Chuyện "bới cát" tìm dầu ở "sa mạc lửa"

07:00 | 12/07/2013

3,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phóng sự "Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa”" của nhà báo Nguyễn Như Phong (Chi hội nhà báo Báo Năng lượng Mới) giành B giải Báo chí Quốc gia năm 2013. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về ngành dầu khí đạt thứ hạng cao trong hệ thống giải báo chí quốc gia.

Phóng sự ghi lại công cuộc khai thác dầu mỏ làm giàu cho đất nước ở sa mạc Sahara của các kỹ sư Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).

Từ nhiều năm nay, không chỉ làm tốt việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng đất, vùng biển Việt Nam, mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam còn chủ động tìm kiếm, thăm dò, khai thác ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là ở vùng cực Bắc xa xôi của nước Nga; là vùng sa mạc Sahara ở Algeria; hay ở rừng rậm Amazon trên lãnh thổ Peru hoặc vùng hoang vu ở Venezuela… Nơi nào cũng là tận cùng của sự gian khổ, sự khắc nghiệt của khí hậu và vô vàn những hiểm nguy khác. PetroTimes xin giới thiệu với bạn đọc cuộc “bới cát tìm dầu” của những người “lính” dầu khí Việt Nam tại “sa mạc lửa” Sahara.

***

8 giờ 15 phút ngày 27/6. Chiếc máy bay 5 chỗ ngồi nhỏ như một món đồ chơi chở chúng tôi bốc lên giời sau khi lấy đà trên đường băng khoảng 300m.

Cao Ngọc Bình, Phó giám đốc Dự án PV Drilling Algeria ngồi bên cạnh người phi công già. Anh có nhiệm vụ “dẫn đường” tới giàn khoan cho phi công. Gọi là “dẫn đường” cho vui, chứ thực ra, Bình chỉ làm nhiệm vụ chỉ giàn khoan cho người phi công thấy và “thuyết khách” để ông cho máy bay lượn vài vòng quanh giàn khoan, tạo điều kiện cho tôi quay phim, chụp ảnh.

Tôi và anh Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PV Drilling), Giám đốc Xí nghiệp Điều hành khoan ngồi phía sau.

Máy bay bay ở độ cao gần 1.000m và với tốc độ 200km/giờ.

Giàn khoan PV Drilling - 11 trên sa mạc Sahara nhìn từ máy bay

Dưới cánh máy bay, sa mạc Sahara mênh mông như biển và cũng nổi sóng như… mặt biển. Chỉ có khác là mặt biển thì xanh và con sóng chuyển động. Còn trên sa mạc, tất cả là một màu vàng nhạt xơ xác, phờ phạc.

Sóng biển thì nhìn thấy sự linh hoạt, sống động và tùy thuộc vào gió.

Còn sóng cát trên sa mạc, nó cũng bò, cũng trườn, nhưng lại rất chậm chạp và cũng tùy vào gió.

Chỗ thì sóng cát cồn lên thành gò và như mặt biển lúc nổi giận.

Nơi thì lại lặng như mặt hồ, buồn tẻ.

Và có chỗ lại gợn sóng vẩy ngói lăn tăn.

Nhưng chỉ người từng ở, từng phải bộ hành, hay “xa… hành” trên sa mạc thì biết rất rõ rằng, qua một trận bão cát, tất cả lại có thể đảo ngược. Thậm chí, hàng chục, hàng trăm cây số đường bị biến mất dưới biển cát.

Thi thoảng lắm mới thấy những màu xanh mờ của bụi cây lá kim trên nền cát.

Và trên biển cát mênh mông ấy, cũng có những vệt đen như chì kẻ, chạy hun hút xuyên sa mạc. Ấy là những con đường, những đường ống dẫn dầu, dẫn khí.

Nếu như bay trên vùng bình nguyên bao la của cực Bắc nước Nga để đến mỏ Nhenhetxki vào mùa hè, thì tất cả là một màu xanh bất tận và nếu mùa đông là tuyết trắng rợn chân trời, thì ở đây - trên sa mạc Sahara - quanh năm là một màu vàng nhợt nhạt.

***

Cũng phải nói thêm một chút về sa mạc Sahara và đất nước Algeria.

Đây là một sa mạc lớn nhất thế giới. Diện tích của sa mạc này rộng gần bằng… nước Mỹ - khoảng hơn 9 triệu cây số vuông. Sa mạc này được bao bọc bởi Đại Tây Dương ở phía tây, dãy núi Atlas và Địa Trung Hải ở phía bắc, Biển Đỏ (Hồng Hải) và Ai Cập ở phía đông; Sudan và thung lũng sông Niger ở phía nam. Ngọn núi cao nhất trong sa mạc là đỉnh núi Emi Koussi với độ cao 3.415m so với mực nước biển.

Ngày xửa ngày xưa, từ hàng triệu năm về trước, sa mạc Sahara là đáy của một vùng biển. Chính vì thế mà cát trên sa mạc nhiễm mặn, không thể dùng làm vật liệu xây dựng được. Và các mạch nước ngầm ở đây cũng nhiễm mặn. Chả thế mà ở thành phố Hassi Messaoud, nước sinh hoạt uống cũng thấy nhàn nhạt. Người dân hầu như chỉ dùng nước này để tắm, giặt, cho gia súc uống, còn con người thì uống nước tinh khiết nhập khẩu.

Ở Algeria, giá nước tinh khiết và giá xăng ngang nhau, khoảng 4.000 đồng Việt Nam cho 1,5 lít nước uống (tất nhiên, đây là giá được Nhà nước bù thêm).

Hầu hết diện tích ở Sahara là không thể canh tác được, ngoại trừ vùng thung lũng sông Nin là có thể trồng được rau và một số ít nơi khác như vùng cao nguyên phía bắc, gần Địa Trung Hải là có thể trồng cây ôliu. Với diện tích tương đương Hoa Kỳ nhưng chỉ có 2,5 triệu người sinh sống trong vùng. Chủ yếu tập trung ở Ai Cập Mauritania, Morocco và Algeria.

Văn phòng Liên doanh GBRS tại thủ đô Alger

Khí hậu Sahara cực kỳ khắc nghiệt và có thể nói là nơi thử thách ý chí của con người. Mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ ban ngày thường xuyên ở ngưỡng từ 45 đến 550C, vào tháng 7, có khi lên tới 580. Nhưng vào mùa đông, ban ngày chỉ hơn hai chục độ, còn ban đêm nhiệt độ có khi xuống dưới 10. Nhưng vào bất cứ mùa nào thì độ ẩm của không khí cũng chỉ quanh quẩn ở mức từ 8 đến 12%. Do độ ẩm thấp như vậy nên rất ít khi thấy người ra mồ hôi. Theo anh em dầu khí Việt Nam sống và làm việc ở đây lâu năm cho biết, hằng năm cũng thấy có vài ba trận mưa rào. Nhưng trận nào lớn lắm thì cũng không quá nửa giờ. Và người dân ở đây hầu như không có thói quen phơi quần áo ngoài sân, không phải lo chống thấm cho trần nhà.

Ở Sahara, nhiệt độ cao như vậy, nhưng chỉ cần đi vào trong nhà, hoặc vào bóng râm là thấy khác hẳn. Hôm trước, ở văn phòng anh em PV Drilling tại Hassi Messaoud, tôi đo nhiệt độ thấy 450C và độ ẩm chỉ có 12%, nhưng thực sự thấy dễ chịu hơn nhiều so với nhiệt độ 35-360C ở Hà Nội. Do khí hậu khô, nên anh em ta làm việc bên này không bao giờ bị mắc các bệnh tai mũi họng, hay cảm cúm.

Sa mạc Sahara nằm cách đường xích đạo của trái đất ở 23027' phía bắc và 23017' phía nam. Nơi đây cả năm chịu sự khống chế của vùng khí hậu áp nhiệt đới cao và vùng gió mùa đông bắc. Gió đông bắc làm giảm khí lưu và gió từ lục địa đến, hơi nước ngưng tụ nên khí hậu ở đây cực kỳ khô hạn. Lượng mưa trung bình hằng năm của khu vực này dưới 100mm, có nơi thậm chí không có một giọt mưa trong nhiều năm. Diện tích khu vực khô hạn của nó đứng hàng thứ nhất toàn cầu. Do lượng mưa ít, lại thêm việc chăn thả và khai khẩn quá độ, sa mạc Sahara không ngừng mở rộng về phía nam.

Khoảng nửa thế kỷ trở lại đây, Sahara đã mở rộng gần bằng với diện tích của Afghanistan (652.000km2). Ở sa mạc, ban ngày mặt trời đỏ rực như thiêu như đốt. Nếu để một quả trứng trên cát, chẳng mấy chốc nó sẽ cho “lòng đào”, nhưng đêm đến thì lại lạnh cắt da cắt thịt, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban đêm và ban ngày từ 15 đến 350C, cao nhất có thể lên tới 38,20C.

Phải biết ơn người Arập bởi chính họ và những con lạc đà của vùng Trung Đông, Trung Á đã chinh phục Sahara. Từ cả ngàn năm trước, những lái buôn Arập đã dệt nên một mạng lưới thương mại xuyên Sahara. Họ vận chuyển muối và vàng từ phía nam Sahara lên phía Bắc Phi. Còn các tiểu vương quốc dọc bờ Địa Trung Hải đã mang hàng hóa và ngựa của họ xuống phía nam Sahara. Và thế là những ốc đảo hiếm hoi đã trở thành nơi dừng chân cho các đoàn lái buôn, rồi dần dà trở thành đô thị.

Hệ thống thương mại này đã tồn tại qua hàng thế kỷ tới khi sự phát triển ở châu Âu và sự phát triển kỹ thuật hàng hải cho phép các con tàu, ban đầu từ Bồ Đào Nha nhưng ngay sau đó là toàn bộ Tây Âu, đi quanh sa mạc và thu thập các nguồn tài nguyên ở Guinea. Từ đó Sahara nhanh chóng lại rơi vào tình trạng bị lãng quên. Nhưng vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi người ta phát hiện ra dầu mỏ, khí đốt ở Sahara trên vùng lãnh thổ của Libya, Algeria và phosphate tại Morocco thì vùng sa mạc này trở nên sôi động hẳn lên. Và dầu mỏ, khí đốt đã làm thay đổi đời sống kinh tế của hai quốc gia Bắc Phi là Libya và Algeria…

Đoàn công tác của PV Drilling chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria

Algeria đứng thứ 7 thế giới về trữ lượng khí tự nhiên, đứng thứ 5 về sản xuất và thứ 4 thế giới về xuất khẩu khí đốt. Về dầu lửa: đứng thứ 15 thế giới về trữ lượng và thứ 12 về xuất khẩu dầu. Ngoài ra có quặng sắt, phosphate, uranium, chì và kẽm. Kinh tế Algeria phụ thuộc phần lớn vào khí đốt. Ngành khí đốt là ngành xương sống của nền kinh tế, luôn chiếm tới 60% thu ngân sách, 30% GDP và trên 97% kim ngạch xuất khẩu. Nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt là nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế tài chính của Algeria trên trường quốc tế và là nguồn ngoại hối đảm bảo cho nhập khẩu thời gian dài (3-4 năm).

Nền kinh tế Algeria là một nền kinh tế nhà nước chiếm vai trò chủ đạo. Những năm gần đây, Chính phủ Algeria đã ngừng tư nhân hóa các doanh nghiệp công, thực thi những biện pháp giảm nhập khẩu và hạn chế sự tham gia của nước ngoài vào hoạt động kinh tế.

Algeria đang thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế ngoài dầu khí, nhiều biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đã được ban hành, trong đó có các biện pháp miễn giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức, ưu tiên cho vay tín dụng với lãi suất thấp...

Algeria đã và đang thực thi các chương trình hỗ trợ tài chính để đẩy mạnh phát triển đất nước. Đó là ba chương trình với kinh phí nhiều tỉ USD từ năm 2001 đến nay:

- Chương trình 2001-2004: 7,34 tỉ USD;

- Chương trình 2005-2009: 150 tỉ USD;

- Chương trình 2010-2014: 286 tỉ USD.

Chương trình 2010-2014 với khoản ngân sách khổng lồ 286 tỉ USD nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó 130 tỉ USD để hoàn thành các công trình đã triển khai từ kế hoạch 5 năm trước và 156 tỉ USD để thực hiện các dự án mới.

Chính sách thương mại và đầu tư với hai biện pháp cơ bản được áp dụng theo Luật Tài chính bổ sung 2009 vẫn được duy trì, đó là thanh toán hàng nhập khẩu 100% bằng L/C và tỷ lệ góp vốn 51/49% trong đầu tư liên doanh tại Algeria của người nước ngoài.

Nhờ giá dầu thế giới tăng cao trong những năm gần đây, Algeria xuất khẩu chủ yếu là dầu khí nên kim ngạch xuất tăng đáng kể. Algeria liên tục xuất siêu.

Algeria là một thị trường tiêu thụ lớn. Nhu cầu nhập khẩu hiện nay khoảng trên 50 tỉ USD/năm. Trong đó, thực phẩm nhập khẩu chiếm 20%, hàng tiêu dùng 20%. Cho nên điều dễ nhận thấy là ở Algeria, giá lương thực, thực phẩm khá rẻ. Giá thịt bò, thịt gà, thịt cừu, trứng, sữa… chỉ bằng một phần ba Việt Nam, xăng dầu thì càng rẻ, giá điện cũng vậy… Do được nhà nước trợ giá, nên nhiều thứ rẻ như cho. Cũng phải thôi, bình quân đầu người ở Algeria là gần 5 ngàn rưỡi đôla một năm kia mà.

Một bến cảng tại Alger

Với Việt Nam, từ lâu nhân dân Algeria luôn dành cho chúng ta tình cảm đặc biệt. Người Algeria luôn nói rằng, nhờ có chiến thắng Điện Biên Phủ nên đã tạo sức mạnh cho họ vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Algeria dành cho Việt Nam nhiều sự ủng hộ quý báu cả về vật chất và tinh thần. Cũng phải nói thêm rằng, không ít cán bộ kỹ thuật của ngành Dầu khí Việt Nam đã được đào tạo ở Algeria.

Trong vài năm trở lại đây, quan hệ thương mại hai nước cũng phát triển khá hơn. Theo số liệu thống kê của hải quan Algeria, năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đã vượt qua ngưỡng 100 triệu USD và năm 2012 đã vượt 200 triệu USD. Tỷ trọng hàng xuất của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu hằng năm của Algeria còn thấp (chỉ khoảng 0,45%). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ta là: cà phê, gạo, máy móc thiết bị, thủy sản, giày dép, hạt tiêu, dừa sấy, vật liệu xây dựng. Tiềm năng xuất khẩu cho hàng Việt Nam vào thị trường Algeria còn rất lớn.

Năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria có triển vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan. Quý I/2013 kim ngạch đạt 63.362.896USD, tăng 18,42% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó Việt Nam xuất siêu 100%.

***

Sau 40 phút bay, chúng tôi đã nhìn thấy giàn khoan nổi lên trên biển cát mênh mông như một kim tự tháp. Chỉ có điều là trên “kim tự tháp” giàn khoan này có lá cờ đỏ sao vàng đang như một đốm lửa trên nền cát vàng sa mạc. Nhìn lá cờ tung bay, trong tôi trào lên một cảm xúc khó tả. Và bỗng tôi nhớ lại lời của anh Bắc, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria, khi trao đổi với chúng tôi: “Sứ quán Việt Nam đánh giá rất cao tinh thần chịu đựng gian khổ, sự kiên nhẫn của anh em Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang có mặt ở sa mạc Sahara. Thực sự, mỗi cán bộ, công nhân dầu khí Việt Nam đang có mặt tại đây là những cán bộ ngoại giao. Họ đã góp phần quan trọng trong việc mang hình ảnh của Việt Nam tới quốc gia ở Bắc Phi này”.

Sau hai vòng lượn quanh giàn khoan, chiếc máy bay ra sân bay cách đó chừng 5 cây số để hạ cánh. Lúc này, trời bỗng nổi bão cát. Bầu trời đang trong veo bỗng mờ đục. Nhìn xuống dưới, gió thổi cát bay như bụi nước. Máy bay rung lắc dữ dội và có lúc như bị gió ấn xuống sa mạc… Nhưng rồi với kinh nghiệm dày dạn bay trên sa mạc, người phi công cũng cho máy bay tiếp đất an toàn.

Cửa máy bay mở, tôi suýt bật ngửa vào trong.

Trời ạ! Tôi có cảm giác như đang đứng sau một chiếc động cơ máy bay phản lực đang nổ máy.

Một bầu không khí khô cong, nóng bỏng cuốn cát thốc vào mặt, khiến tôi không thể nào mở mắt ra được.

Chỉ một loáng, nhổ nước miếng ra cũng thấy màu vàng của cát. Ngoáy lỗ mũi, lỗ tai cũng thấy cát sa mạc mịn như muối tinh.

Phải định thần một lát, tôi mới quay lưng về hướng gió, đi giật lùi ra chỗ có những người lính Algeria đứng bảo vệ. Họ nhanh chóng mở cửa “tống” chúng tôi lên xe. Và hai xe dẫn đầu, một xe khóa đuôi, 12 người lính Algeria hộ tống đưa chúng tôi về giàn khoan.

Từ sau ngày xảy ra vụ khủng bố hồi tháng 1 vừa qua, việc bảo vệ cho người nước ngoài đang thăm dò, khai thác dầu trên sa mạc Sahara được Chính phủ Algeria đặc biệt quan tâm. Anh em của Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) , PV Drilling đang làm việc tại Algeria đi đâu cũng phải có hộ tống. Sự bảo vệ được tiến hành chặt chẽ đến mức anh Phạm Hồng Hải, kỹ sư khoan chính của PVEP phải kêu lên rằng: “Chúng tôi ở đây, chỉ khác tù là không bị… cùm chân mà thôi”. Đúng thật, anh em PVEP ở đây muốn đi đâu, phải xin phép trước… 72 giờ. Muốn ra sân bay về Việt Nam, phải xin phép trước… 5 ngày để phía quân đội bố trí đội hộ tống. Hằng ngày, 19 giờ, họ… điểm danh, như trong trại lính.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 2)

>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 3)

>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 4)

>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 5)