Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 3)

07:00 | 20/07/2013

1,780 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 18/9/2007, PV Drilling đặt mũi khoan đầu tiên xuống nền cát sa mạc Sahara, mở đầu công cuộc “bới cát tìm dầu” của những người thợ dầu khí Việt Nam ở quốc gia Bắc Phi này.

Phóng sự "Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa”" của nhà báo Nguyễn Như Phong (Chi hội nhà báo Báo Năng lượng Mới) giành B giải Báo chí Quốc gia năm 2013.

Phóng sự ghi lại công cuộc khai thác dầu mỏ làm giàu cho đất nước ở sa mạc Sahara của các kỹ sư Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).

Chuyện "bới cát" tìm dầu ở "sa mạc lửa"Chuyện "bới cát" tìm dầu ở "sa mạc lửa"

***

Ngày 18/9/2007, PV Drilling đặt mũi khoan đầu tiên xuống nền cát sa mạc Sahara, mở đầu công cuộc “bới cát tìm dầu” của những người thợ dầu khí Việt Nam ở quốc gia Bắc Phi này.

“Ôn cố tri tân” - ôn lại chuyện cũ để biết được giá trị của chuyện mới. Nhân dịp này, tròn 10 năm những người lính PVN “mang chuông sang đánh” ở sa mạc Sahara, cũng nên nói thêm về Dự án Algeria để bạn đọc hiểu thêm về tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo ngành Dầu khí ngày ấy.

Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đã tính toán được cơ bản trữ lượng dầu khí ở Việt Nam - nhất là trên vùng biển chủ quyền của ta. Để đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế của đất nước, cần phải có một kế hoạch mang tính chiến lược là phải vươn ra thế giới. Cho đến ngày hôm nay, mới thấy lãnh đạo Dầu khí ngày ấy đã có tầm nhìn rất xa, nếu không nói là đi trước sự phát triển kinh tế đất nước. Đây là việc cực kỳ khó khăn, bởi ngành Dầu khí của chúng ta còn quá non trẻ. Trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận hành các giàn khoan, chúng ta còn phụ thuộc không ít vào chuyên gia nước ngoài. Trong tình cảnh như vậy mà dám nghĩ tới chuyện vươn ra thế giới thì quả là ngoài sức tưởng tượng của người bình thường. Các đoàn cán bộ dầu khí sang Iraq, Iran để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhưng do những biến động về chính trị nên những kế hoạch ở hai quốc gia này không thành. Nước Nga lúc này thì đang cơn hỗn loạn về nhiều mặt nên cũng không thể trông mong gì… Vậy là lãnh đạo ngành Dầu khí nghĩ tới Algeria. Vào thập niên 70, cũng đã có 17 người của dầu khí Việt Nam sang học tại Algeria. Nhân dân Algeria dành cho các sinh viên Việt Nam điều kiện học tập và thực hành tốt nhất. Còn về tình cảm thì khỏi phải nói, người Algeria quý người Việt Nam cũng như người Cuba quý Việt Nam.

Cán bộ, kỹ sư PVEP và PVD tại Hassi Messaoud

Nhưng việc nào đi việc ấy. Chuyện tình cảm, giúp nhau là việc khác. Còn chuyện về dầu mỏ thì không có chỗ cho “chữ tình”. Và chúng ta phải tham gia đấu thầu quốc tế. Ngành Dầu khí Việt Nam phải “chọi nhau” với một loạt các tập đoàn danh tiếng.

Ông Lê Văn Trương, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án ngày đó bồi hồi nhớ lại: “Khi ấy, tôi là Phó giám đốc Kỹ thuật của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC) được giao nhiệm vụ sang thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Algeria. Tôi đã sang Algeria tổng cộng khoảng 15 lần. Có một kỷ niệm tôi không thể nào quên, ấy là việc tôi được anh Trần Ngọc Cảnh cử sang Algeria, mang theo bản chào thầu. Tại cuộc đấu thầu quốc tế, chúng ta đã thắng một cách vinh quang. Phía lãnh đạo ngành năng lượng Algeria cũng rất vui, vì họ thấy Việt Nam không chỉ biết thắng Pháp, thắng Mỹ mà còn biết thắng cả trong… đấu thầu quốc tế. Vào một ngày cuối năm 2002, đúng ngày Chủ nhật. Tôi đang đi thi lấy giấy phép lái ôtô thì anh Trần Ngọc Cảnh gọi điện thoại và lệnh cho tôi phải sang Algeria gấp. Và lãnh đạo cử tôi đi… ký hợp đồng? Tôi băn khoăn hỏi lại: “Nhưng dự án đã được Thủ tướng ký cho phép đâu?”. Anh Cảnh tự tin nói: “Anh cứ đi ký. Còn chúng tôi ở nhà sẽ xin được giấy phép của Thủ tướng trong 2 ngày nữa”. Vậy là tôi sang Algeria để thay mặt lãnh đạo Tổng cục Dầu khí Việt Nam ký hợp đồng - đây là hợp đồng đầu tiên của ngành Dầu khí tại nước ngoài. Tại buổi lễ ký hợp đồng, ngoài Việt Nam ra còn có 7 công ty dầu khí khác của Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Họ cũng thắng thầu trong một số dự án khác. Đoàn Dầu khí Việt Nam được mời ký đầu tiên và là đoàn duy nhất được mời phát biểu. Các bạn Algeria rất tự hào vì thấy Việt Nam đã thắng…”.

Sau này, dự án tại Algeria cũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã tới thăm, động viên anh em dầu khí tại Algeria.

Có một đơn vị luôn sát cánh với anh em dầu khí, thậm chí chia sẻ với anh em từng chỗ ngủ, từng bát cơm, chai nước chính là Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria. Không chỉ giúp anh em gây dựng mối quan hệ với các cơ quan hữu quan của Algeria mà ngôi nhà của sứ quán Việt Nam tại thủ đô Alger còn là mái nhà thứ hai của anh em dầu khí. Anh em đi xa về gần, nhiều khi tiền hết lại chạy vào sứ quán kiếm miếng cơm… Thế cho nên mới có chuyện là ông Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Algeria ngày ấy, nắm lịch hoạt động của anh em dầu khí rất chắc. Hôm nào biết anh em đi xa sẽ về là ông dặn người nấu ăn phải nấu dư ra, để anh em dầu khí về có cái mà ăn. Còn anh em ta cũng thích về ăn ở sứ quán, vì thứ nhất là vui, ấm áp, thứ hai là có món mang hương vị quê nhà.

Khu nhà ở của anh em Việt Nam tại giàn khoan PVD-11

Các cụ xưa có câu nói “Vạn sự khởi đầu nan” thật chẳng sai. Mũi khoan thứ nhất được dành cho vị trí “đẹp nhất” đã thất bại hoàn toàn. Ông Lê Văn Trương - người lính PVN đầu tiên cầm bản chào thầu sang Algeria và là người được ủy quyền ký hợp đồng sau khi thắng thầu quốc tế - kể lại trong buổi gặp mặt các cán bộ, công nhân viên từng công tác tại Algeria, nhân kỷ niệm 10 năm dự án đi vào hoạt động tối ngày 12-7: “Khoan xong lỗ khoan thứ nhất, chỉ có nước… lã. Chúng tôi cảm thấy đất trời như sụp đổ. Hơn chục triệu đôla cho một mũi khoan mất toi. Vẫn biết nghề thăm dò dầu khí là phải luôn luôn đối mặt với rủi ro và ngành Dầu khí là ngành chịu rủi ro nhiều hơn bất cứ ngành nghề nào… Nhưng với chúng tôi, điều này thật đau đớn. Lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người”, lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam thắng trong một cuộc đấu thầu quốc tế, chúng ta phải “chọi nhau” với những công ty dầu mỏ danh tiếng… và chúng ta đã thắng một cách quang minh chính đại, không cần sự trợ giúp về chính trị. Vậy mà giếng khoan đầu tiên thất bại… Trong những phút như thế, thật may cho anh em chúng tôi là anh Trần Ngọc Cảnh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), rồi các anh Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Quốc Thập đã luôn động viên chúng tôi. Mà không chỉ động viên xuông, các anh cũng ngày đêm cùng chúng tôi tính toán, xem xét lại tất cả mọi yếu tố địa lý, địa vật lý… để quyết định cho mũi khoan thứ hai. Và thật bất ngờ, mũi khoan thứ hai cho dòng dầu vượt xa mọi tính toán ban đầu.

Còn anh Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc PVN - khi ấy là Trưởng ban Quản lý Dự án tại Algeria nhớ lại: “Mũi khoan đầu không thấy dầu, quả thực là chúng tôi cực kỳ lo lắng. Tất cả cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Dầu khí ngày ấy ngày đêm tính toán, suy nghĩ và chọn một địa điểm khoan thăm dò mới. Và trời đã không phụ lòng anh em chúng tôi. Mũi khoan thứ hai đã cho dòng dầu với sản lượng gấp 3 lần dự tính”.

Suốt từ năm 2007 cho tới nay (mặc dù có thời gian giàn khoan không hoạt động bởi những hoàn cảnh bất khả kháng), giàn khoan luôn đảm bảo an toàn và có hiệu suất rất cao. Giàn PVD-11 được công nhận là đạt kỷ lục khoan sâu nhất Algeria, là công ty khoan được đánh giá hoạt động khoan nhanh nhất, xử lý tình huống tốt nhất, vận hành an toàn nhất trong suốt thời gian hoạt động.

Anh Phạm Văn Chuyên và công nhân Algeria

Cũng phải nói thêm rằng, điều kiện địa chất ở Sahara cực kỳ phức tạp. Không nơi nào trên thế giới lại có cấu tạo địa chất oái oăm như ở Sahara. Để đến túi dầu, mũi khoan phải xuyên qua 25 lớp đất, đá, cát, nước, đất sét, đá granis… trên đoạn đường ngót… 4 cây số theo chiều thẳng đứng. Đến độ sâu đó, mũi khoan lại chạy nghiêng đi với góc 700 và “dũi” tiếp 3 cây số nữa. Cát ở đây cũng có dăm loại, còn đá thì cũng có tới 6 loại. Khi khoan xuống độ sâu khoảng 2.000m là gặp một “tầng đá nở”… Nôm na là loại đá này “co giãn” được. Trong nghề khoan, anh em “căm” nhất là vớ phải loại đá này. Cái thứ đá quái quỷ, khi mũi khoan đi qua thì không sao. Nhưng có khi một hoặc vài ngày sau, đá bỗng… nở ra, mút chặt lấy cần khoan. Trong những trường hợp như vậy, nếu không xoay xỏa, nhổ lên được thì chỉ còn có hai cách: Cách thứ nhất là khoan một lỗ khác bên cạnh và khoan nghiêng… Đến vị trí cần khoan bị đá nở giữ lại, thì dùng thiết bị cưa, cắt đi. Làm cách này, nếu có cứu được thì cũng khá tốn kém. Mà con số tiền thường tính là hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đôla. Còn cách thứ hai là: “Khoan ơi, chào mi…” - Bỏ giếng ấy lại, cùng với hàng ngàn mét cần khoan trong đó, đi khoan chỗ khác. Chính vì thế, khi khoan tới tầng đá này, anh em trực ca phải căng mắt ra theo dõi, “dỏng tai” lên mà nghe tiếng máy chạy. Để chống lại hiện tượng “mút cần khoan”, chế độ bơm dung dịch khoan phải được tính toán cực kỳ cẩn thận, không được để một phút không có dung dịch. Và một biện pháp nữa là phải “khoan doa” - nghĩa là khoan xuống rồi rút mũi khoan lên “doa” lại.

Hiện nay, PV Drilling có 5 giàn khoan biển, 1 giàn khoan trên đất liền là PVD-11. Đội quân thợ khoan của PV Drilling cực kỳ thiện thiện chiến và tổng công ty có chế độ quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế rất chuẩn, chính vì thế mà năm 2012, PV Drilling được Tạp chí Tài chính Thế giới của Anh đánh giá là Tổng Công ty khoan tốt nhất châu Á -năm 2011.

