Chống thất thu thuế: Bài toán khó!
Năng lượng Mới số 392
Hơn 4.000 tỉ đồng là số tiền thuế thu được trong công tác thanh, kiểm tra của Cục Thuế TP HCM tại các doanh nghiệp trong năm 2014. Đây là một con số rất lớn cho thấy tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp vẫn phổ biến. Số thanh tra được chỉ phản ánh một phần nổi của thực trạng này. Hàng năm, số vi phạm phát hiện vẫn liên tục gia tăng.
Theo ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, để trốn thuế chuyển nhượng đa số các công ty khai giá bán bằng giá vốn, không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế hoặc kê khai giá bán chỉ nhỉnh hơn giá vốn một chút, lợi nhuận thấp nên tiền thuế phải nộp cũng thấp mặc dù giá trị giao dịch rất lớn. Nhiều trường hợp cố tình chuyển nhượng lòng vòng, thành lập nên nhiều công ty, chi nhánh, thay đổi địa điểm kinh doanh để cơ quan thuế khó quản lý.
Coca-Cola Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bị nghi trốn thuế
Hai vụ việc lớn được Cục Thuế TP HCM phát hiện gần đây nhất là việc trốn thuế chuyển nhượng vốn với số tiền rất lớn tại Công ty Cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ (chuyển nhượng vốn 65 triệu USD) hay Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phở 24 (24 triệu USD). Mặc dù chuyển nhượng với giá “khủng” nhưng qua kiểm tra tờ khai tại cơ quan thuế thì Cục Thuế thành phố phát hiện số thuế hai công ty này nộp vào Ngân sách Nhà nước lại rất ít. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, thanh tra đã phát hiện sai phạm và xử lý về thuế chuyển nhượng tại Công ty Cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ là 156 tỉ đồng và Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phở 24 là hơn 17,8 tỉ đồng.
Ngoài hoạt động chuyển nhượng, tình trạng các doanh nghiệp FDI báo cáo thua lỗ triền miên, kéo dài, thậm chí có một số doanh nghiệp có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh, hoặc vẫn được mua lại với giá cao ngất ngưởng. Đây là điều rất bất thường, cho thấy có dấu hiệu trốn thuế của các nhà đầu tư. Đình đám nhất thời gian qua có thể kể đến là “nghi án” trốn thuế của các doanh nghiệp như: Coca-Cola Việt Nam, Pepsico, Nestlé… là các doanh nghiệp thường xuyên báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh hay Metro Việt Nam cũng báo lỗ thường xuyên trong quá trình hoạt động nhưng chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư Thái Lan với giá lên đến 879 triệu USD, khiến dư luận không tránh khỏi nghi ngờ thật hư của việc báo lỗ này?
Theo Cục Thuế TP HCM, việc chuyển giá thường xuất hiện ở các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong hoạt động này, các doanh nghiệp thường ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu mua vào với đơn giá cao và ký các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu hàng hóa bán ra với đơn giá thấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận, mục đích chính là ẩn lậu thuế bằng cách chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao sang nước có thuế suất thấp hơn. Một số doanh nghiệp FDI còn thông qua hình thức tài trợ bằng nghiệp vụ vay từ công ty mẹ, các công ty con tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý như dùng vốn vay từ công ty mẹ để thiết lập tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn mà không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu, đẩy chi phí hoạt động tài chính lên cao và chuyển một phần lợi nhuận về nước dưới dạng trả lãi vay, chi phí bảo lãnh vay vốn để tránh thuế...
Với tính chất phức tạp và có xu hướng gia tăng, vấn đề chuyển nhượng và liên kết chuyển giá là hai trọng tâm được ngành thuế tập trung thanh tra trong những năm gần đây. Tại TP HCM, để tìm ra bằng chứng việc trốn thuế chuyển nhượng của doanh nghiệp, Cục Thuế thành phố đã phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư thực hiện kiểm tra giám sát hoạt động chuyển nhượng vốn, thu thập tất cả các thông tin liên quan đến việc thay đổi giấy phép của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; kiểm tra kỹ hồ sơ kê khai thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp qua từng thời kỳ nhằm xác định việc chuyển nhượng vốn. Năm 2014, Cục thuế TP HCM đã thanh tra 632 doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chuyển nhượng, truy thu và phạt 322 tỉ đồng, giảm lỗ 52 tỉ đồng, giảm khấu trừ 2,3 tỉ đồng.
Về thanh tra chuyển giá ở các doanh nghiệp có giao dịch liên kết trên địa bàn TP HCM bước đầu cũng đã có tác dụng, đánh động đến các doanh nghiệp thường xuyên khai báo lỗ tạo ra hiệu ứng lan truyền trên kênh thông tin. Kết quả này tuy chưa thực sự mang lại hiệu quả về số truy thu thuế nhưng đánh vào ý thức của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn từ thường xuyên kê khai lỗ đã thực hiện kê khai có lãi, giảm thất thu cho Ngân sách Nhà nước.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong thực hiện thanh, kiểm tra hành vi trốn thuế của doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư. Để xác minh được, cơ quan thuế phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, bằng nghiệp vụ và sự phối hợp của nhiều cá nhân, tổ chức liên quan trong và ngoài nước. Trong khi đó, đây là một vấn đề mới và phức tạp, còn nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng. Do đó, chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng, chuyển giá vẫn còn là vấn đề rất nan giải.
Mai Phương
-
Mua bán hóa đơn trái phép có thể bị phạt tù đến 7 năm, phạt tiền lên đến 10 tỷ đồng
-
Bộ Công Thương sẽ định danh điện tử chủ shop để chống thất thu thuế
-
Tổng cục Thuế cảnh báo những dấu hiệu nhận diện công ty “ma”
-
Cần Thơ: Chuyển sang cơ quan công an 146 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm trốn thuế
-
Giải pháp nào ngăn chặn tình trạng nhà hàng, quán ăn trốn xuất hóa đơn?
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn