Chứng khoán tuần mới (từ 30/12 đến 3/1): Khởi động cho chu kỳ tăng trưởng mới?
Bật mạnh
Kết tuần, chỉ số VNIndex đóng cửa tại 1275.14 điểm, tăng 17.64 điểm (tương đương 1,4%) đi kèm thanh khoản cao. Trên đồ thị tuần, VNIndex hiện đã vượt khỏi điểm pocket pivot của 7 tuần gần nhất, xác nhận sẽ có một sóng tăng lên vùng 1300 điểm.
Dẫn đầu đà tăng phải kể đến nhóm ngân hàng, khi các cổ phiếu lớn nhỏ đều giao dịch khởi sắc. Đặc biệt nhiều cổ phiếu đã bứt phá, chính thức vượt đỉnh mọi thời đại với CTG +7,33%; LPB + 8,4%, STB + 10,49%. Ngoài ra các cổ phiếu TCB, MBB, TPB, HDB cũng có mức tăng rất tốt, từ 2-5%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cơ bản đi ngang, một số mã có mức tăng song không đáng kể. Nhóm thép cũng chủ yếu đi sideway, trừ cổ phiếu SMC hồi phục tuần thứ ba liên tiếp. Tính từ đáy ngắn hạn, cổ phiếu này đã hồi phục hơn 26%.
Dòng Bất động sản đa phần điều chỉnh nhẹ, trong đó cổ phiếu DPG của Đạt Phương và DXG của Đất Xanh giảm mạnh, lần lượt -9% và -12%.
Nhóm Dầu khí có tuần giao dịch khởi sắc khi PVE +14%, PXS +4%, POS +5,5%, CNG +3,3%...
Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chuyên gia tư vấn thuộc Công ty CK VietCap chia sẻ. Các thông tin ảnh hưởng đến thị trường gồm ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB được cho là sẽ hạ lãi suất tiếp tục trong năm 2025 một cách thận trọng. Tại Anh, NHTW nước này đã giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh lạm phát nóng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng giá dịch vụ, cùng với tăng trưởng tiền lương ở mức cao làm cho nước này khó khăn trong lộ trình hạ lãi suất sắp tới.
Bên cạnh đó, bất chấp các lệnh trừng phạt, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Châu Âu bất ngờ tăng vọt từ 18% lên 20% so với năm ngoái. Dù vậy, ngành khí đốt của Nga vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi mà thỏa thuận trung chuyển qua Ucraina sắp hết hạn và chưa được gia hạn.
Ngoài ra, Trung Quốc đang có động thái rút ròng tiền mặt lớn nhất kể từ năm 2014, rút khoảng 1150 tỷ NDT tương ứng 158 tỷ USD khỏi hệ thống tài chính trong tháng 12, nhằm kiểm soát thanh khoản và chuẩn bị cho những bất ổn kinh tế có thể tìm ẩn khi Donald Trump đắc cử.
Trong nước, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm ngoái. Việt Nam có khả năng vượt Banglades, đứng vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu dệt may và chỉ đứng sau Ấn Độ. Tuy nhiên, trong các năm tiếp theo, yêu cầu hàng xuất khẩu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, điều này là thách thức đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo Ngân hàng phát triển Châu Á, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa đáng kể lên tới 24.3 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2024, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện cán cân thanh toán; giải ngân FDI đạt kỷ lục, lên tới 22 tỷ USD trong cùng kỳ. ADB duy trì quan điểm tích cực đối với kinh tế của Việt Nam trong năm tới.
Khởi động sóng lớn?
Cũng theo bà Bích Tuyền, tuần qua, VNindex vẫn đi quanh biên độ 1250 - 1275, thanh khoản cải thiện ở các phiên tăng giá và giữ được hỗ trợ quanh MA200. Nhóm ngân hàng đang là động lực chính giúp giữ đà tăng của chỉ số. Ở kịch bản tích cực, VNindex sẽ có nhịp kiểm định kháng cự 1280 - 1290, nếu lực cầu cải thiện thì đà tăng trong ngắn hạn sẽ tiếp tục và khả năng sẽ thử sức tiếp với mốc 1300. Ngược lại, nếu lực mua yếu và "tụt áp" về cuối ngày thì VNindex sẽ kiểm định lại hỗ trợ 1250 - 1260.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng chia sẻ, tuần trước, thị trường đã có diễn biến bật tăng khá tốt trở lại từ vùng hỗ trợ 1240-1260, với tâm điểm dòng tiền tập trung vào nhóm Ngân hàng. Tuần tăng sau đó đã xóa sạch mức giảm 2 tuần qua, cho tín hiệu kết thúc điều chỉnh
“Tôi cho rằng đây là tín hiệu thị trường quay lại xu hướng tăng từ giữa tháng 11, vì nhịp chỉnh vừa qua không có dấu hiệu bẻ gãy xu hướng, hiệu ứng kéo NAV hay sóng tăng Noel có lẽ chỉ đóng một phần nguyên nhân cho nhịp tăng này. Tôi kỳ vọng sau khi các sự kiện này kết thúc, thị trường có thể sẽ có nhịp chỉnh ngắn trở lại, nếu áp lực bán không mạnh thì sẽ có cơ hội tiếp tục xu hướng tăng để chinh phục 1300 điểm”.
Còn theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS: “Tôi thấy những nhóm cổ phiếu dẫn dắt, nhóm cổ phiếu chủ chốt vẫn có lực cầu mua lên tích cực đi kèm với thanh khoản cao. Nhóm ngân hàng vẫn có những cổ phiếu tăng điểm hoặc thậm chí vượt đỉnh tích lũy và đỉnh mới như TCB, STB hay LPB. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đã ghi nhận lực cầu mua gom tích lũy tích cực cho dù chưa xuất hiện đà tăng giá.”
“Thị trường đang tiếp nối với đà tăng từ cuối giai đoạn tháng 11. Phiên giao dịch ngày 25/12 khá quan trọng khi một lần nữa xác nhận thị trường sẽ tiếp tục bước vào xu hướng đi lên từ nay cho đến giai đoạn tháng 1. Tôi nghĩ có lẽ VN-Index cũng sẽ sớm quay lại khu vực 1280 – 1300 điểm ngay trong tháng Giêng.”
Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO của FinPeace nhấn mạnh, thời gian qua thị trường đi sideway khá lâu, khiến cho đa phần các nhà đầu tư cá nhân chán nản. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức dường như đang âm thầm “gom hàng”. “Với triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2025; đồng thời với quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế cao, trên hai con số của Đảng, Chính phủ; kỳ vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng trong năm 2025 thì đây rất có thể là một sóng “khởi động” cho một chu kỳ tăng trưởng mới kéo dài nhiều năm" - Ông Tuấn Anh khẳng định.
Yên Chi
-
Chứng khoán tuần mới (từ 3/2 đến 7/2): Đầu xuôi đuôi lọt?
-
Nhận diện cơ hội đầu tư 2025: Những nhóm ngành và mã cổ phiếu tiềm năng
-
Vai trò của AI trong Quản lý Năng lượng và Phát triển bền vững
-
Đầu tư năm 2025: Cơ hội và thách thức
-
TS. Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp sẽ đón "làn gió mới" trong cải cách môi trường kinh doanh