Cần thận trọng khi sửa Luật Sở hữu trí tuệ

10:10 | 22/05/2019

269 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), một số đại biểu cho rằng, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là CPTPP, cần phải thận trọng hơn khi sửa đổi Luật này.

Nêu ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị xem xét, sửa đổi Khoản 1 Điều 213 cho phù hợp với hiệp định CPTPP. Ông Tạo nêu, theo quy định về hàng hóa giả mạo về SHTT quy định tại Khoản 1 Điều 213 của Luật SHTT bao gồm: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu.

can than trong khi sua luat so huu tri tue
Các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

“Như vậy, có thể hiểu quy định sửa đổi tại Khoản 1 Điều 218 áp dụng đối với cả ba loại hàng hóa nêu trên. Trong khi đó, Hiệp định CPTPP (Điều 18.76.4) quy định việc kiểm soát biên giới chỉ áp dụng đối với hai trường hợp hàng hóa bị nghi ngờ là hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hóa sao lậu quyền tác giả. Do đó, đề nghị chỉnh sửa lại quy định này phù hợp với phạm vi đã cam kết trong hiệp định CPTPP", ông Tạo nói.

Còn theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), sửa đổi để hội nhập nhưng phải hết sức thận trọng khi đi vào thực tiễn, vì rất có thể sẽ làm xáo trộn vấn đề SHTT, mà có thể xuất phát từ những cơ quan đăng ký.

Ông Phong nêu ví dụ, một nhà sản xuất đưa ra một mặt hàng về thuốc hay thực phẩm chức năng để làm đẹp cho phụ nữ. Công thức đã có đầy đủ, nhưng đến khi đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền thì rất dễ bị lộ thông tin và doanh nghiệp khác rất dễ dàng thay đổi thành phần công thức để đăng ký SHTT của doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc.

"Những vấn đề này thì ai kiểm soát và ai đánh giá vấn đề đó? Nhiều khi người tâm huyết lại bị "chết" trên chính sản phẩm của mình", ông Phong nói.

Theo ông Phong, đây là những vấn đề quản lý nhà nước, quốc tế không đặt ra và chỉ yêu cầu hội nhập thì phải đảm các yêu cầu đó. Việc sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hội nhập là không phải bàn cãi, nhưng sau này, qua quá trình hoạt động thực tiễn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, khi đó chắc chắn những giải pháp trong điều hành cùng những chế tài trong xử lý sẽ hoàn thiện hoặc chỉnh lý dần để đáp ứng đúng yêu cầu hội nhập.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại đưa ra vấn đề xuất xứ địa lý. Ông Nhưỡng ví dụ ở Bến Tre có xuất xứ địa lý bưởi da xanh, doanh nghiệp tại Bến Tre đã đăng ký chỉ dẫn địa lý lại nhập bưởi tại Bình Dương thì sẽ bị vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói bưởi Bến Tre và bưởi Bình Dương cũng là bưởi da xanh thì các nước trong CPTPP có chấp nhận không? Ông Nhưỡng đề nghị ban soạn thảo cần trả lời cho các đại biểu vấn đề này.

"Nếu giả sử việc này xảy ra thì chúng ta có bị xử lý hay không và có bị nhìn nhận là không thực hiện đúng hiệp định hay không?", ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Trước đó, góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, dự thảo Luật SHTT còn nhiều điểm chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Chẳng hạn, một số quy định có nội dung quá cụ thể, dường như vượt cả mức cam kết yêu cầu. Các cam kết trong CPTPP có nội dung khá chung chung, với lời văn chứa nhiều không gian lựa chọn khi chuyển hóa vào pháp luật nội địa.

Trong khi đó, một số quy định trong dự thảo lại không tận dụng được các không gian này, thậm chí còn quy định cứng ở mức cao hơn mức CPTPP yêu cầu, có thể gây thiệt hại cho các nhóm người sử dụng sản phẩm ở Việt Nam.

Minh Loan

can than trong khi sua luat so huu tri tueĐại biểu Quốc hội: Rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường
can than trong khi sua luat so huu tri tueĐại biểu Quốc hội chia sẻ giải pháp đối với nông sản Việt
can than trong khi sua luat so huu tri tueGóc nhìn của đại biểu Quốc hội về dầu khí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc