Luật thuế thu nhập cá nhân cần phải sớm thay đổi tiêu chí giảm trừ gia cảnh
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín |
Trong bối cảnh kinh tế xã hội không ngừng thay đổi, việc điều chỉnh các quy định về thuế thu nhập cá nhân đang nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội, đặc biệt là tiêu chí giảm trừ gia cảnh. Nhân dịp Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi. PetroTimes có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín về vấn đề này.
PV: Theo ông Luật thuế TNCN hiện hành có những bất cập gì, còn phù hợp với xu hướng hiện nay không ?
Ông Nguyễn Văn Được: Luật Thuế TNCN tại Việt Nam được ban hành nhằm phân phối và điều chỉnh thu nhập của cá nhân và góp phần tạo nguồn ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, luật này đã bộc lộ một số bất cập cần được xem xét và điều chỉnh. Trước hết, một trong những vấn đề nổi bật của Luật Thuế TNCN là mức thuế suất còn cao so với thu nhập bình quân của người lao động. Số bậc thuế quá nhiều (7 bậc) và độ nhảy bậc chưa khoa học, bậc thấp có độ nhảy bậc nhanh, ngược lại bậc cao có độ nhảy bậc chậm làm gánh nặng thuế đối với người có thu nhập thấp và trung bình.
Đặc biệt là Luật thuế TNCN hiện hành chưa quản lý đầy đủ được thu nhập của người nộp thuế, chưa đi vào bản chất của giao dịch và thu nhập như thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương tiền công…Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh của bản thân và người phụ thuộc chưa phù hợp, chưa theo kịp với sự thay đổi của đời sống, kinh tế, xã hội khiến cho người nộp thuế cảm thấy thiệt thòi, bất công từ đó thiếu tính đồng thuận ảnh hưởng đến động lực làm việc và cải thiện cuộc sống.
Ngoài ra, cơ sở và phương pháp xây dựng, tính toán mức giảm trừ gia cảnh hiện nay với 11 triệu đối với bản thân và 4.4 triệu đối với người phụ thuộc và quy định CPI thay đổi 20% thì mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là chưa phù hợp. Thực tiễn cho thấy phải 5-7 năm CPI mới thay đổi đạt 20% đồng thời việc điều chỉnh cơ học mức giảm trừ gia cảnh theo CPI tăng thêm luôn làm cho Luật lạc hậu và không theo kịp chỉ số giá tiêu dùng cũng như điều kiện kinh tế xã hội của người dân. Việc chậm trễ điều chỉnh sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế, làm cho chính sách không phát huy được tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, thu nộp thuế.
PV: Tại sao mức giảm trừ gia cảnh hiện nay lại chưa phù hợp với xu hướng?ông có thể phân tích rõ hơn điều này?
Ông Nguyễn Văn Được: Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng mỗi tháng, cho người phụ thuộc là 4.4 triệu đồng/tháng tương đương với 132 triệu đồng và 52.8 triệu đồng cho mỗi người/năm. Mức giảm trừ này chưa phù hợp với xu hướng tăng cao của giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên đáng kể trong những năm qua, với tỷ lệ lạm phát bình quân đạt khoảng 3,15% trong năm 2022.
Tính đến tháng 06/2024 CPI tăng so với năm 2019 khoảng 12.3% điều này có nghĩa là mức sống của người dân đang ngày càng eo hẹp hơn, nhưng mức giảm trừ gia cảnh cần phải thay đổi theo số học cũng sẽ phải được điều chỉnh khoảng 12.3% so với mức 11 triệu và 4.4 triệu thời điểm Luật được điều chỉnh gần nhất.
Ngoài ra, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh theo CPI được xây dựng ở một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và theo mức chuẩn chung của nền kinh tế dẫn đến các đối tượng người nộp thuế tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM… bị thiệt thòi. Do đó, cần xây dựng mức giảm trừ gia cảnh tiệm cận với đời sống của người nộp thuế tại các đô thi làm mức chung, áp dụng cho tất cả người nộp thuế tạo thuận lợi và ưu đãi, hỗ trợ cho các vùng núi, nông thôn để theo kịp các thành phố giảm bớt phân hóa giàu nghèo…
Trong những năm gần đây các quốc gia khác như Singapore hay Thái Lan đã điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cao hơn nhiều, nhằm khuyến khích và hỗ trợ người lao động, tạo động lực cho sự phát triển. Việc giữ mức giảm trừ gia cảnh quá thấp có thể dẫn đến áp lực thuế, giảm chi tiêu và đầu tư tư nhân ảnh hưởng đến tổng cầu và từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Ảnh minh họa |
PV: Vậy theo ông, Luật thuế TNCN cần điều chỉnh như thế nào để phù hợp với thu nhập của người dân?
Ông Nguyễn Văn Được: Theo tôi, cần sửa đổi bổ sung Luật thuế TNCN một cách toàn diện. Tuy nhiên, cần chú trọng một số nội dung chính sau đây:
Thứ nhất: Luật thuế TNCN cần điều chỉnh các phương pháp tính thuế phù hợp với bản chất của thu nhập, có thu nhập thì mới phải nộp thuế, thu nhập càng cao thì nộp thuế càng lớn. Theo đó, cần quay lại phương pháp tính thuế theo kê khai đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ chứng khoán và thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân không cư trú… để đảm bảo không ảnh hưởng gây tác động méo mó đến thị trường từ chính sách thuế.
Thứ hai: Cần gia tăng các công cụ để kiểm soát đúng, đầy đủ thu nhập của người nộp thuế trên tất cả các loại thu nhập từ tiền lương, tiền công đến thu nhập từ kinh doanh và các khoản thu nhập khác như chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, chuyển nhượng vốn…
Thứ ba: Cần sớm điều chỉnh phương pháp và cơ sở xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp theo hướng tiếp cận với mức sống của thành phố và đô thị tạo sự hưởng lợi cho miền núi, nông thôn theo kịp thành phố. Đặc biệt sửa quy định CPI chỉ cần thay đổi từ 5% đến 10% thì Chính phủ được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thay vì CPI thay đổi 20% mới trình UBTV Quốc hội quyết định như hiện này. Quy định này sẽ làm cho độ nhạy của chính sách nhanh hơn, phù hợp với thực tiễn hơn, từ đó được sự đồng thuận của người dân hơn.
Thứ tư: Cần giảm bớt các bậc thuế từ 7 bậc xuống 5 bậc cho thuận tiện tính toán. Đồng thời, điều chỉnh độ nhảy bậc ở các bậc thuế thấp chậm hơn và ở các bậc thuế cao nhanh hơn để giảm áp lực thuế cho đối tượng có thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhưng vẫn đảm bảo thu ngân sách do thu thêm từ người có thu nhập cao.
Cuối cùng: Cần xây dựng chính sách và quản lý thuế TNCN hiện đại trên cơ sở áp dụng khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp cho cơ quan thuế mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính tự giác tuân thủ pháp luật từ đó tiết kiệm chi phí xã hội. Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các phần mềm hỗ trợ, các quy định, chính sách nhất quán, khoa học và phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và tư vấn để người nộp thuế hiểu đúng để làm đúng chính sách pháp luật, kịp thời thực hiện thanh, kiểm tra sớm phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa gian lận. Đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi, vi phạm tạo tính răn đe.
Xin cảm ơn ông!
Đình Khương (thực hiện)
-
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật quan trọng
-
Nâng mức giảm trừ gia cảnh để thuế thu nhập cá nhân không còn nghịch lý
-
Chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế là không công bằng đối với các doanh nghiệp
-
Bài 5: Cần xây dựng tổng thể “chính sách thuế xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh
-
Dự kiến năm 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
-
Một công ty chứng khoán báo lãi quý IV/2024 sụt giảm, tài sản lớn theo nợ vay
-
Make In Vietnam 2024 vinh danh LynkiD, biểu tượng của đổi mới và sáng tạo trong công nghệ số
-
Saigonbank đang làm ăn ra sao trước khi "đón" cổ đông lớn gia nhập?
-
Gần 20.000 phần quà dành cho khách hàng PVcomBank trong dịp Tết Ất Tỵ 2025
-
PVcomBank đồng hành cùng trường Đại học Điện lực trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao