Chặn "vòi bạch tuộc" tín dụng đen, ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Chiều 9/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Cho đến hiện nay, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhưng rõ ràng tình hình tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh.
Theo đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Hoặc là sẽ xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng Internet.
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hỗ trợ vốn cho sản xuất, kinh doanh |
Trên thực tế thời gian qua, các ngân hàng cũng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng cá nhân phương thức vay linh hoạt, giải ngân nhanh nhất với lãi vay khá mềm để kích thích nhu cầu vay vốn, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa. Số liệu mới nhất cho thấy, ước đến cuối tháng 8/2020 dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng đã đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đây là kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nhu cầu vay tiêu dùng là nhu cầu chính đáng của người dân, ngành ngân hàng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này.
Cụ thể, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến thông qua việc: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; Ban hành mới các văn bản hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Triển khai cho vay tái cấp vốn để cho vay lãi suất 0% đối với người lao động bị ngừng việc cho dịch Covid-19; Điều chỉnh lộ trình áp dụng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo yêu cầu của Phó Thống đốc, các tổ chức tín dụng cần tăng cường truyền thông về tín dụng chính thức. "Có thêm nhiều hình thức cụ thể như rải tờ rơi, thông tin về chương trình tín dụng tiêu dùng, vay cho con đi xuất khẩu lao động..., thông qua các cấp chính quyền để đưa tờ rơi đến từng gia đình có nhu cầu vay…”, Phó Thống đốc nói.
Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang làm đầu mối xây dựng đề án cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech trong lĩnh vực ngân hàng; thí điểm áp dụng mobile money; chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Với mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền được mở rộng và phát triển nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Đề cập tới xu hướng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay kích cầu tiêu dùng, giới chuyên gia cho rằng, đây là động thái hợp lý, nhất là cho vay tiêu dùng mua nhà thế chấp bằng sổ tiết kiệm rủi ro rất thấp nên các ngân hàng mạnh dạn cho vay lãi suất thấp.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng nên chọn lựa đối tượng, phân khúc khách hàng rủi ro thấp, chứ không nên chạy theo lợi nhuận để cố gắng cho vay bằng mọi cách. Bởi tín dụng tiêu dùng vẫn khá rủi ro vì công việc người lao động vẫn bấp bênh, thu nhập giảm do ảnh hưởng dịch, dự trữ tiền mặt cũng mỏng hơn. Nếu khách hàng đi vay vốn không sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào kênh đầu tư nóng nguy cơ thua lỗ cao, mất khả năng trả nợ, sẽ tạo gánh nặng cho ngân hàng.
Về định hướng cho vay tiêu dùng, trao đổi với báo chí, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng Nhà nước không hạn chế tín dụng tiêu dùng nên các ngân hàng có thể thúc đẩy cho vay tiêu dùng, thậm chí còn giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay. Bởi vì thúc đẩy tiêu dùng là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Nhưng nếu cho vay tiêu dùng núp dưới cho vay đầu cơ, đầu tư bất động sản thì Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu ngân hàng nào vi phạm.
Theo Dân trí
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Hội thảo CLB Ca cao ASEAN (ACC) lần thứ 24 diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
-
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện
-
Giá dầu hôm nay (9/10): Tăng nhẹ trong phiên giao dịch