Xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình:

Chuyên gia Liên Xô và những cái Tết Việt khó quên

10:48 | 08/02/2019

310 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà được xây dựng với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô đã trở thành niềm tự hào của người Việt thế kỷ XX. Trong ký ức của mình, nhiều chuyên gia Liên Xô không thể quên những lần đón Tết Việt Nam ngay trên công trường này.
Chuyên gia Liên Xô và những cái Tết Việt khó quên
Các chuyên gia Liên Xô cùng với kỹ sư Việt Nam trên công trường Thủy điện Hòa Bình.

Những ngày sôi động

Tôi tìm gặp ông Thái Ngụ - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh, người có nhiều thời gian tác nghiệp trên công trình Thủy điện Hòa Bình, nghe ông kể những kỷ niệm làm báo, đặc biệt là việc làm và đời sống của các chuyên gia Liên Xô trên công trình lịch sử này.

Theo ông Thái Ngụ, tại thời điểm gấp rút chuẩn bị ngăn sông Đà đợt 1 (ngày 12/1/1983), có gần 400 chuyên gia Liên Xô thuộc 21 dân tộc trong Liên bang Xô Viết đang sát cánh cùng với hơn 18.000 cán bộ, công nhân Việt Nam trên công trình Thủy điện Hòa Bình. Trong số họ, nhiều người cùng với gia đình của mình đã 10 lần tham gia đón Tết cổ truyền Việt Nam.

Đầu năm 1983, ông Ngụ cùng đoàn công tác đến với công trường, thăm khu nhà tập thể chuyên gia Liên Xô nằm bên sườn núi thơ mộng. Họ đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết. Những người đàn ông Liên Xô lực lưỡng, đa phần đều mặc quần áo bảo hộ lao động (BHLĐ), người vội vã lên xe vào ca, người đang cởi bỏ những bộ đồ BHLĐ lấm lem bùn đất, dầu mỡ sau ca làm việc. Trẻ nhỏ với áo quần đủ sắc màu ùa ra đón người thân trở về sau những giờ lao động căng thẳng trên công trường. Những người phụ nữ Liên Xô, phần nhiều còn rất trẻ tuổi, đang trò chuyện với nhau về việc trang trí lại nhà cửa và chuẩn bị các món ăn ngày Tết.

Nhờ có anh phiên dịch, ông Ngụ hiểu được nội dung câu chuyện mà mấy chị phàn nàn: Thực phẩm tươi sống ở đây nghèo quá, thịt lợn, gà, cá, kể cả rau củ, quả ở Chợ Vồ, nếu không “vồ” nhanh là không có! Khi ấy, ông bật cười, vì cách chơi chữ này chắc là anh phiên dịch sáng tạo ra chứ mấy chị phụ nữ châu Âu, chân ướt chân ráo mới sang Việt Nam với chồng, làm sao kịp hiểu sâu chuyện chữ nghĩa?

Người mà ông Thái Ngụ được tiếp xúc, trò chuyện nhiều nhất là Kỹ sư trưởng địa chất Ctrytrepxki - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Volgagrad. Ông là người thứ 2 trong số 5 kỹ sư Nga có mặt trong Đoàn khảo sát Tổng hợp đầu năm 1972, với nhiệm vụ xác định địa điểm xây dựng công trình thủy điện trên sông Đà. Kỹ sư trưởng địa chất kể: “Một lần, mải theo vết lộ đá trên tuyến công trình, cách Hòa Bình chừng 30 km, tôi và Ivanốp (nay là Tiến sỹ địa chất) đã không để ý đến thời gian, trời tối lúc nào không biết, nên không thể tìm được đường về. Dân quân làng Mõ tưởng là biệt kích Mỹ, dẫn giải chúng tôi về bản. Cũng may, Ivanop nói bập bẹ được vài câu tiếng Việt: “Tôi… Liên Xô… sông Đà”… nên đã được bà con dân bản mở lòng, chào đón, cho ăn uống, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, chờ đến sáng chỉ đường trở về”.

Cũng như kỹ sư trưởng địa chất Ctrytrepxki, chuyên gia khoan - ông Backin đã tham gia Đoàn chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam lấy mẫu đất đá thí nghiệm, tìm lời giải cho vị trí đặt nhà máy. Ông Backin cho biết, công việc lúc ấy của các ông như “những cánh tay thép vươn sâu vào lòng đất”, khó khăn và đầy thách thức. Chính vì vậy, dọc đường đi, ở đâu ông Thái Ngụ cũng bắt gặp tấm biển thông báo thời gian bằng tiếng Việt và tiếng Nga: “Chiến dịch chỉ còn 13 ngày”...

Ký ức hào hùng…

Chuyên gia Liên Xô và những cái Tết Việt khó quên
Thời điểm chặn sông Đà trên công trường Thủy điện Hòa Bình năm 1983.

Sự kiện xảy ra tại Hà Nội vào cuối tháng 12 năm 1990. Thành phố chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Trong những ngày này ở Hà Nội, người ta rỉ tai nhau, đến chiều tối, Thủ đô sẽ có điện từ Hòa Bình và trong những ngày Tết, Hà Nội sẽ lộng lẫy ánh sáng điện. Chuyện này đã được đồn thổi từ lâu, nhưng xem ra thực hư thật khó tin vì Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chưa hoàn thành.

Thực tế, Hà Nội từ lâu đã thiếu điện. Điện trong thành phố rất yếu và không ổn định, người ta vẫn thường gọi là sụt áp.

Những con phố, những công viên được chiếu sáng bằng những ngọn đèn đường lờ mờ và ngay tại trung tâm Thủ đô, tình hình cũng không khá hơn. Thế nhưng, gần 7giờ tối hôm ấy, loa phóng thanh của Thành phố thông báo, từ hôm nay Hà Nội sẽ nhận được điện từ Hòa Bình. “Thành phố của chúng ta - ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói, từ hôm nay sẽ được cung cấp điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Hoan hô!...”. Trong mắt người dân Hà Nội sáng lên niềm tin yêu vô hạn và người ta bắt đầu chúc mừng nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp và hạnh phúc trong năm mới, chúc sức khỏe đến với mọi người, rồi người ta ôm nhau, cả người già và trẻ nhỏ...

Lúc ấy, cánh nhà báo đến từ Liên Xô cũng đã kịp thời ghi nhận không khí Tết khi Hà Nội đón điện từ Hòa Bình. Lúc này, thật vô cùng khó khăn vượt qua dòng người đông như mắc cửi trên phố phường Hà Nội. Nhìn thấy cánh nhà báo đến từ Liên Xô, nhiều người trên phố đã dừng lại và chào hỏi thân mật. Khắp nơi người ta nói: “Việt Nam – Liên Xô - Tình hữu nghị!”.

Giữa đám đông, một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, ông Tố Hữu khi ấy đã nói với Krichevski Leonhid Segreevich – Nhà báo quốc tế gần 15 năm làm việc ở Việt Nam với vai trò là phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Xô Viết: “Chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ buổi chiều hôm nay. Thật là ấn tượng, dường như có hàng nghìn ngôi sao sáng rực trên đầu chúng ta. Rồi năm tháng qua đi, các nhà thơ sẽ có các bài thơ, các họa sỹ sẽ có các tác phẩm của mình về những hình ảnh sinh động trong buổi tối đáng nhớ này… Hãy khắc sâu trong con tim, khối óc chúng ta tên tuổi những người Liên Xô và Việt Nam đã làm hết sức mình với nguồn năng lượng vô tận, tinh thần lao động quên mình đã vượt qua tất cả khó khăn và trở ngại, tạo nên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, cung cấp điện cho đất nước chúng tôi, cho nhân dân chúng tôi hàng thế kỷ”.

Đã lâu rồi, ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình không còn các chuyên gia Xô Viết, thay thế họ là các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật Việt Nam. Một thế hệ mới các cán bộ KHCN và Quản lý ngành Điện lực đã thực sự trưởng thành từ những năm tháng tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Họ được đào tạo không chỉ ở trong nước mà còn từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước Nga. Họ đã quản lý và vận hành rất hiệu quả Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, trong nhiều năm, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng nào.

Dù người Việt Nam ngày càng tin tưởng vào sức mạnh và khả năng của mình, nhưng cũng luôn hiểu rằng, nếu không có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Việt Nam không đủ sức xây dựng công trình như thế. “Sự giúp đỡ của nước Nga trong xây dựng Thủy điện Hòa Bình thật khó mà đo đếm hết được” - nhiều lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc đi nhắc lại như vậy và nhấn mạnh rằng, chỉ có những người Việt Nam mới hiểu hết giá trị của sự giúp đỡ to lớn này. Người Việt Nam ghi nhớ về công lao của các chuyên gia Liên Xô đối với việc xây dựng công trình vĩ đại này cũng như tình hữu nghị truyền thống của nhân dân hai nước.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Công ty Thuỷ điện Hoà Bình - 30 năm gọi sáng trên sông Đà!
Bảo vệ hành lang hồ chứa thủy điện: Đổi thay ở Hiền Lương
Chuyện cắt lũ ở Thủy điện Hòa Bình

  • el-2024