Chống biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương: Phép thử với Mỹ và Trung Quốc

08:36 | 06/11/2023

317 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa cuộc chiến giành ảnh hưởng, các quốc đảo Thái Bình Dương đang tìm kiếm sự giúp đỡ trước mối đe dọa nóng lên toàn cầu.
Tổng thống Joe Biden, thứ tư từ trái sang, đứng cùng các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương
Tổng thống Joe Biden (thứ tư từ trái sang) cùng các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, tháng 9/2023. Ảnh: AP

Cuộc gia tăng tầm ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương sẽ tiếp tục vào tuần tới khi các nhà lãnh đạo trong khu vực tập trung tại thủ đô Rarotonga của Quần đảo Cook để tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Cả Washington và Bắc Kinh đều ngày càng coi trọng khu vực Thái Bình Dương trong những năm gần đây, Từ quan điểm của Mỹ, các quốc đảo Thái Bình Dương có giá trị quân sự và chiến lược quan trọng. Quốc gia này đã và đang mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra vào năm ngoái.

Hoa Kỳ cũng đang tăng cường cung cấp các hỗ trợ phát triển cho các quốc gia Thái Bình Dương, đặc biệt là Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau, những quốc gia đều có thỏa thuận an ninh đặc biệt với Washington.

Ông Biden đã trực tiếp gặp gỡ các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, hai lần mời họ tới các hội nghị thượng đỉnh ở Nhà Trắng, gần đây nhất là vào tháng 9; đồng thời, ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử và mối liên kết chung giữa các nền dân chủ tự do.

Khi theo đuổi chương trình nghị sự của mình trong khu vực, Mỹ thường dựa vào sự hỗ trợ của Australia và New Zealand.

Về phần mình, Bắc Kinh đang hướng tới các quốc gia Thái Bình Dương khi tìm kiếm đồng minh ở khu vực Nam bán cầu để làm giảm áp lực chiến lược từ phương Tây. Trung Quốc đã sử dụng các chương trình viện trợ của mình để tăng cường hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, thủy sản, cơ sở hạ tầng và y tế.

Với tư cách là một khu vực, Thái Bình Dương đã nhận được khoảng 4% tổng viện trợ nước ngoài của Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2018.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) năm 2030 của Liên Hợp Quốc là trọng tâm trong sự tham gia của Trung Quốc với khu vực khi Bắc Kinh tìm cách chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình phù hợp với Sáng kiến Phát triển Toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Vào tháng 7 năm 2022, Trung tâm Hợp tác và Phát triển Trung Quốc-Thái Bình Dương về Giảm nghèo và Phát triển đã được thành lập tại thành phố ven biển Phúc Châu.

Giống như Mỹ, Trung Quốc cũng đang tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh với các quốc gia Thái Bình Dương. Mỹ và các đồng minh đã bày tỏ lo ngại về hiệp ước an ninh được ký kết giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc vào tháng 3/2022, ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Không rõ liệu Bắc Kinh có tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon hay không. Một số học giả Trung Quốc gợi ý rằng Bắc Kinh nên phát triển các cảng “có mục đích kép” ở các quốc gia Thái Bình Dương để đối trọng với lực lượng Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp tập thể với Thủ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương tại Papua New Guinea, tháng 11/2018. Ảnh: Xinhua

Theo ông Denghua Zhang, nghiên cứu viên của Trường Coral Bell về các vấn đề Châu Á -Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, trước sự cạnh tranh quyền lực lớn này, các quốc đảo Thái Bình Dương đã tìm kiếm sự cân bằng, mặc dù xét về quyền lực mềm, Washington dường như chiếm thế thượng phong.

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái với 210 học giả địa phương, sinh viên đại học và nhân viên tổ chức phi chính phủ ở Papua New Guinea, Fiji và Tonga cho thấy, những người được hỏi coi Mỹ và các cường quốc truyền thống khác là đối tác quan trọng hơn so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quốc đảo Thái Bình Dương có chương trình nghị sự riêng tại Liên Hợp Quốc, nơi họ tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ và Trung Quốc tuân thủ các ưu tiên chính sách như biến đổi khí hậu và bảo tồn đại dương cũng như hỗ trợ Chiến lược năm 2050 của Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương.

Sẽ có lợi cho khu vực Thái Bình Dương nếu Washington và Bắc Kinh có thể tăng cường phối hợp và hợp tác về hàng hóa công như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vì hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều quốc đảo trong khu vực.

"Sự phối hợp giữa hai cường quốc lớn nhất toàn cầu có thể được coi là phép thử về tính chân thực trong cam kết của cả Mỹ và Trung Quốc trong việc hỗ trợ khu vực Thái Bình Dương giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", chuyên gia Zhang nhận định.

Dù điều này có vẻ khó xảy ra, nhưng cả Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục thể hiện sự cởi mở trong việc hợp tác với nhau trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu. Cuộc gặp vào tuần tới sẽ mang đến cho cả hai cường quốc một cơ hội tốt để chứng tỏ họ có thể giúp đỡ các quốc đảo Thái Bình Dương như thế nào.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

ADB công bố Quỹ Tài chính Đổi mới cho Khí hậu ở châu Á - Thái Bình DươngADB công bố Quỹ Tài chính Đổi mới cho Khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương
Hé lộ cách các quốc gia trên thế giới phát triển điện mặt trờiHé lộ cách các quốc gia trên thế giới phát triển điện mặt trời
Việt Nam - Đức tích cực hợp tác trong thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậuViệt Nam - Đức tích cực hợp tác trong thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu