Chuyện anh Ba Dũng và người cứu mạng (Kỳ 2)

07:00 | 10/04/2016

14,076 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau buổi hôm ấy, tôi quyết chí đi tìm ông Tư Kiên - người đã cứu mạng anh Ba. Việc tìm ông Tư Kiên bây giờ chẳng có gì khó khăn, vì ông khá nổi tiếng, không chỉ vì là người cứu mạng anh Ba Dũng, mà còn nổi tiếng về nhân cách và có một gia đình rất đáng tự hào. Má ông, bà Nguyễn Thị Hoài sinh được 3 người con, cả 3 người đều đi bộ đội. 2 người đã hy sinh, còn ông Tư Kiên là thương binh hạng 2/4. Bà đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 
chuyen anh ba dung va nguoi cuu mang ky 2 405996 Chuyện anh Ba Dũng và người cứu mạng (Kỳ 1)

Ghi chép của Nguyễn Như Phong

Kỳ 2 - Chuyến vượt sông bằng cối giã gạo!

Một gia đình có Mẹ Việt Nam Anh hùng, có 2 con trai hy sinh trong kháng chiến và 1 con trai được phong Anh hùng LLVT thì quả thực là rất hiếm.

Ngày Chủ nhật, được hẹn trước nên ông Tư Kiên ở nhà đón chúng tôi. Những ngày khác, hầu như ông đi chơi, bởi lẽ đồng đội ông có rất nhiều người là các tướng lĩnh về hưu ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Vậy nên không có mấy ngày là ông không đi dự cưới hỏi, giỗ chạp, thôi nôi, rồi gặp mặt anh em trong đơn vị.

Ông bị thương nên nặng tai, phải nói rất to thì ông mới nghe được.

chuyen anh ba dung va nguoi cuu mang ky 2 405996
Phóng viên Báo điện tử PetroTimes gặp ông Phan Trung Kiên, người cứu mạng anh Ba Dũng.

Trong nhà ông treo rất nhiều ảnh của anh Ba Dũng và gia đình anh, rồi cả những dòng bút tích của anh Ba ghi tặng ông. Khi nhắc đến chiến tranh, ánh mắt đã hơi mờ đục của người cựu chiến binh già bỗng sáng lên. Ông kể lại cho tôi nghe câu chuyện ngày xửa ngày xưa  rất rành rẽ, khúc chiết, thể hiện trí nhớ vẫn còn rất tốt.

Ông đi bộ đội từ năm 1963. Đầu tiên, ông chỉ là lính cứu thương. Sau này, ông mới được bổ sung vào C7 pháo DKZ 75mm thuộc Trung đoàn 1 của mặt trận T3 (tức quân khu 9 sau này). Khoảng giữa năm 1969, ông được cử đi học lớp bác sĩ phẫu thuật của T3. Trong lớp học ấy, có anh Ba Dũng. Ông Tư Kiên cũng chỉ biết loáng thoáng rằng anh Ba Dũng đi làm giao liên từ năm 12 tuổi rồi sau đi học y sĩ.

Lớp được 2 thầy giáo giảng về phẫu thuật, đó là ông Tám Thiện và ông Mười Qua. Đây là 2 người Nam Bộ tập kết ra Bắc học bác sĩ, rồi  quay lại chiến trường. Ông Kiên kể lại, ngày ấy, sau những giờ học lý thuyết, việc thực hành được áp dụng ngay với các thương binh. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cứu chữa thương binh, còn học viên đứng quan sát và thi thoảng được “phụ mổ”. Ông và anh Ba Dũng lắm lúc phải cắn môi đến bật máu để khỏi bật tiếng khóc, khi có những lần cưa chân, tay thương binh mà chỉ có thuốc giảm đau, chứ không có thuốc mê, thuốc gây tê…

Là học viên Quân y, nhưng trong lớp học, ai cũng được trang bị vũ khí. Trong trí nhớ của ông Tư Kiên, anh Ba Dũng là người rất đặc biệt, bởi  Anh rất thích “xài” B40 và dù là đi học, nhưng lúc nào anh cũng mang theo súng B40 và 2 quả đạn. Lý do anh thích “xài” B40 là vì anh cao lớn, rất khỏe nên xách khẩu B40 với 4 quả đạn (tổng cộng khoảng 15kg)… nhẹ nhàng hơn anh em khác? Và quan trọng là đạn B40 rất có uy lực…

chuyen anh ba dung va nguoi cuu mang ky 2 405996

Năm 1970, quân đội Việt Nam cộng hòa mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”. Chúng tung quân và một lực lượng lớn xe lội nước M113, cùng máy bay trực thăng cán gáo HU -1A tấn công vào rừng U Minh. Trước thế địch quá mạnh, một số đơn vị chủ lực của ta ở khu vực rừng U Minh vừa đánh cầm cự, vừa rút dần về phía biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong tình hình ấy, lớp học phải tạm dừng và biên chế thành các tổ chiến đấu. Ông Tư Kiên viết chữ rất xấu, nhiều khi không đọc lại nổi chữ mình viết, cho nên không ôn được bài, vì thế khi kiểm tra, thường là điểm kém. Anh Ba Dũng thì ngược lại, chữ rất đẹp và đều. Vì không đọc lại được bài mình đã ghi nên ông Tư thường bị xếp loại trung bình, còn anh Ba thì học giỏi nhất lớp. Thấy Tư Kiên không đọc được nổi chữ của mình, anh Ba Dũng đã cho ông mượn vở viết của mình. Nhờ được đọc vở viết của anh Ba, ông Tư Kiên học tốt hơn và được xếp loại khá.

Một hôm, chỉ huy phân công anh Ba Dũng và ông Tư Kiên qua sông Cái Tàu (tại đoạn khu vực xã Khánh Lâm huyện Trần Văn Thời hiện nay) đi trinh sát xem quân địch đã tiến đến đâu. Vừa bơi qua sông và di chuyển khoảng 1km, hai người gặp địch rất đông, có xe lội nước M113 yểm trợ. Lợi dụng một ụ đất cao, anh Ba và ông Tư bò lên xem. Chỉ cách đó chưa đến 100m, bọn địch đang túm tụm bàn bạc, xem xét cái gì đó, xung quanh đó là 5 tên cầm máy truyền tin PRC25. Theo kinh nghiệm, anh Ba đoán đây là nhóm sĩ quan chỉ huy.

Anh Ba bàn với ông Tư: “Bây giờ tao bắn B40, rồi mày xả súng tiếp”. Nhìn kỹ một hồi, thấy chúng đang xem bản đồ, anh Ba nện một quả B40 vào giữa đám. Tiếp đó, ông Tư Kiên xả gần hết một băng AK vào đám lính đang nhốn nháo. Thấy một chiếc xe M113 hùng hổ lao đến, còn 1 trái B40, anh Ba phóng tiếp làm chiếc xe khựng lại, bọn lính bỏ chạy tán loạn.

Hai người rút chạy về phía sông Cái Tàu. Trên đường rút chạy, hai người bị bọn địch nã cối cá nhân đuổi theo. Đến cách bờ sông chừng 200m, một trái cối M79 nổ ngay trước mặt anh Ba. Ông Tư Kiên hoảng hồn khi thấy anh Ba khụyu xuống, chân phải nát bươm, trên người chỗ nào cũng có máu vì những mảnh đạn li ti găm vào. Ông Tư xé băng, buộc cầm máu cho anh Ba rồi dìu đến bờ sông.  

Nhìn sông Cái Tàu, lúc thường thì bơi chỉ dăm phút là sang bờ, bây giờ sao thấy mênh mông quá. Anh Ba bảo Tư Kiên: “Tao không bơi được nữa đâu. Mày qua sông, về đi. Để súng đây, tao sẽ chặn chúng nó lại”. Ông Tư Kiên không đồng ý: “Chết thì cùng chết. Tao không bỏ mày. Bây giờ mày ôm cổ tao, cùng bơi qua”.

chuyen anh ba dung va nguoi cuu mang ky 2 405996

Nhưng lúc này, anh Ba không nhấc nổi chân nữa, anh giằng lấy khẩu AK trong tay Tư Kiên: “Chân tao không đạp được nữa. Mày cứ qua đi. Để tao chặn chúng nó”.

Nhìn sang bờ sông bên kia, thấy có mấy nếp nhà và vài ba chiếc xuồng bà con kéo nằm nghếch mũi lên bờ, ông Tư Kiên nói với anh Ba: “Mày nằm đây. Tao qua lấy xuồng đưa mày về. Tao không bỏ mày đâu”. Anh Ba Dũng lại bảo: “Đừng có liều. Cứ để tao ở đây… đi đi!”.

Ông Tư Kiên để lại khẩu AK và một băng đạn còn hơn chục viên lại, rồi hối hả bơi qua sông.

Lúc này, đã nghe tiếng bọn địch hò hét đuổi theo. Nhưng rất may là chúng không dám tiến nhanh vì sợ bị phục kích. Chúng thừa biết là chỉ có bộ đội chủ lực mới có B40 cho nên chỉ dám đi lò dò từng bước và bắn loạn xạ. Anh Ba Dũng lúc này đã lết ra được sát mép bờ sông và chọn được một vị trí ẩn ấp khá kín, nhưng lại có tầm quan sát. Thấy bọn địch còn cách đến gần nửa cây số… Anh liền đếm lại số đạn trong băng – còn 14 viên.

Ông Tư Kiên bơi qua sông, định lấy một chiếc xuồng mang sang cứu anh Ba, nhưng chợt nghĩ sẽ lộ, máy bay trực thăng ập đến thì chạy không kịp. Ông chạy vào một nhà không có người. Và khi vào bếp thì ông nhìn thấy một cối giã gạo khoét bằng thân cây mù u, đường kính miệng cối khoảng 80cm, sâu đến 60cm. Thế là ông nảy ra ý định dùng chiếc cối làm thuyền. Nghĩ sao làm vậy, ông vội vàng đẩy chiếc cối và bơi qua sông. Lúc này, bọn địch chỉ còn cách 200m.

Sang đến bờ bên kia, ông nhanh chóng bế anh Ba đặt vào miệng cối, chân và đầu thò ra ngoài, rồi lấy lục bình phủ kín lên và đẩy trôi xuôi theo dòng nước. Ông không dám bơi ngang vì sợ lộ, nên bơi trôi xuôi theo dòng nước mấy trăm mét, rồi mới rẽ ngang sang bên kia bờ.

Hai người sang đến bên kia sông thì bọn địch đã đuổi tới bờ sông và đang đứng chỉ trỏ bên này. Ông Tư Kiên thấy bọn địch vẫn trong tầm bắn của tiểu liên AK nên bảo: “Mày nằm đây, tao đi kiếm thêm mấy thằng nữa”. Anh Ba vội bảo: “Chạy đi, nó kêu trực thăng tới bây giờ đấy". Tư Kiên nghe ra và dìu anh Ba rút vào trong rừng dừa…

Quả nhiên, chỉ mấy phút sau, một đàn trực thăng HU-1A kéo đến và bắn nát hai bên bờ sông…

(Còn tiếp)

N.N.P

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps