TP Hồ Chí Minh

Chống ngập - Bài toán nan giải

09:02 | 19/09/2018

207 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cứ mỗi mùa mưa đến, vấn đề ngập nước tại TP HCM lại nóng lên. Lãnh đạo thành phố qua nhiều nhiệm kỳ đều có sự quan tâm rất đặc biệt về vấn đề này, tuy nhiên đến nay bài toán chống ngập vẫn nan giải.  

Theo số liệu từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, tính đến tháng 6/2018, TP HCM còn 23 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều. Dù tình hình ngập có giảm qua các năm, nhưng tốc độ giảm rất chậm. Nhiều con đường thường ngập trầm trọng như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Phan Huy Ích (Gò Vấp), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)…

chong ngap bai toan nan giai
Nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh ngập khi mưa lớn

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, tình trạng ngập xảy ra do nhiều nguyên nhân. TP HCM nằm ở vùng chuyển tiếp giữa vùng gò đồi Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, chịu ảnh hưởng triều của 3 con sông lớn là Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Bên cạnh đó, thành phố được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu nhận định là 1 trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Điều này đã được chứng minh khi trong các năm gần đây, đỉnh triều liên tục năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong 2 năm 2017 và 2018, đỉnh triều sông Sài Gòn đã đạt 1,71m, khiến cho một phần của thành phố hiện nay thấp hơn đỉnh triều.

Hệ thống thoát nước của TP HCM hiện nay theo thiết kế chỉ bảo đảm khả năng thoát nước cao nhất cho trận mưa 3 giờ, vũ lượng 95,91mm. Tuy nhiên, gần đây các trận mưa vũ lượng trên 100mm xảy ra ngày càng dày đặc. Đỉnh điểm năm 2017, đã có trận mưa chỉ trong 1,5 giờ nhưng đạt tới vũ lượng 204mm, làm cho hệ thống thoát nước của thành phố trở nên quá tải.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa của TP HCM tăng nhanh chóng nhưng đầu tư cho hệ thống thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, các quận, huyện ngoại thành như quận 9, quận 2, Hóc Môn còn thiếu rất nhiều hệ thống cống. Có những tuyến đường không có cống thoát nước. Việc xây dựng hệ thống thoát nước cũng thiếu đồng bộ, việc đấu nối vào hệ thống hạ tầng thoát nước hiện hữu còn hạn chế. Sau 17 năm triển khai quy hoạch tổng thể thoát nước TP HCM, chia ra làm 6 vùng nghiên cứu, nhưng đến nay mới chỉ quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước ở vùng trung tâm, 5 vùng còn lại chưa có quy hoạch chi tiết. Hiện nay, khối lượng cống thoát nước đã được đầu tư chỉ đạt 44,96% so với quy hoạch.

Ngoài ra, TP HCM có hơn 3.000 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài trên 5.000km nhưng mức độ nạo vét kênh rạch hằng năm chỉ đạt khoảng 1,38%, ảnh hưởng lớn đến thoát nước đô thị, bởi tình trạng xả rác, lấn chiếm hệ thống thoát nước, sông, kênh, rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến hệ thống thoát nước hiện hữu không phát huy được hết khả năng của mình.

Công tác dự báo cũng chưa lường hết được biến đổi khí hậu. Trước đây, quy hoạch thoát nước TP HCM chỉ dự báo mức độ mưa là 3 giờ với vũ lượng 95,91mm và triều trung bình là 1,32m trên sông Sài Gòn. Tuy nhiên, hiện nay lượng mưa đã vượt xa con số dự báo và triều đã tới 1,71m. Trong khi đó, hệ thống thoát nước của thành phố là tự chảy, khi triều của sông Sài Gòn cao thì lượng nước sông xâm nhập ngược vào hệ thống làm hạn chế khả năng thoát nước.

Tất cả các nguyên nhân trên cho thấy, xử lý ngập nước ở TP HCM trong giai đoạn tới còn rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, xử lý tình trạng ngập nước của thành phố là một bài toán phức tạp đòi hỏi phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề. Trong đó, cơ sở quan trọng nhất là phải phân tích chi tiết, đầy đủ, các nguyên nhân ngập và có giải pháp thỏa đáng cho từng nguyên nhân cụ thể.

Sau 17 năm triển khai quy hoạch tổng thể thoát nước TP HCM, chia ra làm 6 vùng nghiên cứu, nhưng đến nay mới chỉ quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước ở vùng trung tâm, 5 vùng còn lại chưa có quy hoạch chi tiết.
TP HCM thanh tra dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
TP HCM kêu gọi đầu tư hơn 56 ngàn tỷ vào các dự án chống ngập và xử lý nước thải
TP HCM “ưu ái” cho công trình chống ngập

Mai Phương