Chơi vơi xóm chài bãi giữa sông Hồng

13:42 | 01/08/2017

4,307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 2km, nhìn xuống từ cầu Long Biên bãi giữa sông Hồng như một ốc đảo, một nơi chúng ta ngỡ bị bỏ hoang, nhưng ở đó vẫn có những con người đang sống trong đói nghèo, ốm đau, bệnh tật.  

Thăm “xóm chài” nơi bãi giữa

Tôi đặt chân tới nơi đây vào một ngày hè với cái nắng gay gắt, cũng khó khăn lắm mới tìm được con đường để xuống bãi giữa. Con đường nhỏ, hẹp, dốc và rất khó đi nối từ giữa cầu Long Biên xuống bãi giữa.

Tới nơi, tôi được chỉ dẫn men theo một con đường nhỏ trải bê tông tạm bợ rộng chừng 1 mét, mọc đầy cỏ dại. Đi hết con đường đó, trước mắt tôi là những căn nhà xập xệ, bấp bênh trên mặt nước, thùng chậu ngổn ngang, rác, xung quanh vẳng lên tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng gõ loong coong, tiếng trẻ em í ới gọi nhau…

choi voi xom chai bai giua song hong
Những “căn nhà” lụp xụp của làng chài ven sông Hồng

Cuộc sống nơi đây, có lẽ nhìn qua thôi cũng có thể đoán trước được phần nào những thiếu thốn khó khăn mà họ gặp phải.

Thấy người lạ, những đứa trẻ ngước nhìn với ánh mắt lạ lẫm và có phần dò xét sau đó núp mình sau những tán cây rồi chạy nhảy vui đùa phía bãi đất trống.

Bước lên những tấm gỗ bắc tạm bợ hướng về phía một căn nhà đang mở cửa, tôi cất tiếng gọi và không có ai trả lời, một căn nhà vắng chủ. Bây giờ là giữa trưa nhưng dường như chủ nhà vẫn phải đi tìm kế sinh nhai.

Bên căn nhà tạm bên cạnh, một người đàn ông đang dùng búa gõ xuống chiếc thùng bị cắt khoanh bằng tôn, tiếng gõ loong coong cũng phát ra từ đó. Qua câu chào hỏi với chủ nhà, tôi được ông giới thiệu lên gặp bác trưởng xóm.

Chắp vá những phận đời…

Ông Nguyễn Đăng Được (70 tuổi) - trưởng xóm - cho biết: Xóm chài nghèo khó đã xuất hiện từ những năm 1990, cách đây hơn 20 năm về trước. Xóm gồm 28 hộ ra đình với những phận đời không ai giống ai. Người dân nơi đây đến từ nhiều vùng miền khác nhau, từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên cho tới Huế, Hà Tĩnh.

choi voi xom chai bai giua song hong
Dụng cụ lọc và trữ nước của người dân nơi đây

Họ khổ cực tới dưới mức đói nghèo. Để có thể mưu sinh tại nơi sông nước ấy, họ dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, sống tạm bợ qua ngày.

Gia đình nào cũng làm thuê, làm mướn trên thành phố, chẳng ai theo nghiệp chài lưới ven sông, vì bỏ sức, bỏ công cũng không đủ ăn, đủ sống. Xóm có một vài hộ có người sống một mình, chủ yếu là người già neo đơn, những gia đình còn lại thì có 2 – 3 thế hệ nối tiếp nhau sinh sống.

Đa phần người dân nơi đây đều chưa từng đi học, họ phải bươn chải, tích cóp từng đồng để con cái có cơ hội được kiếm cái chữ nơi trường lớp trong thành phố. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng được may mắn như thế, có khi học được tới lớp 5, lớp 6 là phải nghỉ ở nhà vì tiền học không đủ. Khi ấy những đứa trẻ nơi đây lại quẩn quanh phụ giúp gia đình, rồi lớn hơn một chút, bố mẹ đưa vào thành phố kiếm sống, tự lo cho bản thân khi tuổi đời còn rất nhỏ.

choi voi xom chai bai giua song hong
Khu vui chơi dành cho trẻ em nơi bãi giữa

Trong câu chuyện dài miên man về những người dân nơi đây tại một quán nước duy nhất với trà đá là nước chè đóng trong chai lavie và một vài viên đá lạnh, ông Được cho biết: “Nơi bãi giữa này, lam lũ lắm, nhà nào cũng đói, cũng nuôi người bệnh, có người bị tai biến, không con cái, cũng phải sống một mình chứ biết làm sao hả cháu? Tụi trẻ thì tự chăm sóc cho nhau, bố mẹ vào thành phố có khi cả tuần mới về được. Đứa đi học, đứa ở nhà, bồng bế, nheo nhóc lắm. Thấy bọn nhỏ vui đùa, mà nghĩ cũng tội, tuổi ăn tuổi học mà cứ nơi bãi giữa thì bao giờ mới khá hơn…”. Ông thở dài rồi nhìn về nơi xa xăm.

Một vài vị khách ngồi lại lân la uống chén nước chè, thấy tôi lấy ví ra, ông xua tay: "Chả mấy khi có người tới thăm làng, không cần gửi tiền nước".

Tôi cười nhẹ rồi lắc đầu, gửi tiền rồi rời đi, ghé lại những căn nhà bấp bênh trên mặt nước.

choi voi xom chai bai giua song hong
Người dân nơi đây tận dụng bất cứ những vật dụng gì họ nhặt được

Chiều ngả bóng, nắng chiếu xuyên, một căn nhà có tiếng trẻ cười nói, thấy tôi bước lên tấm gỗ vào nhà, bà cụ đang nhặt rau trong nhà ra tiếp đón tôi như những vị khách qua đường khác.

“Khổ cực lắm con ơi, quanh năm làm thuê kiếm sống trong thành phố, mà có học hết lớp 3 đâu con, nên chúng nó nhặt rác, bốc vác, xe ôm… cho người ta, kiếm được bát cơm mà ăn đã là sung sướng lắm rồi!” - bà Hanh (77 tuổi), gốc Hà Tây vừa kể vừa rớm nước mắt.

“Thương lũ nhỏ quá, cố gắng lắm bố mẹ mới cho mấy đứa vào thành phố học kiếm lấy cái chữ, bọn trẻ học cũng tốt, chỉ mong sau đỡ cực, bà thì già rồi, thương cũng không làm chi mà giúp được, quanh mấy nhà đây, có nhiều nhà còn cực gấp mấy lần, mình biết mà mình không có gì để giúp!”.

Tôi ngồi lặng im nghe bà kể, nghe tiếng gió lộng khi chiều về táp trên mái nhà rồi lùa qua khung cửa, mang theo cái nóng hầm hập.

Chiều cũng tàn dần.

choi voi xom chai bai giua song hong
Ông Nguyễn Đăng Được - trưởng thôn xóm chài, chủ quán nơi duy nhất cung cấp hàng tạp hóa

Ánh sáng giữa bóng tối

Tôi được một đứa trẻ tiễn khi rời khỏi căn nhà, em hỏi tôi: "Chị có quay lại xóm này không?". Tôi sững người, mắt rơm rớm nước, gật đầu. "Chị sẽ tới đây, vào một ngày nào đó, khi em lớn hơn…". Tôi đặt tay lên vai đứa trẻ.

choi voi xom chai bai giua song hong
Những đứa trẻ đợi bố mẹ bên mâm cơm chiều

Mấy đứa nhìn tôi cười, mắt lấp lánh và trong veo.

Tôi tạm biệt gia đình rồi cất bước trở về, xóm chài nghèo đã dần tắt nắng. Cảnh vật cũng dần lu mờ, tiếng chó sủa liên hồi dần dần cũng lùi hẳn lại phía sau.

Tôi rời làng, đặt chân lên con dốc nối với cầu Long Biên.

Hà Nội của tôi bỗng thấp thoáng những ánh đèn sáng rực nhưng có một Hà Nội khác nằm dưới bãi giữa, im lìm, cô độc tới mức dường như không tồn tại.

choi voi xom chai bai giua song hong
Từ bãi giữa hướng lên cầu Long Biên, ánh đèn sáng lấp lánh

Và một ngày nào đó không xa, tôi tin, cái chữ, cái ánh sáng nơi phồn hoa sẽ chiếu rọi được những phận đời chắp vá, chơi vơi ấy. Để họ có một cuộc sống bình dị như bao người khác, được sống, được làm việc, được học hành.

Linh Lan