Chuyện V-League tiêu tiền: Chẳng giống ai!

07:40 | 14/04/2012

522 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuần trước, cầu thủ Tập đoàn Cao su Đồng Tháp (TĐCS Đồng Tháp) vừa từ chối 100 triệu đồng mà lãnh đội thưởng cho trận hòa kiên cường trước Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Con số trên đâu nhỏ, thậm chí nếu trên dưới chỉ 20 con người chia nhau, cũng xêm xêm cả tháng lương một người lao động bình thường trong xã hội ấy chứ? Vậy do đâu một CLB nổi tiếng nghèo ở xứ bưng biền lại làm reo, để đến mức chê cả tiền như thế?

Thưởng ít, không nhận còn hơn

“Tụi này nghèo thiệt, nhưng chẳng đến nỗi phải chấp nhận phận bọt bèo đâu bạn”, một tiền vệ khoác áo TĐCS Đồng Tháp nói. “Tụi này xả thân vì màu cờ sắc áo, hơn 1 vạn khán giả có mặt hôm đó trên sân Cao Lãnh đều thấy cả. Có ai rệu rã, bán độ đâu mà lãnh đạo nghĩ sao thưởng chi vậy trời?! Đấy là tui chưa kể barem đội đưa ra từ đầu mùa, một trận hòa tối thiểu cũng phải 150 triệu đồng rồi!”. Trong bức xúc, tiền vệ trên còn đặt ngược lại dấu hỏi, nếu anh em cứ nhắm mắt ký thì 50 triệu còn lại sẽ “trôi” vào túi ai?

Các học trò ông Trang Văn Thành đã không nhận số tiền trên, bởi họ cho rằng, 100 triệu đồng không xứng với công sức mà các cầu thủ đã bỏ ra, khi HAGL cũng được đánh giá là đội bóng có máu mặt ở V-League. Từ chối không nhận 100 triệu đồng, các cầu thủ Cao su Đồng Tháp cũng tuyên bố sẽ không có tỉ số hòa cho Cao su Đồng Tháp trong chặng đường tới, mà chỉ có thắng (nhiều tiền thưởng) hoặc thua cho đỡ phải ấm ức vì 100 triệu đồng như hôm nay.

Theo barem phổ biến, một khoản thưởng sẽ được chia làm 3 mức. Mức 1 gồm 11 vị trí xuất phát, HLV trưởng và 3 cầu thủ vào thay người lập công đặc biệt (chuyền bóng thành bàn, tự mình ghi bàn, chơi xuất sắc…), chiếm 50% số tiền thưởng. Mức 2 là những cầu thủ dự bị và các trợ lý HLV (35% tiền thưởng); trong khi mức 3 là những cầu thủ không được đăng ký thi đấu, phải ngồi trên khán đài (15%).

Trao đổi với Báo Năng lượng Mới, một thành viên trong Ban Huấn luyện TĐCS Đồng Tháp cho hay, vấn đề là các cầu thủ phải hiểu, đội nhà không có tài trợ mới rơi vào cảnh ăn đong như vậy. Còn tất cả phải coi đây là cuộc chơi, ai không hài lòng xin mời đề đạt nguyện vọng, lãnh đạo sẵn sàng tạo điều kiện để anh em tìm được bến đỗ mới. Theo thông tin có được, nhà tài trợ tập đoàn công nghiệp cao su đã xin thôi không “tham gia” V-League cùng Đồng Tháp từ đầu mùa 2012. Tuy nhiên, vì một vài lý do tế nhị nên cái tên vẫn được giữ lại, với mục đích để lãnh đạo tỉnh tiếp tục thuyết phục tập đoàn này “ở lại” cùng chung tay vực dậy vùng đất từng được coi là cái nôi của bóng đá nội.

Chuyện là vậy, nhưng với người hâm mộ đó luôn là bề nổi xung quanh bức tranh tiêu tiền mà các ông bầu bóng đá vung tay nguệch ngoạc vẽ nên. Vấn đề nằm ở chỗ, các cầu thủ Đồng Tháp nhìn sang đội bạn và khó tránh khỏi sự so sánh về thù lao mà họ lẽ ra có thể được hưởng.

Trò tinh quái và vác tiền đọ nhau

Đi sâu vào chuyện tài chính mới thấy, hóa ra mức thưởng 100-200 triệu đồng cho một trận hòa giờ đã quá “quê”, quá lạc hậu ở V-League. Phải gấp 10 lần như thế mới gọi là hét ra lửa, mới ra tấm ra món và như thế các ông bầu có nói cầu thủ mới… nghe!?

Theo quy chế Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp VPF mới áp cho mùa giải 2012 (và dĩ nhiên cả những mùa sau), mỗi CLB chỉ được thưởng tối đa 500 triệu đồng cho một trận đấu. Quy chế trên xuất phát từ tình trạng “mưa tiền thưởng” ở giai đoạn lượt về mùa trước. V-League 2011, trong nỗ lực giành vé trụ hạng, đội Hải Phòng được hứa hẹn sẽ có tới 10 tỉ đồng tiền thưởng nếu hoàn thành mục tiêu. Thời điểm đó món tiền thưởng khổng lồ này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ giới chuyên gia bóng đá. Đa số cho rằng, việc treo thưởng (trước trận đấu) hoặc chi thưởng quá lớn có thể khiến cầu thủ sinh hư. Ý kiến khác lo ngại, những khoản tiền thưởng quá lớn có thể dẫn tới những trận đấu tiêu cực. Ví dụ chính cầu thủ Hải Phòng chấp nhận “xẻ” 5-7 tỉ trong đó để mua các đội bóng đã thừa điểm, trong khi vẫn ung dung cầm về 3-5 tỉ khi trụ hạng thành công. Đó là sự tinh quái mà bóng đá nội tận dụng không biết mệt mỏi từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, chuyện hạn định tiền thưởng 500 triệu của VPF giờ lại bị nhiều đội bóng phản đối. Giám đốc điều hành đội Hải Phòng, Bùi Đình Hùng tiếp tục nổ phát súng tiên phong khi cho rằng quy định vô lý, mỗi đội bóng có cách tiêu tiền khác nhau tùy thuộc vào khả năng của mình. Thủ môn Hồng Sơn của Hà Nội T&T, chân sút Công Vinh cũng chung nhận định và cho rằng, các ông chủ bóng đá có thể thưởng vượt khung nếu thấy hài lòng với màn trình diễn của “gà nhà”.

Với các đội bóng “nghèo” như Đồng Tháp, Thanh Hóa, Kiên Giang, theo chia sẻ của các ông chủ tịch, không đủ lực để thưởng tới 500 triệu đồng cho một chiến thắng, nên có khung cũng bằng thừa. Nhưng với các đội bóng được gọi là “nhà giàu”, con số 500 triệu đồng mà VPF quy định dường như không tồn tại.

Ninh Bình và Hà Nội T&T là những ví dụ tiêu biểu. Bầu Hiển và bầu Trường thường xuyên chi từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng để khao quân. Hiện tượng đó gây “sốt” trong giới cầu thủ V-League. Cùng ra sân, cùng đổ mồ hôi sôi nước mắt trong 90 phút, nhưng phần thưởng các CLB nhận về lại khác xa nhau. HLV cựu trào Trần Văn Phúc, người từng cầm Bình Dương, Hải Phòng và Thanh Hóa từng bỏ dở công việc của mình vì quá ngán cái cảnh các CLB vác tiền ra… đọ nhau. Bởi thế, câu chuyện cầu thủ TĐCS Đồng Tháp có bùi ngùi và từ chối 100 triệu đồng âu cũng là điều dễ hiểu vào thời điểm hiện tại.

Không chỉ riêng bóng đá Việt Nam, rất nhiều nền bóng đá trên thế giới cũng đang điên đảo vì những dòng tiền đổ về từ các hầu bao không đáy. Thường thì càng sát ngày khép mùa, các bầu càng chi mạnh. Làm thể thao, phải có thành tích mới dễ ăn nói… Mà trớ trêu, có ai bỏ quá tiền đầu tư mà mong “kết quả” chỉ ở mức trung bình?!

Vậy là phải cố, mỗi bầu gồng một tí. Nỗ lực đó cho ra đời một kiểu cách chẳng giống ai của riêng cái giải Vô địch Quốc gia này. Đó là thưởng sau mỗi trận đấu, mà các khoản thưởng nóng còn tăng chóng mặt. Trong bối cảnh đó, chỉ các cầu thủ là hưởng lợi, còn những ông bầu tầm “trung” chỉ biết đấm ngực mà trách mình phận nghèo.

Nuông chiều gây hậu họa

Thế nhưng, mọi việc nhưng thách thức trước mũi bầu Kiên, ông trùm nhà băng đang có chân trong VPF luôn cay cú trước thực trạng của bóng đá Việt Nam – nghiệp dư hưởng lương cao. “Tôi không phản đối việc các ông bầu dùng thật nhiều tiền để đầu tư cho đội bóng. Nhưng các vị nhìn xem, trình độ cầu thủ Việt Nam, tư cách đạo đức, văn hóa, cách đối xử với đồng nghiệp trên sân như thế đã xứng đáng chưa?”, ông Kiên từng nổi tiếng với lần

cướp diễn đàn trong buổi tổng kết V-League 2011. “Bạo lực, ăn vạ, đóng kịch, diễn tuồng… thôi thì đủ cả. Các vị thử nhìn sang Thai-League, giải Vô địch Quốc gia Malaysia, Singapore hay Indonesia có ai làm bóng đá như chúng ta không? Các vị trả lương cho các cầu thủ nội 50-70 thậm chí 100 triệu đồng/tháng mà không biết họ vẫn bán đứng chúng ta khi cần à? Sau trận chung kết SEA Games tại Vientiane năm 2009, trái đất như sụp đổ dưới chân hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam. Nghi án bán độ làm rỉ máu những trái tim yêu bóng đá. Nếu họ có bán độ thì cũng do chúng ta quá nuông chiều họ khi còn ở CLB mà ra!”

Thế mới thấy cái sự tréo ngoe trong cách V-league tiêu tiền, nhỉ?!

Vận động viên lao động một loại hình công việc đặc thù. Tuổi nghề ngắn, trong khi hiệu quả mang tính chất quảng đại họ mang lại đôi khi vượt quá sự kỳ vọng của cả xã hội. Chức Vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển bóng đá Quốc gia nam là một ví dụ. Uy tín của Việt Nam tăng lên mạnh mẽ, cái nhìn quốc tế đối với chúng ta cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, đó là những giá trị không gì sánh được.

Hữu Tùng
Năng lượng Mới số 111, ra ngày 13/4/2012