Chặt đứt “vòi bạch tuộc” của tín dụng đen

16:35 | 30/09/2019

745 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tín dụng đen (TDĐ) với cái bẫy lãi suất cao cùng các phương thức đòi nợ kiểu giang hồ đã khiến nhiều gia đình khốn đốn. Thế nhưng, vì nhiều lý do, nhiều người vẫn tìm đến TDĐ. Hiện những “vòi bạch tuộc” của TDĐ đã len lỏi, luồn lách xuống tận vùng sâu, vùng xa ở nông thôn, phá hoại cuộc sống yên bình nơi đây. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia xã hội học tội phạm, PGS.TS Trương Văn Vỹ, về loại tội phạm này.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển và tác động của TDĐ đối với xã hội?

chat dut voi bach tuoc cua tin dung den

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Vài năm gần đây, TDĐ phát triển như vũ bão, không chỉ có ở thành phố lớn mà còn len lỏi sâu vào vùng nông thôn. Mới đây, tôi có biết thông tin, ở huyện Bù Gia Mập của Bình Phước, TDĐ hoành hành dữ dội, rất nhiều người vướng vào TDĐ, đến mức báo chí nêu rằng ở Bù Gia Mập xuất hiện tràn lan cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê. Hình ảnh những đối tượng xăm trổ đầy người, tóc tai xanh đỏ, mặt mũi bặm trợn... cưỡi xe máy, ôtô đi đòi nợ thuê đã trở nên quen thuộc với người dân huyện này. Nhiều nơi ở miền Tây Nam Bộ cũng có tình trạng tương tự.

Bao nhiêu gia đình tan nát vì dính đến TDĐ, bao nhiêu vụ án do các tổ chức, băng nhóm TDĐ gây ra như bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập, đe dọa, hành hung... con nợ, thậm chí đã có những vụ làm chết người. Hoạt động TDĐ dẫn đến rất nhiều sai lệch xã hội, tội phạm xã hội. Nói thẳng ra rằng, tổ chức TDĐ là những tổ chức tội phạm. Đối tượng tổ chức TDĐ, đòi nợ thuê hầu như đều là đối tượng tội phạm, những tay anh chị, thành phần bất hảo.

Các đối tượng này nắm bắt nhu cầu tài chính của nhiều người để đáp ứng những vấn đề cấp bách trong cuộc sống, công việc nên mời chào cho vay với lãi suất rất cao. TDĐ phát triển mạnh như vậy chứng tỏ hành vi này thu lợi nhuận rất lớn. Theo tôi biết, với TDĐ, lãi suất hầu hết đều vài trăm %/năm, có thể nói đó là hoạt động siêu lợi nhuận. Mà Karl Marx khẳng định rồi, lợi nhuận 100% có thể khiến người ta sẵn sàng treo cổ mình lên, nói gì đây là vài trăm % nên băng nhóm TDĐ sẽ làm mọi cách để đạt mục đích của mình.

PV: Sự bùng nổ của TDĐ như thời gian qua là do đâu, thưa ông?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Sự xuất hiện và phát triển của TDĐ thể hiện nhu cầu tài chính trong xã hội lớn nhưng người dân không có khả năng tiếp cận những nguồn tín dụng chính thống như các hệ thống ngân hàng, họ phải tìm đến TDĐ.

Nhu cầu tiền bạc trong xã hội thì vô cùng đa dạng, ở đây tôi chỉ xét đến những nhu cầu tích cực, chính đáng như chị công nhân cần tiền gấp gửi cho con đóng học phí năm học mới, gia đình cần tiền chữa bệnh cho người thân, thanh niên cần vốn để khởi nghiệp...; ở nông thôn thì nông dân mất mùa, thiếu hụt đầu tư... Nói chung, đó là những khoản tiền gấp, nhưng không có khả năng vay mượn được ai, họ cũng không thể tiếp cận ngân hàng vì thiếu điều kiện. TDĐ là giải pháp “cực chẳng đã” với những trường hợp này.

chat dut voi bach tuoc cua tin dung den
Quảng cáo tín dụng đen nhan nhản khắp nơi trên đường phố
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an trên toàn quốc đã khởi tố 436 vụ (766 bị can) về các tội danh liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê; khởi tố 214 vụ (947 bị can) về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự (theo Điều 201 Bộ luật Hình sự). Đồng thời, lực lượng công an áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, triệt phá 1.400 đường dây, tổ chức hoạt động liên quan đến TDĐ.

Thật ra, người ta cũng biết đi vay TDĐ thì hậu quả thế nào, nhưng có thể bí bách quá khiến họ có suy nghĩ “phải liều mạng” để giải quyết rồi tính sau. Nhưng đó là một cách đi đến bế tắc.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm, thủ tục vay vốn của ngân hàng còn hạn chế, mất thời gian, nên nhiều người chưa thể tiếp cận được, đó cũng là một trong những lý do khiến TDĐ có đất để bành trướng. Ông có đồng ý với ý kiến này?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Ngân hàng cho vay thì phải có điều kiện, người vay phải chứng minh khả năng trả vốn và lãi, có tài sản thế chấp... Nhưng đa số người dân không đáp ứng đủ điều kiện đó, thu nhập bấp bênh, người nghèo thì lấy gì mà thế chấp, nên khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

TDĐ lợi dụng điều đó để hoạt động bằng cách tạo ra những điều kiện rất thuận lợi, dễ dàng cho người vay, tất nhiên đi kèm với đó là lãi suất cao khủng khiếp. Chúng ta dễ dàng bắt gặp trên các trụ đèn, bờ tường... khắp nơi từ thành phố lớn đến nông thôn những lời mời chào cho vay kiểu “giải ngân trong vòng 30 phút, chỉ cần photo chứng minh nhân dân”, “vay không cần thế chấp tài sản”, “vay không cần chứng minh thu nhập”... Đó chính là những điều “không điều kiện” mà tôi nghĩ nhiều người rất cần, người nghèo, người bất ngờ cần tiền, một số tiền không lớn nhưng cần nhanh và không có nhiều điều kiện, thủ tục ràng buộc.

PV: Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan chức năng. Phải chăng chúng ta đã chủ quan với tác hại của TDĐ đối với xã hội nên hoạt động này mới phát triển nóng như vậy, thưa ông?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Rõ ràng là chúng ta có phần phản ứng hơi muộn, tức là khi TDĐ đã để lại những hậu quả rõ rệt cho xã hội thì các cơ quan chức năng mới bắt đầu ra chiến dịch triệt phá.

Vừa qua, theo báo cáo của ngành công an, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, công an khởi tố 436 vụ với 766 bị can liên quan đến TDĐ, bảo kê, đòi nợ thuê. Ngoài ra, công an đã phá 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, có hoạt động liên quan tới TDĐ.

Con số đó cũng đã nói lên sự phát triển mạnh mẽ của loại tội phạm này hiện nay thế nào, đồng thời cũng cho thấy các cơ quan chức năng đang quyết liệt vào cuộc chiến đấu với TDĐ. Hy vọng loại tội phạm này sẽ dần bị đẩy lùi.

chat dut voi bach tuoc cua tin dung den
Quảng cáo tín dụng đen nhan nhản khắp nơi trên đường phố

PV: Ông nhìn nhận thế nào về công tác đấu tranh với TDĐ, khi chính lực lượng chức năng cũng đang kêu khó?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Bây giờ, hoạt động của TDĐ đã trở nên phức tạp vô cùng. Các tổ chức, băng nhóm cho vay nặng lãi, TDĐ hoạt động rất tinh vi, linh hoạt, núp bóng dưới nhiều dạng khác nhau, cho nên việc xử lý chắc chắn không hề dễ.

Theo tôi biết, thủ đoạn của tội phạm này vô cùng tinh vi, khi giao dịch, bên cho vay cầm giấy nợ nhưng bên vay thì không được giữ giấy vay tiền. Khi bên vay trả được một phần số nợ nhưng bên cho vay sẽ không cộng vào sổ nợ. Cho nên khi làm việc với cơ quan chức năng, những người vay tiền không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc nợ tiền, số lần trả tiền... Do đó, việc giao dịch giữa bên cho vay và bên vay chỉ là giao dịch dân sự tự nguyện, chủ yếu thông qua lời nói, từ đó dẫn đến việc không thể xử lý hình sự các đối tượng cho vay nặng lãi.

Cái khó tiếp theo nữa là xử lý dịch vụ đòi nợ. TDĐ bao giờ cũng liên quan mật thiết đến dịch vụ đòi nợ, một khi dịch vụ đòi nợ tồn tại thì TDĐ vẫn có lý do để phát triển. Hiện dịch vụ đòi nợ cũng biến tướng khó lường. Một số đối tượng hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen... lợi dụng núp bóng đầu tư qua hình thức cấu kết giữa công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây hậu quả phức tạp về trật tự xã hội. Chính các đối tượng núp bóng doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động TDĐ nhằm thu lợi bất chính.

Để ngăn chặn, triệt phá TDĐ, ngoài sự quyết liệt của lực lượng công an, phía ngân hàng cũng tăng cường hỗ trợ người dân vay vốn. Nhà nước cần hướng đến thay đổi thủ tục ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn, có những hình thức cho vay vốn linh hoạt hơn, tạo ra những khoản vay cho người nghèo, người thu nhập thấp...

Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết, cấp bách để ngăn chặn sự phát triển của TDĐ.

PV: Theo ông, giải pháp nào đấu tranh hiệu quả, chặt đứt “vòi bạch tuộc” của TDĐ trong tình hình hiện nay?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Đó phải là sự phối hợp của toàn xã hội chứ một phía công an hay ngân hàng thì không thể làm được, bởi khi công an triệt phá thành công các băng nhóm, tổ chức TDĐ nhưng nhu cầu tài chính của người dân vẫn còn đó thì vấn đề vẫn không giải quyết được. Một khi nhu cầu vay tiền còn thì TDĐ vẫn sẽ có cách để hoạt động, khi đó còn tinh vi và phức tạp hơn.

Như vậy, để ngăn chặn, triệt phá TDĐ, ngoài sự quyết liệt của lực lượng công an, phía ngân hàng cũng tăng cường hỗ trợ người dân vay vốn. Nhà nước cần hướng đến thay đổi thủ tục ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn, có những hình thức cho vay vốn linh hoạt hơn, tạo ra những khoản vay cho người nghèo, người thu nhập thấp... Có thể thấy, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đa dạng, song vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu tín dụng của người dân. Đặc biệt, số người dân có thu nhập thấp và trung bình vẫn “nằm ngoài vùng phủ sóng” của ngân hàng.

Đó là chưa kể, muốn triệt phá TDĐ hiệu quả thì phải đẩy mạnh tài chính toàn diện, cần mở rộng và thành lập thêm công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân... ở địa bàn nông thôn để giải quyết nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp.

Có những việc mà tôi thấy chúng ta có thể làm ngay dễ dàng, đó là ngăn chặn các hình thức quảng cáo của TDĐ. Cụ thể, chúng ta có thể huy động lực lượng thanh niên xung phong đi tháo gỡ toàn bộ các mẩu quảng cáo trá hình của TDĐ được dán ở khắp nơi. Làm được điều đó, có thể không phá được TDĐ, nhưng tôi tin cũng phần nào làm giảm tác hại của chúng đối với xã hội. Hiện nay, các loại quảng cáo vay tiền hấp dẫn đó cứ đập vào mắt mọi người ở mọi nơi thì thử hỏi sao nhiều người không sa vào vay tiền khi bản thân họ đang có nhu cầu?

PV: Vai trò của chính quyền địa phương trong cuộc chiến với TDĐ cũng vô cùng quan trọng, bởi loại tội phạm này đã và đang len lỏi vào sâu trong nông thôn?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Bao giờ cũng vậy, chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất nên sẽ dễ nắm bắt thông tin, tình hình địa bàn, người dân. Vì vậy, đây luôn là lực lượng quan trọng phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm.

TDĐ đã len lỏi xuống nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bởi ở các thành phố bây giờ đã bị “động” do lực lượng công an ra quân triệt phá. Thời gian qua, tôi thấy nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xuất hiện các vụ việc liên quan đến TDĐ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò của mình, đồng hành cùng nhân dân, các lực lượng bảo vệ pháp luật trong cuộc chiến với TDĐ.

Ngoài việc theo dõi chặt chẽ những đối tượng, tổ chức có dấu hiệu liên quan đến TDĐ, thì vấn đề tuyên truyền cũng đặc biệt quan trọng. Bởi thủ đoạn của TDĐ ngày càng tinh vi, chúng đi đến các vùng quê để lôi kéo, mời chào người dân tham gia. Cho nên, sự mù mờ thông tin và thiếu hiểu biết pháp luật của người dân sẽ là điều kiện tốt để TDĐ bám rễ, hoành hành.

Và cuối cùng, mỗi gia đình, mỗi người phải có ý thức tự bảo vệ mình trước TDĐ; phải nâng cao tinh thần tố giác, cảnh báo đến những người xung quanh, đến cộng đồng.

Tôi tin rằng, chỉ khi có sự vào cuộc của toàn xã hội như thế, từ cấp vĩ mô là các chính sách, quy định của Nhà nước, của ngân hàng, sự ra quân của lực lượng chức năng các cấp, đến sự hợp tác của mỗi người dân thì khi đó TDĐ mới không còn đất sống.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Với mục tiêu phát triển cho vay tiêu dùng để góp phần đẩy lùi TDĐ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng dự thảo sửa đổi thông tư, quy định về tín dụng, nhất là tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng bám sát nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Cùng với đó, NHNN phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng, đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà TDĐ gây ra.

Hiện một số ngân hàng thương mại như Agribank đã tích cực triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã, đang đẩy mạnh cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Trúc Vân