Can trường miền cát trắng

10:24 | 03/08/2018

385 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tôi lại trở về miền Trung vào những ngày nắng nóng đang hoành hành dữ dội. Đây là miền đất mà mỗi cuộc đời của người dân đều bắt đầu và kết thúc từ cát. Những người lính truyền tải của Công ty Truyền tải Điện 2 đã và đang vận hành đường dây tải điện trên miền cát trắng ấy. 
can truong mien cat trangNối nguồn sáng cho nhân dân vùng lũ lụt
can truong mien cat trangThợ điện kiên cường trong “nắng lửa” giữ điện cho dân
can truong mien cat trangTấm lòng của những người thợ

Cát miền Trung thật trắng. Có lẽ bởi vì thế mà nắng ở miền Trung chang chang và nóng bỏng hơn mọi vùng quê khác. Còn nhớ, hồi còn học cấp 3, đã một lần tôi được về vùng Đại Lộc chân trần băng qua cát chẳng khác gì đi trên than nóng. Nắng hừng hực như giội lửa xuống những cồn cát thưa thớt bóng cây, gần xa chỉ xùm xòa đôi bụi phi lao cằn rung rinh trong gió nóng. Những chiếc dép mo cau của vùng cát nghèo khó của thời xa xôi ấy, tôi chưa bao giờ quên.

can truong mien cat trang
Công nhân PTC2 vệ sinh sứ trên tuyến đường dây 500kV mạch 1 (đoạn qua Đà Nẵng)

Bây giờ, hằng năm, cứ vào độ mùa khô, tôi lại cùng những người lính truyền tải điện đi trên những con đường trên cát. Đó là con đường riêng của người lính truyền tải điện miền Trung, dấu chân của họ để lại trên cát thành đường. Những con đường cát thường có tuổi đời rất ngắn, bởi nó sẽ biến mất sau một trận gió lớn.

Ở Quảng Trị, gió Lào, gió bấc, thậm chí cả gió nồm đều có thể khỏa lấp hết những dấu chân trên cát trắng miên man. Cùng những người lính truyền tải đi qua những chảng cát rát bỏng dưới nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 42oC, các anh nói với tôi: “Để ngăn ngừa sự cố, đặc biệt là vào mùa khô, khi hệ thống phải truyền tải cao, ngay từ đầu năm, các đơn vị đã khắc phục hệ thống nối đất cột không bảo đảm quy phạm, quy định để ngăn ngừa sự cố do sét; thường xuyên tuyên truyền trực tiếp đến người dân sinh sống, canh tác dọc tuyến đường dây và trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng chống cháy trong và ngoài hành lang đường dây điện; cấm thả diều, vật bay, bắn pháo kim tuyến trong hành lang và ngoài hành lang có nguy cơ gây sự cố; lắp bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm đối với khu vực có khoảng cách pha - đất xấp xỉ mức quy định; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cháy khu vực hành lang tuyến đường dây”.

“Đến hẹn lại lên”, năm nào cũng vậy, họ làm việc một cách lặng lẽ, âm thầm giữa mênh mang cát trắng. Cát trắng. Trắng vào ngày. Trắng vào đêm. Trắng trong nắng. Trắng trong mưa. Cát trắng là “hồn” của mảnh đất miền Trung, chứng kiến muôn vàn thăng trầm của người lính vận hành đường dây điện. Cát trắng thấm biết bao mồ hôi, nước mắt của người lính truyền tải điện trong cuộc vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để kiên cường giữ cho dòng điện thông suốt Bắc - Nam.

Không hiểu sao, cứ mỗi lần đi tuyến với người lính truyền tải điện miền Trung trong tôi lại thầm thì lời thơ: “Lũ tràn qua mặt/Bão giật ngang đầu/Miền Trung sống như không thể mất…”.

