Chăm sóc y tế cho người chuyển giới nữ

08:49 | 21/12/2017

821 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“So với dân số chung, tỷ lệ người chuyển giới nữ sống chung với HIV cao hơn 49 lần và khoảng 19% người chuyển giới nữ ở Việt Nam đang sống với HIV”. Đó là thông tin được đưa ra tại lễ Khởi động Chiến dịch truyền thông thúc đẩy cộng đồng người chuyển giới nữ tiếp cận với dịch vụ HIV tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội do Dự án Healthy Markets thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ và PATH, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực y tế tổ chức.  

Bị bỏ quên

Kết quả nghiên cứu của các nhà chức trách tại TP Hồ Chí Minh cho thấy 18% người chuyển giới nữ nhiễm HIV và mắc bệnh giang mai, trong số đó, chỉ có 46% tham gia bảo hiểm y tế. Đây là thông tin rất đáng chú ý, bởi dịch HIV đang có chiều hướng gia tăng và thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 đang có nhiều khó khăn. Bên cạnh ngân sách cắt giảm, sự kỳ thị thì lây nhiễm HIV giữa những người đồng giới, chuyển giới chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Chính vì vậy, đó cũng là lý do để diễn ra lễ Khởi động Chiến dịch truyền thông thúc đẩy cộng đồng người chuyển giới nữ tiếp cận với dịch vụ HIV tại Việt Nam được xác định với chủ đề “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống”.

Mục đích của chương trình này là nhằm cung cấp thông tin, truyền cảm hứng cho người chuyển giới nữ tìm kiếm các dịch vụ y tế, đào tạo nhân viên chăm sóc y tế cung cấp các dịch vụ cho người chuyển giới một cách tôn trọng và phù hợp; đồng thời giới thiệu thêm giải pháp để người chuyển giới nữ vận động cho các nhu cầu của họ. Theo Ban Tổ chức, chiến dịch là sáng kiến đầu tiên được thiết kế riêng cho người chuyển giới nữ tại Việt Nam và do chính cộng đồng cùng thực hiện.

cham soc y te cho nguoi chuyen gioi nu
Những người chuyển giới nữ đang giơ cao thông điệp “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống”

Bà Mai Châu, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam chia sẻ: “Chiến dịch Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống" với biểu tượng cánh bướm là đại diện cho sự chuyển mình mà cộng đồng người chuyển giới nữ đang trải qua. Có được giới tính và bản dạng giới là mong ước của người chuyển giới và cũng là nền tảng tốt đẹp để người chuyển giới nữ cất lên tiếng nói, chăm sóc cho bản thân, đồng thời mong muốn được xã hội công nhận giới tính thật của họ”.

Theo các chuyên gia y tế, sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà người chuyển giới nữ đang phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày đã dẫn đến các nguy cơ gia tăng về HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục, sức khỏe tâm thần, lạm dụng rượu và chất gây nghiện…

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, tiếp cận với các công cụ dự phòng HIV thiết yếu và có tính sáng tạo như xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm HIV (PrEP and PEP), sử dụng bao cao su chất lượng cao, giá cả phù hợp là yếu tố quan trọng để loại trừ HIV ở Việt Nam. Cũng theo ông Cảnh, các nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ nhận thức và sử dụng các công cụ dự phòng HIV trong cộng đồng chuyển giới đang rất thấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một khi nắm bắt được thông tin thì phụ nữ chuyển giới sẵn sàng sử dụng và ở mức độ nào đó, họ cũng sẵn sàng chi trả cho xét nghiệm HIV và PrEP.

Lan tỏa bằng mạng xã hội

Theo TS Kimberly Green, Giám đốc Dự án Healthy Markets: Chiến dịch “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống" sẽ được lan tỏa mạnh mẽ trên trang Facebook Cô Nàng Gợi Cảm. Trang này sẽ áp dụng kinh nghiệm của Dự án Healthy Markets trong việc thúc đẩy sự phát triển của các mạng xã hội thông qua trang Facebook Xóm Cầu Vồng được yêu thích với gần 230.000 người theo dõi.

Giống như Xóm Cầu Vồng, Cô Nàng Gợi Cảm sẽ mang đến một diễn đàn mở để cung cấp thông tin - trao đổi về tình dục an toàn, HIV và các dịch vụ sức khỏe khác. Ngoài ra, truyền thông trực tuyến sẽ được mở rộng sang các hoạt động cung cấp dịch vụ HIV trực tiếp thông qua phối hợp với các phòng khám cung cấp dịch vụ thân thiện cho người chuyển giới nữ và do các tổ chức dân dự xã hội do người chuyển giới nữ lãnh đạo.

Chiến dịch “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống" thực sự sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tiếp cận những người có nguy cơ HIV cao nhất, cung cấp cho họ các thông tin và dịch vụ HIV thiết yếu, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90-90-90 và loại trừ HIV vào năm 2020. TS. John Eyres- Giám đốc Phòng Y tế, USAID đánh giá: “Chiến dịch “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống” thực sự là một bước tiến đột phá ở Việt Nam, để tiếp cận và giải quyết vấn đề bất bình đẳng liên quan tới các dịch vụ và nguy cơ lây nhiễm HIV”.

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc