Cảnh giác với những luồng gió độc!

07:19 | 06/12/2015

1,266 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều doanh nghiệp tự dưng bị “tai bay vạ gió” vì những tin tức “chết người” trên mặt báo. Tại sao vậy? Thưa, đấy là trò bẩn thỉu đã và đang xảy ra lâu nay. Lý do? Đơn giản là “không ăn được thì quấy cho hôi”. Tình trạng này thường xảy ra với các doanh nghiệp có tiếng là “ăn nên làm ra”.

Đã “ăn nên làm ra” nghĩa là doanh nghiệp ổn định và phát triển. Mà đã ổn định và phát triển thì có nghĩa là chẳng có “tì vết” gì để bị bêu xấu. Nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy; thường thì các doanh nghiệp này là “mảnh đất màu mỡ” để không ít bản báo sử dụng “chân gỗ” với danh xưng là “cộng tác viên”; thậm chí là phóng viên, nhân viên… đến xin quảng cáo.

canh giac voi nhung luong gio doc
Một số trang tin bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt

Khổ nỗi, doanh nghiệp đâu có nhu cầu quảng cáo tràn lan. Hơn nữa, mỗi hợp đồng quảng cáo họ chìa ra, mới ngó qua đã chóng mặt vì số tiền “khủng”. Dù có “ăn nên làm ra” đến đâu chăng nữa, chủ doanh nghiệp cũng chẳng thể vung tay ký bừa, khi mà chẳng mang lại hiệu quả gì quảng cáo trên những bản báo và tạp chí ấy. Từ chối là y như rằng xảy ra chuyện.

Anh Đặng Hồng Sơn, Chánh văn phòng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, người hay bị “quấy rầy” vì điện thoại “làm quen” của những người xa lạ. Anh bảo, mới nghe họ “ngọt nhạt” là “đọc vị” được liền họ muốn gì. Có những cuộc điện thoại “năn nỉ”; có cuộc thì “trắng trợn” trao đổi “làm giá ăn chia”, nếu được anh làm “tay trong”; không ít cuộc khi gạ gẫm không xong là dở mặt!

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là “nạn nhân” không chỉ một lần của những trò này. Nhà máy đang hoạt động trên 100% công suất, bỗng dưng có tờ báo “dựng chuyện” nhà máy đóng cửa vì sự cố. Tin “hot” nên phóng viên nhanh nhẹn “ăn theo”, rồi “thêm mắm, thêm muối”.

Chẳng biết có gặp, hoặc hay gặp một vài người mà báo này phong cho là “chuyên gia” này, “chuyên gia” nọ, gắn vào miệng họ những phát ngôn theo kiểu “đại ngôn”. Vậy là ầm ĩ cả lên trên trang mạng.

Dù là trò bẩn thỉu, nhưng ít nhiều những thông tin “lá cải” ấy cũng gây được những hiệu ứng nhất định; ít thì cũng “bêu” được danh doanh nghiệp trong một bộ phận độc giả; nhiều thì gây ra sự nghi ngại trong xã hội; nhiều nữa là làm ảnh hưởng uy tín, sức cạnh tranh… của doanh nghiệp trên thương trường.

Dư luận xã hội gọi đây là “trò bẩn thỉu”! Giới truyền thông, những người làm nghề chân chính thấy xấu hổ vì trong đội ngũ còn có những bản báo “tầm gửi” sống bằng quảng cáo, tìm mọi cách để tồn tại, nên mới có trò “tống tiền” doanh nghiệp. Từ đó sinh ra những “nhà báo chọc ngoáy”, làm ảnh hưởng đến những người cầm bút chân chính.

 Chẳng phải ngẫu nhiên mỗi khi đất nước có những sự kiện lớn, là y như rằng, trên mạng xã hội nhan nhản những thông tin xuyên tạc chống phá. Gần đây nhất khi các địa phương tổ chức đại hội nhiệm kỳ, chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. Các trang mạng “đen”, có máy chủ đặt ở nước ngoài  đã mở hẳn một “chiến dịch” tuyên truyền, với những trò phá hoại hết sức thâm độc.

Với việc “trưng” ra “bằng chứng y như thật”, nhằm vào các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Và lại được các blog trong nước tải về, rồi các nhà khoác áo “dân chủ” comment, bình luận với những lời lẽ hết sức thâm hiểm, đã tạo ra luồng “gió độc”, đúng hơn là cơn “cuồng phong” đầy “nọc độc” thâm nhập vào đời sống chính trị của đất nước.

Dù biết “mười mươi” đây là âm mưu phá hoại của kẻ thù. Nhưng luồng “gió độc” ấy đã làm phân tâm một bộ phận quần chúng nhân dân, làm giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Không dừng lại ở đó, họ còn làm công tác “nhân sự” cho bộ máy lãnh đạo. Họ “phân tích” tình hình nội bộ; họ “đánh giá” năng lực của từng người; họ dựng lên “bè này, phái kia”, rồi nhận định sự “thắng - thua” trong cuộc “tranh giành quyền lực”… cứ như thể là người trong cuộc!

Chúng ta nói với nhau đây là âm mưu phá hoại của kẻ thù và các thế lực thù địch. Trong khi các cơ quan chức năng chưa triệt phá được sự phá hoại thâm hiểm này, thì cuộc chiến chống “nội xâm” chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Trong bộ máy công quyền các cấp vẫn còn những hiện tượng “quan hành dân”; trong đời sống xã hội nạn tham nhũng, hối lộ vẫn còn phức tạp… Đấy chính là “mảnh đất” màu mỡ cho các luận điệu xuyên tạc có “căn cứ” để thực hiện mưu đồ phá hoại.

Cảnh giác với âm mưu nham hiểm và ác độc của kẻ thù, trước hết phải làm trong sạch nội bộ, phải làm cho “cơ thể” của xã hội khỏe mạnh để đủ sức đề kháng với loại vi rút độc hại. Góp sức để cho xã tốt đẹp, đòi hỏi giới truyền thông phải có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền; mỗi bài báo, mỗi thước phim phải bảo đảm sự trung thực, khách quan. Mọi sự thái quá chính là kẽ hở, nói chính xác là sự “tiếp sức” để các luận điệu xuyên tạc lợi dụng.

3 Trong lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn; cổ phần hóa là một nội dung quan trọng. Đây được coi là một áp lực lớn, bởi mục tiêu này đang gặp phải những thách thức: vừa phải hoàn thành tiến độ và kế hoạch; vừa phải bảo đảm chất lượng cổ phần hóa; vừa phải tìm được những cổ đông chiến lược.

Trong nhiều thách thức đang đặt ra, có một thách thức không nhỏ quyết định đến sự thành bại, là đối phó với trò phá nhằm mục đích “dìm hàng”. Hẳn dư luận chưa quên một tin đồn “nổi tiếng” từng gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán là tin ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng BIDV bị bắt lan ra trong sáng 21-2-2013.

Ngay lập tức, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo. VN-Index giảm 18 điểm và HNX-Index giảm 3,35 điểm. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỉ đồng chỉ trong 1 phiên giao dịch!

Thông tin ác độc đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang trong tiến trình cổ phần hóa, được xem như là một âm mưu phá hoại nền kinh tế đất nước. Kẻ thù rắp tâm phá hoại là điều hiển nhiên, ai cũng biết. Nhưng những thông tin thiếu chính xác từ các báo trong nước với một số doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian vừa qua chẳng khác gì “đòn mở đầu” cho “chiến dịch” phá hoại từ bên ngoài!

Lại phải nhắc lại chuyện của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải đương đầu với những thông tin thất thiệt gần đây. Sự thật rành rành, kể từ khi đi vào vận hành đến nay nhà máy luôn chạy ổn định 103-107% công suất. Năm 2015 nhà máy về đích trước 50 ngày. Vậy mà vẫn bị những trò bẩn thỉu ở một vài tờ báo tung tin “rắn độc” nhà máy dừng sản xuất vì sự cố!

Chẳng phải ngẫu nhiên các hãng thông tấn nước ngoài “đổ xô” vào “dẫn lại” các nguồn tin trong nước… Họ chẳng rỗi hơi làm việc ấy; có chủ ý cả đấy, chủ ý ấy là làm nhiễu thông tin, làm cho các đối tác nước ngoài đang có ý định đầu tư có thêm “cơ hội” để thương thảo có lợi. Ngoài âm mưu phá hoại, không loại trừ có “lợi ích nhóm” trong này.

Nói cảnh giác với trò bẩn thỉu và phá hoại, là nói về những điều đã dẫn ra ở trên. Ở chừng mực nào đó, những trò bẩn thỉu thường gặp, là trò “chọc ngoáy” theo kiểu như đã nói “không ăn được thì quấy cho hôi”. Chiêu trò ấy cần phải lên án mạnh mẽ, phải loại bỏ khỏi đời sống của giới truyền thông chân chính.

Đây hoàn toàn không phải là khẩu hiệu hô hào, mà là kiến nghị chính đáng; rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Bởi ranh giới của trò bẩn thỉu với trò phá hoại rất gần nhau.

Thông tin không chính xác từ sự “đặt điều” và “dựng chuyện” để bôi nhọ doanh nghiệp trong thời điểm nhạy cảm này, chính là sự tiếp tay cho sự phá hoại lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, mà nội dung quan trọng là cổ phần hóa doanh nghiệp.

Không phải bình luận gì nhiều, đấy chính là phá hoại nền kinh tế đất nước.

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 479