ sĩ Nhật Sinh

Nghệ sĩ Nhật Sinh kể, bản thân ông ngày còn đi hát không thiếu thứ gì, tiền bạc, nhà lầu, ô tô, xe máy xịn… ông đều có. Cát-sê của ông thời đó cũng thuộc dạng cao, tên tuổi ông có thời cũng nổi như cồn, người ta còn đưa ông lên làm trưởng đoàn Tây Ninh 2… Nhưng khi giàu có, Nhật Sinh tiêu tiền không tiếc tay, cũng là những cuộc vui thâu đêm với bạn bè, với người đẹp.

Đương thời, Nhật Sinh có nhiều mối tình, mối tình nào cũng đẹp, nhưng chóng vánh, đến rồi đi. Có điều ông không ngờ rằng, đến cuối những năm 1990 thì ông lại rơi vào hoàn cảnh của người vô gia cư, lại còn cô độc. Tiền bạc ông làm ra đã tiêu hết, vợ ông không còn, nhân tình một thuở cũng lần lượt bỏ ông đi. Từ một trưởng đoàn hát phong lưu giàu có, Nhật Sinh trở thành người đi bán vé số dạo, lang thang khắp đường cùng ngỏ hẻm.

Tuy nhiên, dù sa cơ nhưng Nhật Sinh không trốn chạy hay mặc cảm với hiện tại mà mạnh mẽ đối diện với nó. Ông còn bình thản vào tận đoàn hát cũ của mình để bán vé số cho các đồng nghiệp, những người từng làm việc cho ông năm xưa. Ai thấy ông cũng đều chua xót, nhiều người đã mời ông trở về diễn. Nhưng lúc này, Nhật Sinh như kẻ bất đắc chí với nghệ thuật, ông cảm thấy mình đã nếm trải đủ thăng trầm, vinh nhục trong nghề này. Thế nên ông mỉm cười xua từ chối và ra đi với xấp vé số trên tay!

nghe si sa co vao chua xuong toc di tu ky 2
Nghệ sĩ và cửa thiền

Không chỉ bán vé số, Nhật Sinh còn làm đủ thứ nghề khác để mưu sinh. Nhưng lang thang mãi rồi cũng mỏi mệt, ông tìm về chùa Nghệ sĩ để nương tựa và làm công quả đến tận bây giờ.

Trong chùa, Nhật Sinh là nghệ sĩ thuộc dạng “có điều kiện” nhất bởi trong khi các nghệ sĩ khác nay ngủ chỗ này, mai tạm chỗ khác thì ông có được một căn phòng riêng, dù nó chỉ nhỏ như cái thảo am. Hằng tháng, nhà chùa phụ cấp cho Nhật Sinh vài trăm nghìn đồng, cộng với tiền từ lòng hảo tâm của bá tánh thập phương đến chùa, ông dành toàn bộ cho việc ăn uống, thuốc thang trị bệnh tim của ông.

Đầu bếp của chùa cũng là người nghệ sĩ trong đoàn Dạ Lý Hương của bầu Xuân năm xưa, đó là nghệ sĩ Thu Hồng. Nghề chính của bà là vũ công, bên cạnh hát. Cuộc đời bà cũng là một chuỗi ngày buồn, bệnh tật và cô quạnh. Thuở còn xuân xanh, bà nổi tiếng là vũ công xinh đẹp nhất trong đoàn hát và được rất nhiều chàng trai đem lòng yêu mến. Thế nhưng, nhan sắc kiều diễm ấy không giúp bà níu giữ được hạnh phúc gia đình. Chồng bà đã qua Mỹ với người vợ thứ 2, bỏ lại cho bà mấy người con.

Vì thân mang bệnh, bà không còn khả năng diễn xuất nữa nên cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Vì thương các con và không muốn trở thành gánh nặng cho con nên bà đã dọn ra ngoài thuê nhà ở và hằng ngày làm công quả, nương tựa cửa chùa! Thắm thoắt mới đó mà đã 10 năm trôi qua…

nghe si sa co vao chua xuong toc di tu ky 2
Nữ vũ công Thu Hồng cùng các nghệ sĩ trong chùa

2. Vào một ngày nọ, khi nhà thơ Tố Hữu đến thăm chùa Nghệ sĩ, ông có đề hai câu thơ tặng người quản tự rằng: “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa/Một ông thủ tự tốt là vừa!”. “Người quản tự tốt” mà nhà thơ Tố Hữu nhắc đến ở đây chính là bầu Xuân, ông bầu của đoàn hát nổi tiếng Dạ Lý Hương. Bầu Xuân năm nay đã 95 tuổi mà ông vẫn rất minh mẫn.

Tuy không còn đủ sức khỏe để làm được nhiều việc, nhưng hiện tại ông vẫn là người quán xuyến gần như hầu hết mọi việc lớn nhỏ trong chùa. Từ chuyện cơm áo gạo tiền cho các nghệ sĩ đến quản lý sổ sách, cân đối thu chi cho từng công việc. Trên bàn làm việc của bầu Xuân lúc nào cũng có hàng chồng giấy tờ, sổ sách các loại và hằng ngày ông vẫn ngồi làm việc không dưới 6 tiếng đồng hồ. Nhìn ông, khó ai tưởng tượng rằng, ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm mà đó là hình ảnh của một nhân viên văn phòng mẫn cán! 

nghe si sa co vao chua xuong toc di tu ky 2
Bầu Xuân, người quản lý chùa Nghệ sĩ

Ông nói, ông già rồi, nhiều lúc cũng muốn bàn giao công việc quản trị chùa lại cho người khác, nhưng rồi ông nghĩ đến những nghệ sĩ đang nương nhờ nơi đây - họ đã sống với ông cả chục năm nay, rồi ông nghĩ đến tâm nguyện của người bạn gắn bó với ông suốt 15 năm cuối đời - NSND Phùng Há nên ông cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình.

Để chu tất công việc trong một ngôi chùa lớn và cả một nghĩa trang rộng hàng nghìn mét vuông không phải là điều gì dễ dàng. Nhưng ai đã một lần đến chùa, thấy được sự tươm tất trong từng bát hương, hoa cúng, tranh, tượng Phật… hay hơn 500 ngôi mộ trong nghĩa trang luôn được sơn mới định kỳ, được quét dọn sạch sẽ cùng nhang khói hằng ngày thì sẽ thấy được tấm lòng và công sức mà người quản tự này dành cho nơi đây to lớn thế nào!

Với các nghệ sĩ trong chùa, bầu Xuân nói ông vừa thương vừa giận họ. Thương vì đương thời, họ miệt mài theo các đoàn hát lưu diễn khắp nơi, họ mang lời ca, tiếng hát, tiếng cười đến tất cả mọi người. Còn giận là vì tính nghệ sĩ của họ, họ quá vô tư, phóng khoáng không lo nghĩ về tương lai nên về sau này khổ!

Nói là vậy, nhưng ông thật lòng rất thương cho số phận của những nghệ sĩ nơi đây. Chuyện điều trị bệnh cho họ là do nhà chùa lo, mà cụ thể đó chính là ông. Còn những chi phí thuốc thang lặt vặt hằng ngày thì các nghệ sĩ phải tự thân vận động. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng ông vẫn gọi các nghệ sĩ vào nhắc nhở họ rằng phải biết tích cóp, tự lực để sau này tự lo cho bản thân khi ông không còn nữa!

nghe si sa co vao chua xuong toc di tu ky 2
Chùa Nghệ sĩ hay còn gọi là Nhật Quang Tự

Những người nghệ sĩ ở Nhật Quang Tự là vậy, họ hết lòng yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Mọi sự cạnh tranh hay ganh đua tiền tài, danh vọng của một thời trai trẻ đã nhường chỗ cho sự thanh tịnh trong tâm hồn. Dù không chính thức trở thành những thiền sư hay tu sĩ, nhưng tiếng chuông chùa, những bài kinh kệ, những lần miệt mài tu tập đã thuần hóa được phần nào “con ngựa hoang” trong con người họ. Và những nghệ sĩ chúng tôi có dịp trò chuyện đều liễu ngộ được một cách sâu sắc về lý vô thường. Đơn giản là vì họ nhìn thấy được điều đó ở ngay chính bản thân họ hay những người nghệ sĩ xung quanh. Mọi danh vọng, xa hoa của họ bỗng thoáng qua là mất sạch, có người thì giờ đã nằm im dưới đáy mồ trong nghĩa trang Nghệ sĩ, người còn thì bệnh tật, cô quạnh phải về nương tựa cửa thiền môn…

“Vậy nên, bận lòng chi hai từ nghệ sĩ đã qua!” - nghệ sĩ Nhật Sinh mỉm cười nói.

L.Trúc

Năng lượng Mới