Cần nhiều cơ chế, chính sách riêng khuyến khích xây dựng nhà ở cho công nhân

19:22 | 21/10/2021

350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vấn đề nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân lao động nhập cư tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX) là mong mỏi rất lớn của người lao động...

Mong mỏi an cư lạc nghiệp

Mặc dù Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho người lao động song trên thực tế, kết quả triển khai thực hiện nhà ở cho công nhân lao động nhập cư tại các KCN, KCX vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu của người lao động.

giai-bai-toan-thieu-tram-trong-nha-o-xa-hoi-5
Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội cho công nhân là bài toán nan giải trong nhiều năm qua

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, vấn đề nhà ở cho công nhân, mong mỏi an cư lạc nghiệp của người lao động càng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Phát biểu tại nghị trường Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, nhà ở là vấn đề bức xúc hiện nay của công nhân. Tại nhiều địa phương, công nhân lao động phải sống trong các phòng trọ chật chội. Thậm chí, có thôn làng ở gần KCN chỉ hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân. Điều này tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...

Ông Nguyễn Đình Khang nêu thực tế: Hàng triệu công nhân từ Bắc đến Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát chật chội, thiếu tiện nghi, giá thuê cao. Hay có những địa phương, tại một thôn gần KCN chỉ có 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội.

“Nếu không có giải pháp thì tình trạng này có thể kéo theo nhiều hệ luỵ không tốt về an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng giai cấp công nhân…” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận.

Thống kê tại một số địa phương có số lượng KCN, KCX lớn như Hà Nội, Hải Phòng... cũng đều phản ánh thực trạng chung như vậy. Như KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng) hiện có 4 KCN đang hoạt động với khoảng 14.000 lao động, song đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do đó, 100% công nhân phải tự di chuyển từ trung tâm thành phố đến KCN hoặc sử dụng xe đưa đón từ các tỉnh lân cận. Việc này không chỉ tốn thời gian của người lao động, tăng chi phí đối với nhà đầu tư mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn, phòng chống dịch.

Tại Hà Nội, có 9 KCN đang hoạt động, thu hút khoảng 160.000 lao động. Nhưng cũng chỉ có 3 KCN: Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ), Thạch Thất (Quốc Oai) đáp ứng được một phần nhu cầu của công nhân, các KCN còn lại nói chung đều chưa có nhà ở cho công nhân.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tính đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân KCN, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Tuy nhiên, giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ.

Tại Hội nghị về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng nhà ở công nhân tại các KCN và KCX diễn ra vào trung tuần tháng 8 mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã xác định rõ việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, KCX là rất quan trọng. Do đó, các đơn vị trong Bộ đã tập trung quan tâm, xác định được kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam để tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Cũng theo ông Nghị, Bộ Xây dựng đã giao các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định hiện hành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại cũng như sẽ thống nhất điều chỉnh đồng bộ vào các luật trong thời gian tới và hình thành cơ chế phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Nhiều vướng mắc theo cơ chế hiện hành

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Còn có sự chưa thống nhất giữa các pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý KCN và khu kinh tế.

Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân KCN) vẫn còn thiếu. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng KCN.

Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân các KCN, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó xem xét, bổ sung một gói để thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân.

Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng đã họp bàn giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng có thể thành lập tổ công tác phối hợp khảo sát tại một số địa phương, qua đó đề xuất phương án. Ngoài ra, hai bên trao đổi, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng ban hành cơ chế riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, trong đó quy định ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, xác định rõ việc xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, KCX là rất quan trọng, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.

Trong đó, trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng có thể thành lập “Tổ phối hợp” khảo sát tại một số địa phương, ghi nhận thực trạng, khó khăn, qua đó đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, hai bên cũng cần trao đổi, góp ý vào việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, trong đó quy định các ưu đãi để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này.

Ngoài ra, cần sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân tại các KCN trong pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong các KCN, coi nhà ở công nhân lao động là một hạ tầng thiết bị của KCN, KCX...

Nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn

Trước mắt, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, KCX thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN, KCX và khu kinh tế theo hướng trong KCN, KCX được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê; trong quy hoạch KCN, KCX phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động.

Nêu giải pháp tổng thể để phát triển nhà ở cho công nhân lao động KCN, KCX, trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, nghiên cứu dành một phần quỹ đất dịch vụ trong KCN làm nhà lưu trú công nhân.

Rà soát đối với các KCN, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN và giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN trực tiếp đầu tư hoặc phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam để triển khai thực hiện.

Đối với các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) gần KCN, đề nghị có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển NƠXH, ưu tiên hỗ trợ bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố, tiếp tục triển khai các giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở giá thấp theo tinh thần Nghị quyết 84.

Căn cứ điều kiện thực tiễn, đặc thù riêng của các địa phương, triển khai ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với nhà lưu trú công nhân; áp dụng các công nghệ mới trong việc đầu tư xây dựng nhà công nhân đáp ứng mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian thi công, thích ứng môi trường, khí hậu…

Đối với nguồn vốn phát triển nhà công nhân, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân KCN vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách NƠXH cho Ngân hàng chính sách xã hội cũng như các tổ chức ngân hàng được chỉ định để cho vay phát triển NƠXH trong giao đoạn 2021-2025, trong đó sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho phát triển NƠXH (trong đó có nhà công nhân) theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Căn cứ Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN, KCX vay để đầu tư phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Đối với chính sách dài hạn, theo Bộ Xây dựng, mặc dù một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân KCN đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan.

Do vậy, về lâu dài cần phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Minh Châu