Chuyện về một bà lang tâm đức

19:00 | 16/06/2013

1,608 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó là bà Hoàng Thị Trượng, sinh năm 1962 ở xã Vĩnh Yên (Bảo Yên, Lào Cai). Mấy chục năm qua, bà đã chữa khỏi cho cả ngàn người bị gãy xương và nhiều trường hợp vô sinh bằng bài thuốc bí truyền từ lá cây rừng. Với bà Trượng, cứu người là để làm phúc cho con cháu sau này.

Câu chuyện về người đàn bà có khả năng chữa trị thành công được nhiều căn bệnh như bà Hoàng Thị Trượng là nhờ có bài thuốc và biệt tài chữa nối xương, trị vô sinh hiệu quả.

Dù đường sá xa xôi, núi đồi hiểm trở nhưng chúng tôi nhất quyết tìm đến gặp cho bằng được bà Trượng. Đến nơi thì bà đang đi hái thuốc ở trên rừng. Phải đến chiều muộn mới thấy bà Trượng cõng trên lưng một gùi thuốc mệt lả về nhà. Bà Trượng cho biết, bài thuốc gia truyền này bà được ông ngoại truyền lại từ năm bà mới 10 tuổi. Khi đó, bà đã theo ông lên rừng hái thuốc, sau này ông mất thì bà là người nối tiếp ông chữa trị cho dân bản bằng bài thuốc bí truyền này. Trước đây chỉ cần đi một buổi sáng lấy thuốc nhưng giờ rừng bị người ta tàn phá nhiều, cây thuốc cũng mất dần, nên phải băng rừng, vượt suối, qua nhiều quả đồi mới tìm được loại thuốc này.

Thuốc được cất cẩn thận

Bao nhiêu năm bám nghề, từng lá thuốc, loại dễ, cách pha chế chữa trị bà đều nắm chắc và thuộc như lòng bàn tay. Mỗi loại rễ, thân, lá cây rừng đều có một công dụng và cách thức riêng. Ngoài chữa nối xương, bà còn chữa được cả bệnh hiếm muộn.

Không biển hiệu, cũng chẳng lời quảng cáo, ban đầu chỉ là những người trong làng, rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người gần xa tìm đến để nhờ bà Trượng chữa bệnh, bốc thuốc cho. Cách chữa bệnh của bà Trượng rất đơn giản, kỳ lạ mà hiệu quả. 

Mỗi người bệnh đến đây, bà Trượng đều phải hỏi rõ tên tuổi, địa chỉ, bệnh tình. Sau đó bà bắt mạch và chẩn đoán bệnh.

Cũng theo bà Trượng: “Trước đây những vị thuốc này có ở quanh gần nhà mình. Nhưng lâu ngày thuốc cạn kiệt, vậy là mỗi lần đi hái thuốc ở rừng bà lại mang những cây thuốc về trồng tại nhà, nhưng cây không ra lá và tự chết nên cứ hết thuốc là phải đi xa”.

Thuốc sau khi hái sẽ được phân loại thành từng nhóm khác nhau. Sau đó rửa sạch, phơi khô cất riêng vào trong bao tải, túi bóng để nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Khi người bệnh đến, tùy vào mức độ bệnh nặng, nhẹ, sức khỏe của mỗi người bệnh mà bà trượng có cách bốc thuốc khác nhau. Thông thường nếu bệnh tình nhẹ thì từ 1 đến 2 thang thuốc đầu là bệnh có tác dụng.

Thuốc của bà Trượng có hai loại, một loại dùng để đắp, còn một loại dùng để sắc nước uống. Thuốc đắp sẽ được giã nhỏ, làm mịn rồi sao lên có tẩm một ít rượu để đắp cho người bệnh. Loại thuốc gói sẽ gói lại thành từng thang phát cho người bệnh mang về đun nước uống.

Khi chúng tôi muốn được tận mắt mục sở thị loại “thần dược” này, bà Trượng dẫn chúng tôi xem từng loại lá, thân rễ của từng loại cây rừng. Bà bảo: “Thuốc này rất quý và khó kiếm, nếu bây giờ giã, và pha chế sẽ làm hỏng thuốc thì rất lãng phí”.

Người bị gãy xương khi đến sẽ được bà đắp thuốc vào chỗ xương bị gãy, sau đó dùng nẹp buộc chặt lại, kết hợp với thuốc uống, khoảng 2 đến 3 thang thuốc là có hiệu quả rõ rệt. Trường hợp nếu bị gãy xương nặng thì phải đắp thuốc độ 3 tháng mới liền xương và uống thuốc do bà Trượng bốc cho.

Những trường hợp bị tai nạn xe máy, bị gãy chân tay, hay gãy xương sườn đều được bà chữa khỏi. Bà bảo chỉ duy nhất có gãy xương cổ là không thể chữa khỏi được bởi ở cổ có nhiều  dây thần kinh nhạy cảm, dễ dẫn đến tổn thương do những chất trong thuốc ngấm vào. Để kiểm chứng thông tin về phương thuốc và biệt tài chữa gãy xương của bà Trượng mà lâu nay được người dân truyền miệng, chúng tôi tìm đến nhà anh Ma Ma Zin ở bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Anh Zin cho biết, vào năm 2012, tôi lên rừng chặt cây thì không may cây đè gãy chân, toàn bộ phần xương ống chân bị gãy vỡ vụn. Được nhiều người giới thiệu, người nhà đã đưa tôi đến nhờ bà Trượng chữa giúp. Với bài thuốc vừa đắp, vừa sắc uống, sau 6 tháng tôi đã đứng dậy tập đi được. Bây giờ, tôi đã đi lại và làm việc được bình thường”. Hay như bệnh nhân Lìu Sèo Việt ở Bảo Yên,  bị gãy tay do ngã xe máy nên đã tìm đến nhờ bà Trượng chữa trị. Sau hai tuần Việt được bà Trượng cho đắp và uống thuốc nên cánh bị gãy đã cử động được. Anh Việt cho biết “thuốc của bà Trượng dễ dùng, uống như uống nước chè, vết thương biến chuyển nhanh, không hề có tác dụng phụ.

Bà Trượng bắt mạch, đắp thuốc cho bệnh nhân bị gãy tay

Những trường hợp người bị gãy xương dập nát, bà sẽ tư vấn lên bệnh viện để băng bó lại. Sau đó quay trở lại bà sẽ bốc thuốc uống hỗ trợ để xương liền nhanh.

Không chỉ chữa được nối xương, thuốc của bà có thể chữa được bệnh cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Bà bảo những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến đây đều được bà cho thuốc. Để có được bài thuốc chữa hiếm muộn, việc đầu tiên là phải biết được tên tuổi của hai vợ chồng thì mới lên rừng tìm thuốc được. Thuốc chữa hiếm muộn được dùng để sắc uống và kết hợp với các biện pháp sinh lý của con người.

Như để minh chứng cho những gì mình nói là sự thật, bà Trượng mang ra một cuốn sổ nhỏ ghi chép những ca hiếm muộn mà bà chữa thành công. Đáng chú ý là trường hợp cặp vợ chồng ở Hà Quảng Cao Bằng, lấy nhau đến 7 năm nhưng không có con. Uống thuốc, chữa trị ở nhiều nơi nhưng vẫn không được. Khi dùng thuốc của bà thì đã sinh được con. Giờ họ nhận làm con nuôi. Cứ vào dịp lễ, tết là họ lại xuống đây thăm bà. Đối với trường hợp vô sinh, thường thì uống độ một đến 3 thang thuốc, nếu những ai có khả năng sinh con thì sau khi uống thuốc độ 2 tháng sẽ có chuyển biến rõ rệt. Với thuốc chữa vô sinh thì không cần kiêng cữ gì cả.

Mấy chục năm chữa bệnh, bà đã mang lại tiếng cười, niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân khắp các nơi. Khách chủ yếu là những người ở thành phố Lào Cai, Yên Bái. Mấy năm trở lại đây, lượng khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng… tìm đến nhiều.

Cuộc sống trong cái xóm nhỏ vẫn còn lắm những khó khăn, thiếu thốn nhưng bà Trượng không hề có một chút tham vọng tiền bạc cho bản thân mình. Đổi lại bao công sức từng ngày bà mò mẫm từ sáng sớm tinh mơ trong rừng sâu đầy dẫy hiểm nguy thì mỗi thang thuốc của bà chỉ vài chục nghìn đồng. Bà Trượng tâm niệm, làm nghề bốc thuốc phải có cái tâm cứu người thì nghề mới bền, thuốc mới linh nghiệm. Không được tham tiền của. Chữa bệnh cứu người là để phúc cho con cháu sau này.

Theo ông Hoàng Công Đơn, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên: “Bà Trượng được thừa hưởng bài thuốc gia truyền từ đời trước. Tuy không có giấy phép hành nghề nhưng thuốc của bà chủ yếu là lá cây rừng, đã chữa khỏi cho rất nhiều người và cũng không gây tác dụng phụ cho bất cứ ai”.

H. Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc