Cần công bằng với các tập đoàn kinh tế Nhà nước

07:14 | 25/01/2013

1,333 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Trong tình hình khó khăn của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay, cả hai cách “so bó đũa chọn cột cờ” và “vơ đũa cả nắm” để đánh giá đều không thích hợp. Đặc biệt không thể coi loại hình doanh nghiệp này là gánh nặng quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh hoàn toàn có lý khi nhận xét rằng, bên cạnh những DNNN sử dụng vốn không hiệu quả, vẫn còn một số đơn vị hoạt động tốt và không nên “nói oan” cho các tập đoàn, tổng công ty này. Bộ trưởng cho biết, do từ năm 2005, chúng ta đã quá nhấn mạnh đến quyền tự chủ của doanh nghiệp trong khi chưa có đủ luật, quy định, chế tài cần thiết để quản lý trong điều kiện mới như vậy. Nên việc phân công trách nhiệm của các bộ, ngành đối với hoạt động của doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thậm chí không rõ ràng.

Vừa qua, sau nhiều lần soạn thảo và xin ý kiến, Nghị định 99 ban hành ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp, thực hiện, quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đã ra đời. Nghị định mới có những bổ sung, sửa đổi và thay thế so với Nghị định 132 cũ, phân định rõ bộ quản lý ngành sẽ là cấp trên trực tiếp của hội đồng thành viên doanh nghiệp và là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn và việc chấp hành pháp luật tại doanh nghiệp.

Vì vậy, họ có rất nhiều trách nhiệm, quyền hạn trong việc đề xuất Chính phủ và tự mình quyết định vấn đề như bổ nhiệm thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc, duyệt kế hoạch hằng năm... Trong các vấn đề quản lý vốn, ngoài bộ được giao quản lý theo dõi từng dự án đầu tư, còn có các bộ quản lý tổng hợp, xem xét các tiêu chí và cách thức sử dụng đồng vốn trong doanh nghiệp, hằng năm phải có kiểm toán, đánh giá…

Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau, một dự án đầu tư có hiệu quả

Trong cuộc làm việc của Thủ tướng với đại diện các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2012, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước chỉ đạt 14,84%, giảm 4,16% so với năm 2011. Trong đó khoảng 46,5% các doanh nghiệp chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn dưới 10%. Nhóm các tập đoàn lãi cao (trên 20%) chiếm 23%.

Số ít doanh nghiệp có lợi nhuận cao như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Dầu thực vật Việt Nam, Tân cảng Sài Gòn, Tập đoàn Viettel… tỷ suất lợi nhuận 36-63%. Nhưng cũng có nhiều đơn vị có lợi nhuận rất thấp, không đạt được mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nộp ngân sách, thậm chí thua lỗ như Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu và Tổng Công ty Xây dựng đường thủy.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới - phát triển doanh nghiệp, trong năm 2012, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty giảm 5% so với năm 2011, nộp ngân sách đạt 294.000 tỉ đồng, giảm 12% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với năm 2011, tình hình lỗ của các tập đoàn đã được cải thiện đáng kể. Trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty hiện lên tới gần 1,33 triệu tỉ đồng, tương đương 1,82 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, tỷ lệ này được đánh giá vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.

Đánh giá về vai trò các Tập đoàn, trả lời phỏng vấn Báo Năng lượng Mới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét: “Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang chiếm giữ một nguồn lực rất lớn của xã hội, nhưng sự đóng góp cho nền kinh tế không tương xứng, xét về tỷ trọng đóng góp cho GDP, giải quyết việc làm, hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất (đất đai, tiền vốn, nguyên vật liệu…) kém hơn các loại hình doanh nghiệp khác; khả năng sinh lời của doanh nghiệp Nhà nước không cao, thậm chí thua lỗ. Điều này cũng đúng, tuy không phải tất cả DNNN đều không hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các DNNN, trong đó có PVN phải nâng cao chất lượng quản lý để hoạt động tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Cần nhìn nhận một cách khách quan, nhiều công trình công ích, công trình phúc lợi xã hội… chỉ có DNNN mới thực hiện được vì các công trình này có tỷ suất lợi nhuận thấp, thậm chí bị lỗ, đây cũng là một trong các nguyên nhân hiệu quả của các DNNN thấp hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Có thể đưa ra một số ví dụ: Trong năm 2010, do hạn hán, các nguồn thủy điện thiếu nước, để đáp ứng nhu cầu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải huy động hết khả năng các nguồn điện chạy dầu có giá thành sản xuất cao, để phát 1kWh, EVN bị lỗ 3.000-4.000 đồng/kWh; để thực hiện mục tiêu, kiềm chế lạm phát, trong nhiều thời gian, giá dầu thế giới tăng cao, các đơn vị kinh doanh xăng dầu bị lỗ do giá bán thấp hơn giá thành...

Đối với các loại hình doanh nghiệp khác, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát, Chính phủ phải sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ; khi đó sẽ dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Trong các DNNN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, xét cả về vốn, tài sản và đóng góp cho ngân sách Nhà nước, trong nhiều năm, đóng góp của Tập đoàn lên đến 30% tổng nguồn thu ngân sách. Tập đoàn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi tham gia cung cấp các sản phẩm dầu, khí đốt và điện năng cho nhu cầu năng lượng của đất nước. Chính vì đó, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu các DNNN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tập trung vào lĩnh vực ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính của Tập đoàn gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao với mục tiêu xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, năng động, đạt hiệu quả kinh doanh cao, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế...”.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và một số tập đoàn khác đều đạt doanh thu cao, có lãi.

Mức lợi nhuận năm 2012 của Viettel cũng gấp hơn 3 lần so với VNPT. Hiện Viettel đang đầu tư và kinh doanh tại 7 nước, 4 nước đã kinh doanh và có lãi với tổng số thuê bao đạt 10 triệu thuê bao. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cho biết, VNPT đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và vẫn đứng trong top tập đoàn kinh doanh có lãi, thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội. Năm 2013, Công ty Vietnam Report, định kỳ công bố thường niên bởi Báo VietNamNet danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, trong đó PVN được xếp hạng là doanh nghiệp lớn nhất. Ngoài ra còn có 6 tổng công ty của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được xếp hạng ở top 50 doanh nghiệp lớn nhất. Điểm qua các DNNN cho thấy, các tập đoàn kinh tế đặc biệt là các tập đoàn làm ăn giỏi đâu có là gánh nặng! Rất cần công bằng với các Tập đoàn là như vậy!

Bảo Dân