Châu Âu giải cứu ngành công nghiệp khỏi tác động của khủng hoảng năng lượng

10:26 | 18/12/2022

1,223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) đã chuẩn bị những biện pháp để hỗ trợ ngành công nghiệp EU, vốn đang chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và chính sách mới của Mỹ. Gói hỗ trợ sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 1/2023.
Châu Âu giải cứu ngành công nghiệp khỏi tác động của khủng hoảng năng lượng
Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết: “Các vị nguyên thủ và chính phủ của các nước EU đã giao cho EC nhiệm vụ thiết kế những đề xuất (…) về việc hỗ trợ năng lực cạnh tranh của các công ty châu Âu từ nay cho đến cuối tháng 1/2023”.

Hiện nay, các vị bộ trưởng của 27 quốc gia thành viên đang cố gắng tìm ra một phản ứng chung để giải quyết những trở ngại nghiêm trọng đang đe dọa giới công nghiệp và những lo lắng về nguy cơ tụt hậu về năng lực so với châu Á và Mỹ, vì mô hình kinh tế châu Âu vốn được xây dựng dựa trên nền tảng năng lượng giá rẻ có nguồn gốc từ Nga.

Chiến tranh và lệnh cấm vận đã vĩnh viễn phá hủy lợi thế cạnh tranh này. Kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine, Moscow đã cắt giảm 80% sản lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn khí vào EU.

Tuy châu Âu đã đảm bảo được nguồn cung cho mùa đông này, nhờ chủ yếu vào việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mua từ những nhà cung cấp khác, giá khí đốt vẫn bùng nổ trên thị trường châu Âu, làm kéo theo giá thành của xăng và điện, đe dọa sự tồn tại của toàn bộ các ngành công nghiệp hóa chất hoặc ngành thép.

Áp lực càng gia tăng khi Mỹ thông qua kế hoạch cho mùa hè này. Theo đó, Mỹ sẽ đầu tư thêm 370 tỷ USD vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, đằng sau một hành động vì môi trường đáng khen ngợi này, là một chính sách mang tính bảo hộ, tập trung tạo điều kiện cho những công ty có mong muốn đi đến bên kia bờ Đại Tây Dương, gây nguy cơ làm suy yếu thêm khả năng cạnh tranh của châu Âu.

Do đó, Brussels và Washington đang tiến hành thảo luận kỹ thuật. Vào hai tuần trước đó, trong chuyến thăm chính thức đển Nhà Trắng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét sửa đổi chính sách này.

Châu Âu giải cứu ngành công nghiệp khỏi tác động của khủng hoảng năng lượng

Đối thoại với Washington

Ông Charles Michel cho biết: “Chúng tôi muốn đối thoại với Washington để yêu cầu tạo những điều khoản miễn trừ có lợi cho các công ty châu Âu”.

Mặt khác, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen quyết định không chờ đợi phản hồi từ Washington. Vì vậy, bà đã lên kế hoạch chi tiết cho châu Âu. Bà nói: “Chúng ta cần điều chỉnh những quy tắc về viện trợ tại các nước. Cần làm chúng đơn giản hơn, nhanh hơn”.

Chủ tịch EC cũng yêu cầu EU tăng cường tài trợ để đảm bảo một quá trình sản xuất năng lượng phi carbon nhanh hơn và điều độ hơn, nhằm giải phóng lục địa già khỏi nguồn hydrocarbon của Nga.

Bà cũng bảo vệ ý tưởng về một “quỹ đầu tư đa quốc gia” của riêng châu Âu nhằm phát triển chính sách công nghiệp chung và tăng cường đầu tư vào những dự án nghiên cứu và đổi mới ở quy mô châu lục: Về hydro, chất bán dẫn, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, v.v.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đặt ra chỉ tiêu: “Mỹ đang có xếp hạng GDP cao hơn châu Âu những hai bậc. Chúng ta cần có nỗ lực tương đương”.

Tránh làm kỵ sĩ đơn độc

Người châu Âu phải cố gắng duy trì sự đoàn kết trong việc đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế đang ập lên lục địa già này. Vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến GDP suy giảm với mức kỷ lục. Và năm nay, giá năng lượng tăng cao đã đẩy nền kinh tế EU trở lại bờ vực suy thoái trong mùa đông này.

Cần phải đảm bảo rằng, những quốc gia thành viên khác nhau sẽ không lao vào cuộc chạy đua thiết kế gói viện trợ - một nước đi rất bất lợi đối với những quốc gia kém giàu có hơn. Kế hoạch 200 tỷ euro của Đức chính là tâm điểm gây nên tranh cãi này. Vì vậy, ông Charles Michel cảnh báo: “Chúng ta sẽ phải hết sức đồng lòng để tránh phân mảnh thị trường nội bộ, vì không phải tất cả các quốc gia đều có năng lực kinh tế như nhau”.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, 27 thành viên quốc gia sẽ có cuộc họp bất thường vào ngày 9/2 và 10/2/2023 tại Brussels để giải quyết những vấn đề kinh tế đã nêu như trên, cũng như nêu đề xuất giải quyết đến EC. Ông cảnh báo thêm: “Những gì EU làm trong những tuần tới, sẽ quyết định khả năng của EU trong việc duy trì vị thế kinh tế và chính trị trên quy mô quốc tế cho nhiều năm tiếp theo”.

Khủng hoảng năng lượng: Ngành công nghiệp khí đốt phải làm gì?Khủng hoảng năng lượng: Ngành công nghiệp khí đốt phải làm gì?
Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu có thể biến thành khủng hoảng lương thựcKhủng hoảng năng lượng tại châu Âu có thể biến thành khủng hoảng lương thực
Ấn Độ tìm cơ hội trong cuộc khủng hoảng năng lượng thế giớiẤn Độ tìm cơ hội trong cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới

Ngọc Duyên

AFP