Chúng ta cùng… ngây thơ!

18:50 | 12/10/2021

164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cu Huy sang năm là vào lớp Một. Nó trông rất khôi ngô mỗi tội là hay nghịch phá đồ chơi và hậu đậu, hay làm rơi vỡ khiến bố mẹ nó nhiều phen ngượng ngùng với khách đến chơi nhà.

“Choang…”

- Huy, giời ơi, tại sao con lại hậu đậu thế hả? Đưa cái tay đây…

Cu Huy rụt cái tay bé nhỏ lại sau khi bị đôi đũa mẹ nó đang cầm vụt vào tay. Lần nào cũng thế, không biết nó còn thấy đau để mà sợ, để mà nhớ không nữa. Nó cứ trân trân nhìn xuống đống mảnh vỡ trên sàn. Thấy con tần ngần như thế, mẹ nó dạy dỗ thêm:

- Đấy, vỡ rồi có thấy tiếc không? Lần sau còn đánh vỡ nữa không hả?

Nó không nói gì đưa tay với lấy những mảnh vỡ. Ngay tức khắc mẹ nó lao tới ngăn lại:

- Dừng lại! Không đứt tay bây giờ.

“Đứt tay” à.. đúng rồi.. có lần nó đã chạm vào thứ lóng lánh đó rồi một thứ nước đo đỏ từ ngón tay chảy ra. Vết cắt do thủy tinh quá ngọt nên đến khi ngắm nhìn cái màu đỏ đó, nó bắt đầu thấy đau... đúng rồi... rất đau… Rồi mẹ nó bảo nó bị “đứt tay” và lấy cái "gô gô" gì đó dán lại để khỏi chảy cái nước đỏ gọi là máu, nhưng vẫn đau lắm. Nhớ lại, nó thấy sợ và rụt tay lại.

Đấy là lý do tại sao hôm nay tôi đến chơi nhà cậu em và được mời uống nước với một cái ly bằng phíp. Nhà có trẻ nhỏ mà, tôi nghĩ rằng mình cũng hiểu và đồng cảm. Nhưng hình như có điều gì đó khác thường, bộ tách pha trà, bát ăn cơm mà cô em tôi đang sắp mâm trên bàn ăn thì vẫn dùng đồ sứ. Thắc mắc, tôi cười và hỏi:

- Cu con nhà chú nó vẫn tha cho bộ tách trà này hả?

- Dạ, cháu bác nó nướng nhiều đồ lắm rồi, nhưng may cái này thì không đụng ạ.

Mấy câu đùa bâng quơ nữa nhưng tôi không để ý vì đang chuẩn bị cho một chuyến du hành vào thế giới trẻ thơ. Thế giới ấy ta đã từng đi qua nhưng nghèo nàn hơn lớp trẻ em bây giờ rất nhiều, rất ít phim hoạt hình, lại càng không có game và máy tính bảng. Tôi tính sau bữa cơm gia đình sẽ trò chuyện với cu Huy nhưng mọi việc đã diễn ra nhanh hơn tôi tưởng. Sau khi ngồi vào bàn ăn, tôi thấy cu Huy xem người lớn chạm ly rượu vang leng keng, ánh mắt nó sáng lên. Khi thấy tôi đã cạn ly, nó rời khỏi chỗ ngồi mon men đến chỗ tôi, nó nhìn tôi như xin phép điều gì đó rồi với lấy cái ly của tôi.

- Huy! Mẹ bảo bao nhiêu lần rồi…. - cô em tôi căng thẳng, thảng thốt.

- Khoan! - Tôi cười và xua tay.

Khi thấy cu Huy giơ cái ly lên và nhìn chằm chằm vào đó như cả thế giới này không còn ai vậy. Tôi quay lại nói khẽ với cô em:

- Coi như mất thêm một cái ly đi, để bác cháu anh nói chuyện với nhau.

Tôi còn chưa dứt lời thì “choang…”. Có vẻ cu Huy không phải đánh rơi mà nó cố tình thả tay ra cho cái ly tội nghiệp rơi xuống vỡ vụn. Khi đủ bình tĩnh để quan sát, lúc này người lớn như tôi hay bố mẹ nó cũng đều tự thấy mình thật ngây thơ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra bên trong cái đầu xinh xinh ấy. Tôi với lấy cái ly của cậu em còn chút rượu vang trong đó đưa ra trước mặt cho Huy xem và giảng giải:

- Này Huy, con xem cái ly kia trước khi vỡ nó còn đựng được rượu vang để bác và bố con cùng uống, giờ đã vỡ vụn thế kia rồi làm sao còn đựng đồ uống được nữa.

Cu Huy không để ý đến điều tôi nói, nó chỉ để mắt vào cái ly tiếp theo và đưa tay nắm lấy tay cầm ly của tôi rồi xoay. Tôi cũng chiều theo ý nó và rượu vang đổ ra sàn nhà lênh láng. Trong khi bố mẹ nó tròn mắt nhìn hai bác cháu thì nó nhìn tôi cười rồi chỉ vào cái ly:

- Ông sao…!

- Tôi giật mình. Giàn đèn LED quanh trần nhà phản chiếu vào cái ly pha-lê đã rỗng trong veo nhìn đúng là những vì sao lung linh đẹp thật. Cảm thấy có người hưởng ứng, cu Huy phấn chấn kéo tôi ra ngoài ban công chỉ lên trời với cái mặt siêu dễ thương, nó hào hứng:

- Bác biết ông sao không? Ở rất xa, trên kia kìa….

- Ừ.. bây giờ bác mới biết đấy… Tôi hiểu rằng tôi đang bước vào thế giới trẻ thơ mà trong đó tôi là kẻ mới đến, hết sức ngây thơ và cần được dạy dỗ.

Huy muốn mang một ông sao về chơi nhưng phải có tàu vũ trụ cơ – nó cứ nhìn đăm đắm lên bầu trời sao thăm thẳm với vẻ mặt của ông cụ non – Nhưng bây giờ trong nhà Huy cũng có ông sao rồi.

Không để cho tôi qua cơn xúc động, ngỡ ngàng, cu Huy lại kéo tôi về bàn ăn và cầm cái ly lên giảng giải:

- Ông sao bị đựng trong này, Huy đổ ra ngoài rồi kia kìa – nó chỉ xuống sàn nhà, nơi những mảnh vỡ đèn chiếu vào lấp lánh – mà mẹ cấm không cho lấy vì Huy đứt tay.

- À… mà Huy đứt tay rồi sao vẫn cố để lấy ông sao vậy? – Tôi cố tìm cách khuyên giải.

Không, Huy muốn lấy lần này sẽ không đứt tay đâu.

- À… Huy xem này – tôi đỡ lấy cái ly – Trong này là những ông sao bé tí, chỉ trông giống ông sao trên trời thôi, bác thấy không to bằng đâu.

Không chỉ có cu Huy đang nhìn tôi đầy khó hiểu mà cả bố mẹ nó đang há hốc theo dõi hai bác cháu nói chuyện. Tôi ân cần thuyết phục thêm:

- Huy thấy cái máy bay ở sân bay chưa? Nó rất to, bao nhiêu người chui được vào trong thế mà bay lên trời thì trông bé tí tẹo. Vậy mà ông sao trên cao hơn chắc phải to hơn ông sao trong cái ly này nhiều chứ?

- Thế thì ông sao phải to bằng quả bóng hả bác? – Cái mặt cụ non vẫn còn thắc mắc.

- Bác mới biết ông sao thôi mà, cũng chỉ suy luận vậy thôi, có thể còn to hơn nữa, về nhà bác sẽ tìm trên mạng để xem ông sao to cỡ nào nhé. Huy có muốn biết không?

- Có, có… Huy muốn biết ông sao to cỡ nào ạ.

- Thế thì mai mốt vào lớp một Huy học chữ, học đọc thật tốt vào rồi từ từ tìm trên mạng nhé. Thôi bây giờ bác nhờ mẹ dọn những ông sao bé này đi nhé. Mình chỉ lấy ông sao to thôi phải không nào? Nhà mình tiếp tục ăn cơm nhỉ?

Cu Huy gật gật về chỗ ngồi. Cô em cũng nhanh nhẹn quét dọn chỗ ly vỡ rồi lấy thêm cái ly mới cho tôi, cả nhà cùng ăn uống vui vẻ, trong khi cu Huy vẫn không rời mắt khỏi mấy cái ly như một thói quen lâu ngày.

Tôi đã từng nghe nói “Trẻ em là nhà khoa học bẩm sinh” chúng luôn muốn khám phá. Đã khám là phải phá, mà người lớn thì chỉ thấy phá chứ ít để tâm xem trẻ muốn khám điều gì. Trong thế giới người lớn, trẻ em rất ngây thơ nhưng ta đâu biết rằng trong thế giới của trẻ nhỏ, những người lớn chúng ta cũng ngây thơ không kém.

Phan Hiệp