Chống phân bón giả: Cần phối hợp đồng bộ

07:00 | 21/09/2013

729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 20/9, tại TP HCM, Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) phối hợp cùng ba bộ là: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo quốc gia bàn về thực trạng thị trường phân bón, đặc biệt là tìm tiếng nói chung về chế tài và biện pháp cấp bách, quyết liệt, đồng bộ hơn để xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng nhằm ổn định thị trường phân bón trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, bên cạnh những nhà sản xuất phân bón lớn có thương hiệu cung ứng kịp thời và đủ cho sản xuất nông nghiệp, đã được bà con nông dân tín nhiệm thì thị trường phân bón vẫn còn những bức xúc, nhức nhối gây thiệt hại đến bà con nông dân, cho nền kinh tế. Đó là trên thị trường còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác gây chết cây trồng, gây ô nhiễm môi trường.

Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác, nhiều đại lý kinh doanh phân bón đều có trang bị máy trộng bêtông và một số phương tiện pha trộn hóa chất tại nhà. Nhiều đại lý luồn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vào bán ngay tại đại lý của mình, tỏ ra rất hợp pháp…Trước thực trạng nêu trên, nhiều nông dân bỏ ruộng, cấy chay, không cắt gốc rạ vụ trước để thu tái sinh vụ sau, thu nhập sản xuất nông nghiệp thấp, lợi nhuận chưa đạt đến 30%...Một phần hệ lụy cũng do phân bón giả, kém chất lượng góp phần đáng kể.

Hội thảo Thực trạng thị trường phân bón nhằm tìm giải pháp chống nạn phân bón giả

Ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký FAV cho biết tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác hiện có tới 6 mô hình hoạt động khá phức tạp. Đó là: Phân bón nhái nhãn mác làm ở một số công ty, tổ hợp nhỏ lẽ nơi vùng sâu vùng xa, nơi hẻo lánh với hơn 100 cơ sở tổ hợp nhỏ và trên 30 công ty bán ra trên 40 tỉnh thành; phân bón urê nước kém chất lượng kém chất lượng; phân bón nhái nhãn mác nhập khẩu; phân bón sản xuất một nơi, xuất hóa đơn một nẻo; phân bón kém “dỏm” được quảng bá cho nông dân trong các hội thảo nhỏ ở quán cà phê; phân bón “dỏm” thông qua hợp đồng tín chấp giới thiệu của Hội nông dân.

Ông Nguyễn Hạc Thúy trả lời phỏng vấn giới báo chí về tình hình phân bón giả

Còn theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến vô cùng phức tạp. Các vụ vi phạm không chỉ ở mức độ nhỏ lẻ mà còn xuất hiện những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam.

Cũng theo ông Lam thì đối tượng vi phạm cũng rất đa dạng và hoạt động khá tinh vi nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Các đối tượng cũng nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật để “lách” chỉ bị xử lý hành chính, không bị xử lý hình sự. 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng QLTT đã kiểm tra 1.057 vụ, chỉ xử lý 258 vụ (chiếm 24,4%); tổng số tiền thu phạt là hơn 3,9 tỉ đồng; tiêu hủy trị giá hàng hóa 1,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, chính cơ quan này cũng thừa nhận, kết quả nêu trên là rất khiêm tốn, chưa phản ánh đúng thực tế vi phạm rất phức tạp hiện nay.

Trước thực trạng nêu trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề nghị cần có một chỉ thị đánh giá đúng mức tình hình chỉ đạo của các Bộ ngành, các tỉnh thành quyết liệt đồng loạt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm ngặt vi phạm tình hình thị trường phân bón hiện nay. Hơn nữa, các Bộ, ngành, các tỉnh thành, đặc biệt là các ngành Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra nông nghiệp cần phối hợp mở chiến dịch tấn công ở những điểm nóng, truy quét quyết liệt những cơ sở, những đại lý sản xuất pha trộn, kinh doanh phân bón bất hợp pháp, phân bón giả, kém chất lượng…

Về phía Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp Nông thôn đã kiến nghị cần triển khai hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan về chống sản xuất kinh doanh phân bón giả đã được ký kết giữa Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) với Hiệp hội phân bón, Cục Hóa chất, Cục trồng trọt, Cục Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, cần phải đưa công tác quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón vào danh mục có điều kiện. Hơn nữa, phải tăng cường phối hợp trong tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phân bón giữa các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh phân bón. Tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nông dân nhận biết được những loại và tác hại của phân bón giả, phân kém chất lượng và cách phân biệt thật giả về phân bón…

                                                                                Thế Vinh