Chu Công phò tá Thành Vương

15:00 | 31/03/2019

3,787 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xây dựng vương triều Chu mới được hai năm, Chu Vũ Vương bị bệnh mất. Con là Cơ Tụng kế thừa vương vị, tức là Chu Thành Vương.

Năm đó, Thành Vương mới mười ba tuổi, vương triều lại mới thành lập, mọi điển chương chế độ chưa kịp xây dựng. Vì vậy, em Chu Vũ Vương là Chu Công Đán, cũng tức là chú ruột của Thành Vương, đã phò tá Thành Vương quản lý công việc quốc gia, thực tế là làm thay quyền thiên tử. Lịch sử thường không gọi tên Chu Công Đán, mà chỉ gọi là Chu Công.

Đất phong của Chu Công ở nước Lỗ, nhưng vì ông phải lưu ở kinh thành để giải quyết chính sự, không thể về đất phong nên khi con ông là Bá Cầm trưởng thành, ông liền cử Bá Cầm thay ông về nước Lỗ làm quốc quân.

chu cong pho ta thanh vuong

Tranh vẽ Chu Công

Khi Bá Cầm lên đường, hỏi cha có gì dặn dò, Chu Công nói: “Ta là con của Văn Vương, là em của Vũ Vương và là chú của đương kim thiên tử, con nói xem địa vị của ta thế nào?”.

Bá Cầm nói: “Tất nhiên là rất cao”.

Chu Công nói: “Đúng như vậy, địa vị của ta rất cao. Nhưng khi ta đang gội đầu, gặp việc cần giải quyết gấp, thì vắt tóc lên tay mà đi làm việc, khi đang ăn cơm, nghe nói có người xin gặp, thì liền nhả cơm ra mà tiếp kiến. Ta làm như vậy, mà vẫn còn sợ nhân tài trong thiên hạ không chịu đến. Con tới nước Lỗ, chẳng qua chỉ là vua một nước chư hầu, nên chớ có kiêu ngạo”.

Chu Công toàn tâm toàn ý phò tá Thành Vương giải quyết việc nước, nhưng các em của ông là Quản Thúc, Thái Thúc ở ngoài lại phao tin, là ông có dã tâm muốn cướp ngôi vua.

Con của Trụ Vương là Vũ Canh, tuy được phong là Ân Hầu, nhưng bị triều Chu giám sát, cảm thấy rất oán giận, chỉ mong triều Chu có nội loạn để thừa cơ giành lại vương vị, liền tư thông với Quản Thúc, Thái Thúc, liên lạc với các quý tộc cũ, xúi giục mấy bộ lạc Đông Di nổi loạn.

chu cong pho ta thanh vuong

Tượng Chu Công phụ chính, phò ấu chúa xây dựng nhà Chu thịnh vượng. Bên trái là tranh vẽ các nhạc khí cung đình và nghi thức lễ nhạc do Chu Công đặt ra, có ảnh hưởng lớn đến các triều đại sau này

Tin đồn đại do Vũ Canh, Quản Thúc… tung ra làm kinh đô Hạo Kinh xôn xao, ngay cả Chiêu Công Thích cũng nghi ngờ Chu Công. Thành Vương còn nhỏ chưa hiểu việc đời, không rõ tin trên là thật hay giả, cũng đâm ra nghi hoặc ông chú là đại thần phò tá của mình.

Chu Công rất buồn, trước hết tâm sự với Chiêu Công Thích, nói ông quyết không có ý khác, mong Chiêu Công Thích nghĩ tới lợi ích chung, chớ nhẹ dạ tin vào lời đồn đại. Chiêu Công Thích cảm động trước lời lẽ thành khẩn của Chu Công, nên xóa bỏ nghi ngờ và hợp tác trở lại với Chu Công. Sau khi làm yên tâm trong nội bộ, Chu Công kiên quyết điều quân đi đông chinh.

Lúc đó, ở phương đông có mấy bộ lạc như Hoài Di, Từ Nhung phối hợp với Vũ Canh chuẩn bị nổi dậy. Chu Công hạ lệnh cho Thái Công Vọng thay quyền mình, được phép đánh dẹp những bộ lạc không phục tòng triều Chu. Như vậy, Thái Công Vọng khống chế phương Đông còn Chu Công đem toàn lực đối phó với Vũ Canh.

chu cong pho ta thanh vuong

Tượng Chu Công

Mất một thời gian ba năm, Chu Công mới dẹp yên cuộc nổi loạn của Vũ Canh, giết chết Vũ Canh. Thấy Vũ Canh thất bại, Quản Thúc không còn mặt mũi nào nhìn thấy em và cháu, liền treo cổ tự sát. Chu Công dẹp loạn xong, liền cách chức Hoắc Thúc và bắt Thái Thúc đi sung quân.

Trong quá trình Chu Công đông chinh, nhiều quý tộc triều Thương bị bắt làm tù binh. Vì chúng chống lại triều Chu, nên bị gọi là “ngoan dân” (dân bướng bỉnh). Chu Công không yên tâm khi thấy chúng ở đất cũ, lại thấy Hạo Kinh ở lệch về phía tây, không tiện khống chế miền đông, liền xây dựng thêm một đô thành ở phía đông, gọi là Lạc Ấp (nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam), điều các “ngoan dân” ở triều Ân tới đó và phái quân đội đến giám sát.

Từ đó về sau, triều Chu có hai đô thành, ở phía tây là Hạo Kinh, còn gọi là Tông Chu, ở phía đông là Lạc Ấp, còn gọi là Thành Chu.

Chu Công phò tá Thành Vương trong bảy năm, đã củng cố được nền thống trị của vương triều Chu. Ông còn định ra một hệ thống điển chương chế độ cho vương triều. Đến khi Thành vương tròn hai mươi tuổi, ông trao trả lại chính quyền cho Thành Vương.

Đời Thành Vương và đời con là Khang Vương, khoảng trong năm mươi năm, là thời kỳ cường thịnh, thống nhất của triều Chu. Lịch sử gọi đó là “Thành Khang chi trị” (thời thịnh trị Thành Vương và Khang Vương).

chu cong pho ta thanh vuong

Sử chép dưới triều này, nước Việt Nam lúc bấy giờ gọi là Việt Thường, sai sứ sang cống chim bạch tử. Chu Công chế xe chỉ nam (nguồn gốc của địa bàn - xem hình) để đưa sứ ta về nước, phòng lạc đường. Đây là một thời cực thịnh của đời nhà Chu mà phần lớn do tài đức của Chu Công xây dựng.

Ngọc Minh (st)