Chăm bệnh nhân ngày Tết thu nhập cao gấp đôi bác sĩ

15:30 | 18/02/2021

114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cứ cuối tháng 1, chị Lan đã tíu tít nhận đặt lịch dọn nhà. Cuốn sổ ghi lịch hẹn khách, số điện thoại và địa chỉ của khách đặt dọn nhà đã chi chít và nhanh chóng kín đầy. Đầu tháng Chạp chị Lan đã thực hiện lịch của mình. Gần như tháng Tết là tháng thu nhập cao nhất, giúp chị trang trải được việc quan trọng của năm.
Chị Lan- làm nghề đồng nát nhưng chuyên đi dọn nhà ngày Tết
Chị Lan - làm nghề đồng nát nhưng chuyên đi dọn nhà ngày Tết

Năm nay, chị Lan tính mức giá dọn nhà cho khách là 550.000 đồng/ngày. Chị sẽ đến nhà khách đúng 8h sáng, dọn nhà tới 11h30 thì nghỉ. 13h30 chị làm tiếp đến 16h30 thì kết thúc ngày làm việc. Quy trình dọn nhà đón tết cho các gia đình mà chị Lan làm thường là quét mạng nhện trần và các góc nhà, tháo rèm cửa ra giặt phơi, lau bụi lan can cầu thang, cửa sổ, cửa ra vào, tủ tường, quét và lau sàn nhà, sàn nhà tắm, đánh sạch các dụng cụ nhà tắm, nhà bếp… Cuối ngày, chủ nhà thường hay thưởng thêm cho chị ngoài món tiền công quy định những món đồ cũ họ không dùng, hoặc giấy sách, báo tồn (vì chị Lan quanh năm trừ tháng Tết đi làm nghề đồng nát, nên rất thích được nhận những món thưởng này).

Thông thường, không phải ngày Tết, Lan đi thu mua đồng nát, thì mỗi tháng kiếm dăm triệu đồng. Chị thuê nhà trọ ở Hà Nội, ăn uống tùng tiệm, mỗi tháng tiết kiệm được hơn triệu đồng gửi về quê. Tuy nhiên, riêng tháng Têt, chị kiếm được tới hơn hai chục triệu đồng nhờ đi dọn nhà. Thế cho nên suốt những ngày Tết, chị Lan ở lại Hà Nội để làm việc. Trong mười ngày Tết từ 26 Âm lịch đến mùng 5 Tết, chị có thể đến ở hẳn nhà một gia chủ để giúp việc nấu nướng, dọn dẹp, thậm chí sắp lễ cúng, và mức giá có thể lên tới 1 triệu đồng/ngày. Sáng mùng Một, chị còn được chủ nhà lì xì 500 nghìn đồng. Thế cho nên, những ngày Tết là thời gian đẹp nhất trong năm đối với chị Lan, dù chị không được về quê ăn Tết. Thường thì sau Rằm tháng Giêng chị mới cho phép mình được nghỉ 5 ngày về quê ăn Tết muộn.

Nhưng thu nhập cao nhất trong những ngày Tết đối với người giúp việc lại là trông người ốm trong bệnh viện. Thu nhập của họ có thể lên tới 1.200.000 đồng/người/ngày, cao gấp đôi bác sĩ trong bệnh viện. Vào ngày thường thì mức tiền trả cho người giúp việc trông người ốm từ 500.000-600.000 đồng/ngày, nhưng trong 10 ngày Tết (tính từ 26 Âm lịch đến mùng 5 Tết) giá công cao gấp đôi. Âu cũng là cái giá để trả cho việc không được về quê ăn Tết của người giúp việc.

“Chăm người bệnh nặng trong bệnh viện vào những ngày Tết thì cũng vất vả và buồn nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng bù lại, thì tiền thù lao rất khá. Để đỡ buồn, những lúc rảnh, tôi thường gợi chuyện để nghe người bệnh kể chuyện nhà cửa, con cái họ. Tất nhiên cũng có lúc người bệnh mệt quá không nói được. Còn khi đã nói được, kể chuyện được cho mình nghe thì người bệnh cũng giải tỏa được tâm lý, nhẹ nhõm vui vẻ hơn. Họ cũng mừng tuổi mình rất khá. Khi con cháu họ vào thăm, cũng mừng tuổi cho mình. Điều đó cũng bù đắp được chút đỉnh cho việc thức đêm chăm nom bệnh nhân” - Chị N.H.T - một người chuyên giúp chăm người bệnh tại bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô cho biết.

Tết này chị N.H.T còn xúi một người em họ, là nhân viên công ty du lịch bị mất việc do Covid, là hãy giấu bằng tốt nghiệp Đại học đi, mà đi giúp chăm người bệnh tại bệnh viện trong những ngày Tết, thu nhập vừa cao lại vừa được người nhà trọng vọng. Công việc chỉ cần sự chăm chỉ, có tâm là được, chẳng cần chuyên môn gì, mấy loại máy móc trợ thở, hay máy đo huyết áp, nhiệt độ cần theo dõi cho bệnh nhân cũng không quá khó khăn khi được hướng dẫn sử dụng. Nhu cầu cho việc này dịp Tết lại cũng rất cao, không sợ thiếu việc. “Chỉ cần dẹp cái tôi đi, cứ coi như mình đi giúp đỡ người khó khăn, ăn tết cả đời rồi thì nhịn ăn tết vài năm cũng có chết ai đâu” - Chị N.H.T lý giải thêm cho quyết tâm đi làm công việc chăm bệnh nhân ngày Tết.

Kiều Mai