Cẩn trọng “tiền mất, đất không”!

07:00 | 04/08/2019

973 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các đối tượng lừa đảo làm giả giấy tờ đất, phương án thẩm duyệt dự án, biên nhận hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền... khiến nhiều người “dính bẫy” khi góp vốn, mua đất nền, cuối cùng lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay, “tiền mất, đất không”.

Thời gian qua, TP HCM xuất hiện rất nhiều dự án nhà đất không hề được chính quyền cấp phép theo luật định nhưng vẫn mở bán rầm rộ, thậm chí là khoanh đất quy hoạch công viên, đất nông nghiệp của người khác rồi tự vẽ thành dự án. Chỉ cần vào Internet tìm các từ khóa như “khu dân cư Lò Lu, quận 9”, “khu dân cư Thạnh Xuân, quận 12”, “khu dân cư Đông Thạnh, Hóc Môn”... người tìm lập tức sẽ nhận về hàng loạt những thông tin hấp dẫn như: Hồ sơ pháp lý đầy đủ, bản đồ phân lô, vị trí giao thông thuận tiện, chiết khấu khi đặt cọc...

can trong tien mat dat khong

Một khu đất trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP HCM) được chính quyền và chủ đất cắm biển cảnh báo người dân để tránh bị lừa đảo

Các hoạt động rao bán đất rất rầm rộ và có vẻ bài bản nên nhiều người dân vì ham rẻ, không tìm hiểu thông tin pháp lý về dự án, đã đặt cọc hàng trăm triệu đồng và rơi vào cảnh “tiền mất, đất không”. Tình trạng này diễn biến rất phức tạp đến mức chính quyền các quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú... đã phải lên tiếng cảnh báo người dân.

Loạn dự án “bánh vẽ”

Đầu tháng 7/2019, UBND phường Trường Thạnh (quận 9) nhận được thông tin về việc hộ dân phân lô, bán đất nền tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu, tổ 1, khu phố Ích Thạnh, phường Trường Thạnh. Khu đất này thuộc thửa đất số 559, 560 tờ bản đồ số 17, mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản. Song, tại khu đất này bỗng dưng “mọc” lên một dự án trên giấy với tên gọi mỹ miều là “Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1” được Công ty CP Thiết kế xây dựng địa ốc Đại Phúc Real (trụ sở trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9) phân bán đất nền.

Qua kiểm tra, UBND phường Trường Thạnh xác nhận, khu đất này đã được UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một cá nhân, không phải Đại Phúc Real. Bản thân chủ sử dụng đất cũng xác nhận không thực hiện ủy quyền hay có bất kỳ cam kết nào với Đại Phúc Real trong việc phân lô bán nền tại khu đất này.

Trước đó, giữa tháng 6, UBND quận Bình Tân cũng từng cảnh báo về 9 khu đất đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân tại 6 phường gồm: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.

Một số đối tượng đã “vẽ” lên hàng loạt dự án rồi giới thiệu, quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội, rao bán đất nền qua việc phát tờ rơi, thông qua các dịch vụ môi giới bất động sản, lập vi bằng, hợp đồng góp vốn với hứa hẹn nếu đặt tiền cọc 50-400 triệu đồng thì trong khoảng thời gian 6-12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.

can trong tien mat dat khong

Một số người dân tụ tập phản đối, đòi lại tiền đối với chủ “dự án ma” tại Phước Long B, quận 9, TP HCM

Qua kiểm tra, UBND quận Bình Tân khẳng định, 9 khu đất này không có dự án đất nền nào như quảng cáo. Các khu đất ở đây đều có quy hoạch là đất trường học, đường giao thông dự phòng, cây xanh, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở.

Tại quận 12, UBND phường Thạnh Xuân cũng ghi nhận trường hợp thửa đất số 408, tờ bản đồ số 62, vốn được Nhà nước cho các cá nhân, tổ chức thuê lại với mục đích sử dụng làm phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật và nghiên cứu khoa học (thời hạn thuê đến 20/7/2027), đã bị một số đối tượng tự ý lập bản đồ quy hoạch, rao bán đất nền thông qua Công ty NABLA LAND (trụ sở trên đường Tên Lửa, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân).

UBND phường Thạnh Xuân đã liên hệ với chủ sử dụng đất của thửa đất nói trên. Người này khẳng định không hề hay biết về thông tin đó và cũng không tự ý phân lô bán nền khu đất này.

Tương tự, ở quận Tân Phú, UBND phường Phú Thọ Hòa cũng đã ra thông báo về việc phân lô bán nền đất hẻm 38 Nguyễn Sơn trên địa bàn phường với diện tích hơn 4.000m2. Đây là đất nông nghiệp, theo quy hoạch sử dụng đất là đất cây xanh, công viên thể dục thể thao, thế nhưng vẫn có đối tượng “vẽ” thành đất nền phân lô và rao bán.

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Để chiêu dụ, chiếm đoạt tiền của người dân nhẹ dạ, cả tin, một số nhóm đối tượng đã vẽ ra các “dự án ma” trên những thửa đất quy hoạch, đất lúa, đất chưa chuyển mục đích sử dụng, đất có pháp lý không rõ ràng. Các đối tượng này tung lên mạng xã hội các sơ đồ, bản vẽ “ảo” nhằm “thổi” giá đất lên cao, sau đó rao bán với mức giá “ưu đãi”, đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân. Các đối tượng đồng thời làm giả giấy tờ đất, phương án thẩm duyệt dự án, biên nhận hồ sơ của cơ quan cấp phép..., đặc biệt là nhập nhằng trong xác nhận vi bằng, khiến nhiều người “sập bẫy” khi góp vốn, mua đất nền và cuối cùng lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay.

Tại huyện Hóc Môn, chỉ tính riêng 2 xã Đông Thạnh và Nhị Bình, từ năm 2018 đến nay, Công an huyện Hóc Môn đã phát hiện một số đối tượng sử dụng chiêu thức “vẽ dự án ma”, lừa đảo có tổ chức, thu lợi bất chính trên 28 tỉ đồng, số nạn nhân được xác định là 166 người. Công an huyện Hóc Môn cho biết, hiện nay nạn “vẽ dự án ma” lừa đảo khách hàng đã lan rộng ra 9/12 xã, thị trấn của huyện.

Tại TP HCM, thủ đoạn này xuất hiện từ nhiều năm qua và đang gia tăng, diễn biến phức tạp ở các quận ven, huyện ngoại thành, kéo theo rất nhiều hệ lụy. Thế nhưng, các giải pháp ngăn chặn từ xa của chính quyền, cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả, phần lớn chỉ can thiệp khi vụ việc đã xảy ra.

Để giải quyết triệt để tệ nạn lừa đảo bằng “dự án ma”, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt vẫn là chính quyền địa phương, theo dõi sát địa bàn, thắt chặt công tác quản lý đất đai, xây dựng. Một khi công tác này còn buông lỏng, tội phạm lừa đảo trong mua bán đất vẫn có cơ hội hoành hành.

Hiện nay, một số người môi giới bất động sản (cò đất) sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng. Đây không phải là một thuật ngữ pháp lý mà là cách dùng từ ngữ “đánh lận”, nhằm thuyết phục khách hàng rằng giao dịch bất động sản mà họ đang tham gia đã có sự bảo đảm về pháp lý, được pháp luật công nhận.

Thực chất vi bằng là văn bản chỉ có giá trị chứng cứ, không phải là hợp đồng giao dịch. Khi thực hiện hợp đồng có công chứng, các bên có thể yêu cầu văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận việc bàn giao tiền, tài sản, ghi nhận hiện trạng tài sản để làm chứng cứ. Vi bằng không có giá trị như hợp đồng mua bán nhà, đất có công chứng. Do đó, không thể giao dịch mua bán nhà, đất bằng vi bằng mà phải thực hiện bằng hợp đồng có công chứng.

Khi mua bán nhà, đất chưa đủ điều kiện giao dịch, mua bán bằng giấy viết tay, thì vi bằng của Thừa phát lại chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh các bên có thực hiện giao dịch, làm cơ sở để tòa án xem xét giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Vi bằng không phải là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người mua nhà, đất.

Trúc Lâm