Ấy cũng lại có chuyện rằng, tại sao PV Drilling mới có 6 giàn tất cả, mà giàn ở Sahara lại là giàn số…11 và con số này lại viết bằng số thập phân, còn các giàn trên biển lại viết bằng số… La Mã. Ví dụ PV Drilling V? Hỏi ra mới biết có chuyện cũng vui.

Số là khi mua giàn này về và chở sang Algeria, Tổng giám đốc PV Drilling ngày ấy là Đỗ Văn Khạnh, hỏi anh Phạm Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PV Drilling rằng đặt tên giàn như thế nào? Suy nghĩ một lát, anh Dũng nói là theo thông lệ quốc tế, giàn trên biển thì đánh số La Mã, giàn trên đất liền thì đánh số thập phân. Và thường là người ta đánh số bắt đầu từ…100? Nghĩa là giàn đầu tiên, số 1 thì được đánh số 101. Lý do vì sao như vậy thì cũng không rõ? Vậy thì giàn trên đất liền đầu tiên của PV Drilling nên đặt là… PV Drilling 11! Nghe xong, anh Đỗ Văn Khạnh bật cười và đồng ý.

Một góc khoan trường của Việt Nam trên sa mạc Sahara

Hiện nay, giàn đã khoan được 6 giếng và từ nay cho đến tháng 9-2014, giàn phải khoan thêm 7 giếng nữa. Mỗi giếng trung bình có độ sâu thẳng đứng 4.000m và khoan xiên thêm 3.000m nữa. Anh em PV Drilling tại đây tính rằng: Cứ mỗi ngày khoan, chi phí hết khoảng 300.000USD, cho nên khoan nhanh được ngày nào, sớm được giờ nào là tiết kiệm không ít tiền của cho tổng công ty ngày ấy. Giá bình quân của mỗi giếng là trên 10 triệu USD. Chính vì vậy mà những người thợ PV Drilling làm việc ở đây tuy chỉ có 12 người, chia làm 2 kíp, nhưng họ thực sự là một khối gắn kết. Ở họ, không có chỗ cho những tính toán cá nhân, không có chỗ dành cho những riêng tư, mà tất cả chỉ là một mục tiêu cháy bỏng là làm thế nào rút ngắn được thời gian khoan.

Sẽ có rất nhiều người cho rằng, những người thợ dầu khí đi thăm dò, khai thác ở nước ngoài là được hưởng nhiều chế độ ưu đãi và có đồng lương cao ngất ngưởng… Những ai suy nghĩ như vậy, xin đọc những con số này:

Một ngày người thợ khoan phải làm việc một ca 12 tiếng đồng hồ. Cứ 15 ngày làm ca từ 6 đến 18 giờ thì lại đổi sang ca 18 đến 6 giờ. Trong 12 giờ đồng hồ ấy, họ được nghỉ giữa ca 3 lần, mỗi lần 30 phút và được ăn nhẹ. Họ làm việc như vậy không được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, không có ngày lễ, ngày tết.

Bất kể thời tiết như thế nào, kể cả lúc bão cát ập đến, trời đất quay cuồng, tối sầm, cát quất vào mặt rát bỏng, họ vẫn phải có mặt trên giàn khoan. Một cần khoan khi ở độ sâu 3-4km, nếu đang vận hành trơn tru thì mọi việc xem ra có vẻ nhẹ nhàng, nhưng nếu vì bất cứ lý do gì mà mũi khoan phải ngừng chạy dù chỉ 5-10 phút thì chưa biết chừng tai họa sẽ đến.

Họ làm việc 8 tuần liên tục như vậy, rồi lại được về nước nghỉ 4 tuần. Tất nhiên, trong thời gian về nước nghỉ, họ không được hưởng lương như khi đang làm việc ở nước ngoài.

Lương của cán bộ dầu khí Việt Nam làm việc tại Algeria bằng một nửa lương của công nhân Trung Quốc, bằng 1/3 so với công nhân Thái Lan và thấp hơn cả những người lao động tại Algeria. Không những thế, lương của họ lại còn phải nộp 9% cho bảo hiểm xã hội của nước sở tại, rồi lại phải đóng thuế thu nhập… Vậy cho nên, nghe thì tưởng là ghê, nhưng nếu tính bình quân hằng tháng thì con số vài ba chục triệu chẳng thấm vào đâu so với công sức họ phải làm.

Kíp trưởng Đỗ Công Chính

Anh Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng giám đốc PV Drilling, Giám đốc Xí nghiệp Điều hành khoan, người đã từng gắn bó với dự án này từ năm 2003, một người trưởng thành từ thợ quét sơn, cạo gỉ giàn khoan và cũng là người được Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập rèn luyện, đào tạo nói với tôi: “Anh em PV Drilling luôn phải làm việc trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Khắc nghiệt về khí hậu, thời tiết đã đành mà còn phải chịu bao nhiêu gian nan, nguy hiểm và cường độ lao động cực kỳ cao. Những người thợ khoan của PV Drilling đang làm việc tại đây là những người lính cực kỳ thiện chiến và có tinh thần trách nhiệm cao. Anh em ở đây, nếu như chỉ vì “miếng cơm, manh áo” thì chắc chắn sẽ không làm. Bởi có nhiều công ty liên doanh nước ngoài mời chào họ với mức lương và sự đãi ngộ cao hơn nhiều. Nhưng họ vẫn gắn bó, vẫn làm việc với khát vọng của mình. Mỗi người lính PV Drilling như một cầu thủ bóng đá, khi ra sân là tất cả “vì màu cờ, sắc áo”. Cũng phải nói thêm rằng, anh Cường là người đã từng lăn lộn tìm dầu ở Iraq, Iran từ thập niên 90. Anh cũng đã chứng kiến sự hy sinh của một cán bộ Việt Nam trong thời kỳ Iraq bị quân Mỹ tấn công. Anh bảo rằng: “Anh em làm việc ở ngành Dầu khí, đặc biệt là những người thợ khoan không được sinh hoạt như những người bình thường, bởi lẽ tất cả mọi tâm tư, tình cảm, thời gian của họ phải dồn cho công việc quá nhiều. Họ thường xuyên phải xa nhà, thường xuyên phải chịu sự thay đổi về giờ giấc…”.

Nói về chuyện này, tôi chợt nhớ đến chuyện anh Nguyễn Hùng Dũng - Phó tổng giám đốc PVN, nguyên là Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Anh nói rằng, anh thường xuyên phải xa nhà, đến mức khi anh về, câu đầu tiên con gái anh hỏi là: “Bố có được ăn cơm ở nhà với con không?”. Còn anh Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc PVTEX Đình Vũ thì kể chuyện rằng, khi anh về nhà ăn cơm chiều thì thấy con gái dọn mâm cơm ra mà thiếu bát ăn. Anh hỏi con gái là hình như con lấy thiếu bát, cô con gái cười ngượng nghịu và bảo: “Lâu lắm bố không ăn ở nhà. Con quên mất”. Còn đối với anh Nguyễn Xuân Cường, đêm ngày 23-6, khi tôi và anh lên đường sang Algeria, lúc xe đón, tôi thấy anh từ ngõ nhỏ đi ra, vai khoác chiếc balô, tay xách chiếc vali nhỏ và không có ai tiễn. Tôi rất ngạc nhiên, bởi tôi biết chị Thanh, vợ anh là một người ảnh hưởng văn hóa Pháp rất nhiều. Chị từng là phát thanh viên tiếng Pháp, nay là Trưởng đại diện của Air France tại Hà Nội. Người ảnh hưởng văn hóa Pháp thì rất coi trọng những chuyện đưa tiễn, vậy mà anh ra đi “cô đơn”. Khi tôi hỏi, anh thủng thẳng: “Ối giời. Em đi quanh năm, cho nên vợ em cũng quá quen rồi”.

Thế mới biết, những người làm dầu khí phải chịu thiệt thòi về tình cảm như thế nào. Từ hơn chục năm trước, tôi đã nghe nói nhưng chẳng hiểu có thực hay không, rằng tỷ lệ anh em công nhân dầu khí làm việc ở ngoài giàn khoan bị vợ bỏ cao hơn các ngành nghề khác. Nguyên do chủ yếu là cứ phải đi xa nhà.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong (NLM số 240)