Mảnh đất miền Trung năm nào cũng lũ chồng lũ, bão nối bão. Lớn lên ở miền Trung, tôi thấm thía nỗi cơ cực, truân chuyên của người lính truyền tải điện khi phải đối mặt với thiên tai và địch họa. Chiến tranh đã đi qua, dẫu còn đó những nghĩa trang bạt ngàn bia mộ, nhưng hòa bình cũng trở lại với mảnh đất này. Còn bão giông, lũ lụt, nắng lửa, gió Lào vẫn là mối hiểm họa thường xuyên mà con người phải đối mặt.

Các anh vận hành đường dây cao áp ở dải đất hẹp đến mức không thể hẹp hơn được nữa phải neo bám vào Trường Sơn để khỏi trôi ra biển. Xứ sở từng được gọi là Ô châu ác địa với những cơn bão lũ vùi dập hằng năm, nhưng các đường dây truyền tải điện vẫn vững vàng sừng sững giữa đất trời.

Anh Nguyễn Đăng Thông - Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 2 - cho biết: Người dân các khu vực thường hay thực hiện đốt rẫy để canh tác sản xuất, nên để kịp thời ngăn ngừa các sự cố xảy ra trên đường dây 500kV, 220kV nhất là trong thời tiết nắng nóng hanh khô, các đội đường dây đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Công ty đã ký quy chế phối hợp với các hạt kiểm lâm, nông trường, lâm trường, đã ký với 305 đơn vị và 3.607 hộ dân sống dọc theo hành lang đường dây; phát dọn hành lang tuyến, xử lý cây cối, thực bì tại các khu vực khi cháy có thể góp tụ lửa gây phóng điện, giải phóng cây cối, lau lách ra khỏi hành lang tuyến sau khi đã phát dọn để tạo vành đai chống cháy lan từ ngoài hành lang tuyến vào đường dây đối với các đường dây huyết mạch như: 500kV mạch 1 Vũng Áng - Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Pleiku 2, đường dây 500kV mạch 2 Pleiku 1 - Dốc Sỏi - Đà Nẵng - Hà Tĩnh, các đường dây 220kV… Việc kiểm tra, rà soát cây cao ngoài hành lang an toàn lưới điện phải làm ngay từ đầu năm để kịp thời vận động, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đền bù giải tỏa cây cao ngoài hành lang có nguy cơ gãy đổ vào đường dây bảo vệ an toàn cho đường dây; ngăn chăn kịp thời các vụ việc vi phạm xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống điện truyền tải.

Công ty cũng phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh thực hiện mô hình nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Hội Nông dân chủ trì và giúp cho hội viên tiếp cận với các kiến thức về pháp luật bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, qua đó giúp người dân nhận thức đúng về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp để từ đó tích cực thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, thực hiện các phương án, biện pháp phòng chống cháy rừng, không làm những công việc gây mất an toàn cho vận hành đường dây truyền tải, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị quản lý vận hành thực hiện những nhiệm vụ về sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện...

Tôi không muốn thay người lính truyền tải điện miền Trung kêu khổ. Bởi, với sự khắc nghiệt của dải đất miền Trung thì khổ là rõ rồi. Với người lính truyền tải điện miền Trung có thể gói gọn một câu: “Gánh cực mà đổ lên non/Đến khi quay xuống cực còn đuổi theo”. Còn mãi bản lĩnh can trường của vùng đất đòn gánh từng được mặc định trong ca dao xứ cát: “Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”.

Lũ đến lũ sẽ đi. Bão đến bão sẽ tan. Mồ hôi đổ xuống rồi sẽ khô. Những người lính truyền tải điện luôn vững vàng, can trường. Từng mùa khô trôi qua và một mùa khô lại đang hiện hữu, lưới điện truyền tải miền Trung đang gồng mình nối liền dòng điện hai đầu Nam - Bắc.

Cát trắng là “hồn” của mảnh đất miền Trung, chứng kiến muôn vàn thăng trầm của người lính vận hành đường dây điện. Cát trắng thấm biết bao mồ hôi, nước mắt của người lính truyền tải điện trong cuộc vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để kiên cường giữ cho dòng điện thông suốt Bắc - Nam.

Thanh Mai

  • el-2024