Cần xử lý nghiêm tin đồn tăng giá điện

09:12 | 28/03/2020

672 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gần đây, trên mạng xã hội lan truyền nhiều tin đồn về việc tăng giá điện, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.    

Chưa xuất hiện các yếu tố tăng chi phí

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương chiều 20-3, đại điện Cục Điều tiết điện lực khẳng định không có kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2020.

can xu ly nghiem tin don tang gia dien
Tuyên truyền tiết kiệm điện ở Điện lực Lào Cai

Năm 2020 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn cho việc cung cấp điện, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ đưa vào vận hành... Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã phê duyệt phương án cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hạn hán tiếp tục xuất hiện kéo dài sang năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nhiệt điện turbine khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Để cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỉ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó, riêng mùa khô năm 2020 dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỉ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 1 và 2-2020, sẽ khó có khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô. Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và turbine khí.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 19-3-2020, sản lượng điện tiêu thụ bình quân của cả nước đạt khoảng 623 triệu kWh/ngày, thấp hơn so với kế hoạch đã xây dựng là 690,7 triệu kWh/ngày. Theo đó, sản lượng điện sinh hoạt tăng cao nhất; sản lượng điện sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ suy giảm, thấp hơn so với kế hoạch. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, chưa xuất hiện tình trạng phụ tải tăng cao đột biến, mà ngược lại, sản lượng điện tiêu thụ còn thấp hơn so với kế hoạch, sức ép về huy động nguồn điện giá thành cao không lớn, nên chưa xuất hiện các yếu tố tăng chi phí ở mức độ phải tăng giá điện.

Mức phạt 10-20 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể được xem là giải pháp cần thiết để tạo ra không gian mạng sạch và lành mạnh.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sẽ theo dõi sát tình hình tiêu thụ điện thực tế trong thời gian tới để vận hành hệ thống điện một cách hợp lý và chi phí vận hành kinh tế nhất. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ trướng Chính phủ và Chỉ thị số 06 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và doanh nghiệp điện khác thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chi phí, giảm tổn thất điện năng và nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí thường xuyên nhằm giảm giá thành sản xuất điện để không tăng giá điện trong năm 2020.

Xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai

Có thể thấy, những thông tin sai sự thật về tăng giá điện đã có nhiều tác động tiêu cực đối với cộng đồng xã hội. Hệ lụy đầu tiên là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận về các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ nói chung, trước mắt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng.

Dường như mỗi lần có vấn đề thời sự “nóng” là trên mạng xã hội lại xuất hiện những tin giả được... chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau đó, cư dân mạng sẵn những “hòn đá vô hình” để “ném” dưới vỏ bọc “đòi công bằng” hay “quyền phản biện”, bất chấp đúng - sai.

Mạng xã hội mang đến nhiều thông tin nhanh, đa dạng, góc cạnh hơn, nhưng mặt trái của nó là thao túng bằng những tin giả được tạo như tin thật. Mức phạt 10-20 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể được xem là giải pháp cần thiết để tạo ra không gian mạng sạch và lành mạnh.

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến người dùng. Phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo bởi đứng đằng sau đều là những con người thật, cuộc sống thật. Phát ngôn sai trái, thông tin chưa chính xác, tiêu cực lan truyền có thể gây tác động xấu đến người khác, đến xã hội, nhất là với người có ảnh hưởng đến cộng đồng.

Cần kiên quyết thực thi nghiêm pháp luật để làm sạch không gian mạng. Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực từ 15-4-2020, với mức xử phạt cao đối với hành vi tung thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội hy vọng là “chiếc gậy” pháp lý mạnh ngăn ngừa loại thông độc hại tin này và cư dân mạng sẽ nghiêm túc, có ý thức hơn mỗi lần chạm ngón tay vào bàn phím chia sẻ thông tin.

Thanh Mai