Sửa luật thuế TNCN

Cần thiết nhưng tại sao vẫn chần chừ?

13:00 | 11/02/2020

508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sau gần 7 năm đi vào cuộc sống đã dần bộc lộ những điểm bất cập và lạc hậu. Người nộp thuế TNCN đều có chung mong muốn Chính phủ sớm đề xuất Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thời giá hiện nay để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của đời sống.    

Luật không còn phù hợp với thực tế

Theo văn bản của Tổng cục Thuế, tại Luật số 26/2012/QH13 ngày 22-11-2012 của Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 có hiệu lực từ 1-7-2013, quy định, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, luật quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

can thiet nhung tai sao van chan chu
Phải xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cho người dân đảm bảo chi trả những nhu cầu tối thiểu

Văn bản của cơ quan thuế cũng nêu rõ: “Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế TNCN, Tổng cục Thuế đã thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo các công bố của Tổng cục Thống kê để đảm bảo quản lý thuế theo đúng quy định của luật”.

Thế nhưng, thực tế gần 7 năm qua, tính từ khi luật Thuế TNCN có hiệu lực, CPI đã tăng vượt mức 20% theo quy định của luật. Cụ thể, năm 2013 CPI tăng 6,03%; năm 2014 tăng 4,09%; năm 2015 tăng 0,63%; năm 2016 tăng 4,74%; năm 2017 tăng 3,53%; năm 2018 tăng 3,54%; năm 2019 tăng 2,79%. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, CPI đã tăng 25,35%, vượt quá ngưỡng quy định của Luật Thuế TNCN về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả.

Mặt khác, cũng mốc thời gian năm 2013, nếu so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thì ngưỡng thuế TNCN càng trở nên lạc hậu. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 1.960 USD, nhưng đến năm 2018 lên tương đương 2.587 USD, năm 2019 gần 2.800 USD, tăng khoảng 840 USD. Nhiều ý kiến cho rằng, những nhà làm luật nên nghiên cứu nguồn thu nhập thu vào của cá nhân và những khoản chi hợp lý phát sinh thực tế của họ để có thể cân đối một mức chịu thuế TNCN phù hợp.

Nhận xét về Luật Thuế TNCN, các chuyên gia cho rằng, trong khi lạm phát, CPI tính theo từng tháng, từng năm thì ngưỡng chịu thuế lại được ấn định trong nhiều năm, dẫn tới hệ quả là thu nhập thực tế mà người nộp thuế được hưởng ngày càng giảm dần. Về mặt nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải có sự biến thiên theo hướng tỷ lệ thuận với mức độ lạm phát, nhưng sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN là đang đưa ra một “chốt cứng”, dẫn tới thu nhập thực tế bị nghịch đảo với lạm phát.

Ngoài ra, hiện cách tính thuế TNCN chủ yếu vẫn căn cứ vào mức thu mà không tính toán đến mức chi của cá nhân người nộp thuế lẫn người phụ thuộc. Điều này dẫn đến không xây dựng cơ chế hạch toán chi phí đầu vào cho cá nhân khi kê khai và quyết toán thuế TNCN. Cơ chế hạch toán một chiều như vậy, vô tình đẩy cá nhân vào nhiều hoạt động gian lận thuế, giúp các cơ sở kinh doanh khác trốn thuế (không lấy hóa đơn VAT…).

Một điểm bất cập nữa của Luật Thuế TNCN cũng được nhiều người chỉ ra là, quy định giảm trừ gia cảnh của chính sách thuế TNCN hiện hành mới chỉ áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công, còn cá nhân có các loại thu nhập khác không được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Điều này làm nảy sinh sự bất bình đẳng khi có thu nhập chịu thuế được giảm trừ gia cảnh, có thu nhập chịu thuế không được giảm trừ gia cảnh.

Những bất cập, lạc hậu của Luật Thuế TNCN mặc dù đã được các chuyên gia kinh tế, người dân nhiều lần lên tiếng và cần được điều chỉnh để theo kịp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chưa có văn bản nào yêu cầu các địa phương góp ý về Luật Thuế TNCN để đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho sửa đổi.

Cần thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh

Cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị để thông tin những điểm mới trong Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2019. Tại hội nghị, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý TNCN (Bộ Tài chính) đã thừa nhận, sau gần 7 năm thực hiện Luật Thuế TNCN, có nhiều quy định không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là CPI đã tăng hơn 20%, chi phí sinh hoạt cao hơn nhiều so với những năm trước, vì vậy luật nên điều chỉnh để đúng với quy định.

Mặt khác, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế TNCN cũng cho hay, với các nước kiểm soát được mức thu nhập của mọi người dân, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế cho toàn bộ chi phí học hành của con, chăm sóc, khám điều trị chữa bệnh... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ thu nhập cũng như chi tiêu của dân cư nên buộc phải sử dụng công cụ là mức giảm trừ gia cảnh. “Do vậy, khi có biến động giá và một số chỉ tiêu khác đến ngưỡng theo quy định thì cơ quan quản lý sẽ tính toán nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp” - lãnh đạo ngành thuế nhấn mạnh.

Còn nhớ, vào giữa năm 2013, khi Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa Luật Thuế TNCN, lúc đó Chính phủ đã giải trình, mức giảm trừ gia cảnh với những người lao động làm công hưởng lương được tính toán bằng 2,5 GDP bình quân đầu người của năm 2014. Theo đó, nếu căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam là 2.540 USD/năm thì mức giảm trừ gia cảnh trong kỳ tính thuế tới vào năm 2020 sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng.

Nếu căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam là 2.540 USD/năm thì mức giảm trừ gia cảnh trong kỳ tính thuế tới vào năm 2020 sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng.

Mặt khác, trường hợp căn cứ theo quy định của luật, nâng mức giảm trừ gia cảnh tương đương với biến động của giá cả trên thị trường bằng với CPI trong gần 7 năm qua thì giảm trừ gia cảnh sẽ là gần 11 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng phải tăng lên tương ứng mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Như vậy là, sau gần một thập niên Luật Thuế TNCN đi vào cuộc sống, tình hình kinh tế đã có rất nhiều đổi thay, người lao động và nhiều tổ chức đã lên tiếng phản ánh về những bất cập của thuế TNCN. Các chuyên gia và luật sư liên tục có những phân tích, cảnh báo về sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN, nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu nào cho thấy Luật thuế TNCN có thể được sửa đổi.

Lý giải điều này, có ý kiến cho rằng, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh và tăng giảm trừ cho người phụ thuộc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách. Cụ thể là sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách khá lớn. Đây có thể cũng là lý do khiến các bộ, ngành, nhà làm luật còn đang băn khoăn chưa đề xuất sửa đổi luật? Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh, số thu ngân sách sẽ giảm nhưng ảnh hưởng không nhiều bởi số lượng người nộp thuế ở bậc 1, bậc thấp nhất sẽ giảm nhưng số tiền thuế của nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số thu từ thuế TNCN.

Đức Minh