Chưa thể bỏ Tết Nguyên đán?

15:37 | 26/02/2016

1,502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều ý kiến cho rằng, tết nguyên đán là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời, không thể thay thế hay bỏ đi được; càng không thể vì chút ít lợi ích kinh tế mà bỏ đi giá trị văn hóa tinh thần của người dân - giá trị vốn rất cần được chăm sóc và nuôi dưỡng.

Sau một cái tết nguyên đán tốn kém, mệt mỏi, các chuyên gia văn hóa học, các nhà xã hội học, kinh tế học lại bàn về chuyện có nên bỏ hoặc gộp tết âm lịch vào chung với tết dương lịch hay không? Rồi nhiều người còn đặt ra vấn đề là ngày nghỉ tết âm lịch hiện nay có quá dài không, có nên rút ngắn lại không?... Tất cả vấn đề này đã tạo nên một cuộc tranh luận khá sôi nổi trên truyền thông và các diễn đàn suốt từ sau tết Bính Thân 2016 đến nay.

chua the bo tet nguyen dan
Chưa thể bỏ Tết Nguyên đán?

Hơn 10 năm trước, người ta đã tổ chức hội thảo để bàn về chuyện nên ăn tết cổ truyền thế nào cho hợp lý rồi. Nhưng kết quả hội thảo ấy dường như chỉ dừng lại ở việc bàn luận chứ chưa ra thực tiễn. Năm 2012, vấn đề “bỏ tết nguyên đán” và chuyển sang nghỉ tết dương lịch đã được GS Võ Tòng Xuân khởi xướng. Tôi nhớ năm đó, một cuộc bàn luận đặc biệt sôi nổi đã diễn ra. Và năm nay, vấn đề đó lại tiếp tục trở thành đề tài mà các chuyên gia đưa ra bàn luận sau tết.

Công bằng mà nói, các ý kiến ủng hộ chuyện bỏ tết nguyên đán, chỉ đón tết dương lịch có lý do chính đáng của họ. Họ cho rằng, khi chỉ nghỉ tết dương lịch, ta sẽ tránh được những chuyện như sụt giảm hiệu quả kinh tế, mất cơ hội sản xuất kinh doanh, tệ nạn xã hội, lãng phí tiền của… Và Nhật Bản chính là bằng chứng hùng hồn nhất mà phía ý kiến này đưa ra dẫn chứng cho lý lẽ của mình. Nhật Bản chỉ nghỉ tết dương lịch và Nhật Bản là quốc gia châu Á giàu nhất thế giới.

Thế nhưng, phía bảo vệ việc duy trì nghỉ tết âm lịch và dương lịch như hiện nay cũng có lý khi họ cho rằng, tết nguyên đán là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời, không thể thay thế hay bỏ đi được. Họ lập luận rằng, không thể vì chút ít lợi ích kinh tế mà bỏ đi giá trị văn hóa tinh thần của người dân, nó vốn cũng rất cần được chăm sóc và nuôi dưỡng.

Cho nên việc nên hay không bỏ tết nguyên đán sẽ là một cuộc tranh luận khó có hồi kết, chưa thể có kết luận thỏa đáng do bên nào cũng có cái đúng, cái hay của mình.

Và thay vì trăn trở chuyện bỏ hay không bỏ tết ta, có luồng ý kiến khác đưa ra vấn đề là nên rút ngắn ngày nghỉ tết nguyên đán lại. Một nhóm khác thì cho rằng, có thể nước ta sẽ tiến tới việc chỉ nghỉ tết dương lịch và bỏ tết âm lịch khi mà điều kiện kinh tế, xã hội, hạ tầng giao thông cho phép; còn bây giờ thì… chưa thể.

Để rộng đường dư luận, Báo Năng lượng Mới đã thực hiện chuyên đề này với sự tham gia bàn luận của các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực, từ nhà nghiên cứu văn hóa đến nhà kinh tế học và tâm lý học.

PGS.TS Phan An (Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ): Ăn tết thế nào cho văn minh, phù hợp?!

Tôi là người nghiên cứu về văn hóa nên rất quý những gì thuộc về truyền thống văn hóa, nhưng truyền thống không phải một thứ bất biến, nó phải có những thay đổi cho phù hợp thời đại.

Hiện tại, về mặt chung thì người ta vẫn còn cần một cái tết âm lịch. Tết không chỉ là để nghỉ ngơi, ăn uống mà tết còn là sinh hoạt văn hóa, nó đáp ứng một nhu cầu văn hóa cho con người, trong đó đáp ứng quan trọng nhất là nhu cầu văn hóa tâm linh. Tết đối với người Việt Nam là ngày quy tụ không chỉ của người sống mà còn của những người đã khuất, chúng ta có tục cúng mời ông bà tổ tiên về đón tết là vậy. Và trong không khí ngày tết đó, người ta sẽ thắp lên những hy vọng cho thời gian sắp tới.

chua the bo tet nguyen dan
PGS.TS Phan An - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ

Tôi nghĩ chúng ta không nên vội để xóa bỏ những giá trị truyền thống của ngày tết âm lịch, mặc dù những truyền thống này chưa chắc đã hoàn toàn phù hợp với sự phát triển, song nó vẫn là nhu cầu đối với người Việt. Do đó, chúng ta phải duy trì tết âm lịch, song song đó có thể có những chuyển đổi để phù hợp hơn.

Và tôi nghĩ, vấn đề cần đặt ra bây giờ không phải là bỏ tết hay không mà là chúng ta phải ăn tết thế nào cho văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển trong thời đại mới; xem việc gì gây cản trở phát triển như rượu chè, tệ nạn xã hội… thì chúng ta phải tìm cách loại bỏ đi.

Còn nếu nói ngày nghỉ tết nguyên đán hiện nay quá dài, làm giảm hiệu quả kinh tế do hoạt động sản xuất kinh doanh bị dừng lại, vì thế người ta yêu cầu rút ngắn ngày nghỉ, tôi cho rằng kết luận đó chưa thỏa đáng. Ở phương Tây, người ta cũng có thời gian nghỉ rất dài như nghỉ hè hoặc nghỉ đông, có khi cả tháng. Thế nên việc hiện nay Việt Nam nghỉ tết ta khoảng một tuần cũng là vừa phải, đó là khoảng thời gian vừa đủ người lao động về nhà chuẩn bị đón tết, vui chơi bên gia đình, bạn bè, thư giãn, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động phục vụ cho chặng đường kế tiếp.

Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ: Tết là ngày đoàn tụ, không thể bỏ!

Người Nhật Bản đã bỏ tết âm lịch, nhưng đó là chuyện của người Nhật, không có nghĩa là người Nhật làm như thế nào thì ta theo y vậy được. Bởi vì trình độ phát triển về xã hội, kinh tế không giống nhau, hành trang để chuẩn bị cho đời sống công nghiệp hóa của người Việt mình vẫn chưa hoàn toàn định hình.

Chúng ta vẫn còn một lối sống tình cảm, vẫn coi trọng lễ nghi, lễ nghĩa và các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ với người thân gia đình… Hơn nữa, bình quân phát triển công nghiệp hiện nay chưa đồng đều, lực lượng công nhân từ nông thôn đến các đô thị lớn để làm việc là rất nhiều, ước tính tới vài triệu người, họ có nhu cầu quay về với gia đình để đoàn tụ, chia sẻ, tương tác với các thành viên trong gia đình. 

chua the bo tet nguyen dan
Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ:

Chính vì vậy, vẫn cần phải có một khoảng không gian và thời gian để họ được tự do, được di chuyển để quay về gia đình. Bạn hãy tưởng tượng đồng bào miền Bắc lập nghiệp trong Nam họ cần quay về lắm chứ. Thế thì 1-2 ngày nghỉ tết dương lịch dành cho họ làm sao đủ?! Người phương Tây cũng nghỉ 7-8 ngày trong tết dương lịch, khá tương đương ngày nghỉ tết truyền thống của mình. Tết truyền thống của mình tính 9 ngày nhưng thực ra chỉ nghỉ 5 ngày, do người ta cộng thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần trước và cuối tuần sau, đó là những ngày đương nhiên phải nghỉ rồi. Tôi nghĩ đó là khoảng thời gian đủ để bà con mình đi xa có thể quay về đoàn tự với dòng họ, gia đình. Vậy tại sao mình cưỡng lại những việc đó?!

Người ta đặt vấn đề là nên nghỉ tết ngắn lại, nhưng nếu nghỉ tết quá ngắn, liệu tàu xe có chuẩn bị được không? Hiện tại nghỉ dài nhưng phương tiện để người ta đi về và trở lại đều quá tải. Khi nào chuẩn bị được tàu xe, người dân mất thời gian ít hơn, sáng nghỉ, trưa đã có thể có mặt ở Hà Nội rồi thì lúc bấy giờ mình có thể rút ngắn lại thời gian nghỉ tết. 

Hiện tại thì tôi vẫn thiên về xu hướng nghỉ 5 ngày chính thức cộng thêm 4 ngày cuối tuần dĩ nhiên được nghỉ. Thời gian nghỉ này không phải là quá dài hay gây phiền toái với hành trang của người Việt Nam. Nhất là trong thời gian cuộc sống ngày càng nhiều bận bịu, thật ra nghỉ bao nhiêu đó người ta cũng không đủ thời gian để sắm sửa lại các vật dụng chuẩn bị đón tết, nghỉ ngơi, du lịch… huống gì là nghỉ ngắn hơn.

Về mặt kinh tế, thật ra chuyện nghỉ tết dài có tác dụng kích thích tiêu dùng. Bạn không thể tưởng tượng được nền kinh tế mậu dịch của Việt Nam lưu chuyển ra sao trong mấy ngày tết đó. Đứng về mặt kinh tế mà nói, khi đồng tiền không lưu thông thì có nghĩa là kinh tế không phát triển. Bao nhiêu công sức người ta dồn hết vào ngày tết, như là sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, bánh kẹo, nước uống… nếu bây giờ bỏ tết ta thì kết quả sẽ ra sao? Về mặt kinh tế là không có lời, rồi đến du lịch, giao thông vận tải cũng vậy. 

Tuy nhiên, rõ ràng về mặt hành chính thì có chút vấn đề, nghỉ dài thì những việc cần xử lý ngay sẽ bị trì hoãn. Vậy ta chỉ cần sắp xếp lại việc xử lý vấn đề hành chính cấp bách trong ngày tết mà thôi, mà hành chính thì không liên quan tới dân. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề về hành chính thì chuyện nghỉ tết dài không là vấn đề.

Kế đến là khi chúng ta nghỉ tết lâu như thế, khách du lịch đến TP HCM thấy trống trơn, bởi khi đó không có ai làm dịch vụ hết, thì cái này cũng dở. Người Thái Lan tưng bừng chào đón khách du lịch trong ngày tết Songkran của họ. Ở đây mình không so sánh cái tết của mình và tết Thái được. Tết của người Việt là cái tết đoàn tụ gia đình, tết người Thái là tết mở ra với cộng đồng, tính chất 2 ngày tết khác nhau. Nhưng mà đứng về mặt kinh tế du lịch thì chúng ta nên suy nghĩ một khía cạnh, đó là về vài trò của các đơn vị như Saigontourist, Viettravel… phải sinh hoạt nhiều hơn, các nơi ăn uống phải hoạt động nhiều hơn để khách nước ngoài đến đây họ không thấy bơ vơ. Có nghĩa là làm sao khi khách đến Việt Nam, họ được chào đón và phục vụ vào ngày tết. 

Tóm lại, trong tương lai đến một lúc nào đó, trình độ phát triển sản xuất xã hội và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã phát triển, người dân không phải mất nhiều thời gian cho việc đi lại thì chúng ta có thể bàn đến chuyện rút ngắn ngày nghỉ tết.

Và chỉ rút ngắn thôi chứ không thể bỏ hay gộp tết dương lịch và âm lịch lại được!

(Còn tiếp...)

Nhóm PV Văn hóa (Thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.