Cảnh sát được kiểm tra nhà dân trong trường hợp nào?
![]() |
![]() |
Luật sư Trương Anh Tú |
PetroTime xin trích dẫn nguyên văn lời Luật sư để bạn đọc hiểu về quy trình khám xét người, nơi ở của công dân.
Dẫn giải những điều luật liên quan đến việc khám xét người, nơi ở, Luật sư Trương Anh Tú cho biết: Theo căn cứ tại Khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về Căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm quy định:
“Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.”
Như vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung và cơ quan công an nói riêng được phép khám xét chỗ ở của công dân. Tuy nhiên, viêc khám xét phải tuân thủ những trình tự thủ tục và điều kiện sau đây:
Về thẩm quyền ra lệnh khám xét:
Theo tinh thần tại Điều 141 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003, những người sau đây có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp:
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
- Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
Riêng đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp thì lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Trong trường hợp không thể trì hoãn, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Trình tự, thủ tục khám xét:
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 143 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định.
Theo đó, khi bắt đầu khám chỗ ở, người khám xét phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.
- Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.
- Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.
Việc cư trú và kiểm tra hành chính về cư trú:
Tại điều 3 Luật cư trú, nhà nước đã quy định quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Việc kiểm tra hành chính về cư trú được thực hiện theo điều 26, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 quy đinh chi tiết thi hành một số điều của Luật cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú.
Theo đó, quy định về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn và việc kiểm tra cư trú thì “Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự”.
Vì vậy, việc kiểm tra thủ tục đăng ký tạm trú của cảnh sát khu vực là được phép. Tuy nhiên, thông tư cũng quy định:
“Người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú trong khi thực hiện nhiệm vụ phải có thái độ, lời nói, cử chỉ nghiêm túc, khiêm tốn, hòa nhã;…”
Ngoài ra, không ghi nhận quyền kiểm tra cư trú vào ban đêm.
Xuân Hinh (ghi)
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Phát triển tối đa các nguồn điện từ năng lượng tái tạo
-
Tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
-
Người lao động là "chiến sĩ tiên phong" trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo
-
Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông phối hợp xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện