Cần có khung pháp lý về đấu nối các dự án nguồn điện và đầu tư lưới điện truyền tải

13:26 | 03/12/2020

370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhằm tháo gỡ những vướng mắc về khung pháp lý trong đấu nối các dự án điện và cơ chế chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải, phát triển hạ tầng điện, sáng 3/12, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực phối hợp với Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam”.
Bộ Công Thương làm rõ một số vấn đề về các dự án nguồn điệnBộ Công Thương làm rõ một số vấn đề về các dự án nguồn điện
Khơi thông đầu tư điện sinh khối Việt NamKhơi thông đầu tư điện sinh khối Việt Nam

Hội thảo có sự tham dự của ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cùng đại diện các bộ, ban ngành, tập đoàn kinh tế, đại diện sở Công Thương nhiều tỉnh trên cả nước, một số tổ chức tài chính, ngân hàng, trường học, cùng các chuyên gia, nhà khoa học...

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao những thành tựu mà ngành điện đã làm được trong thời gian vừa qua. Đồng thời cho rằng, sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển ngành điện cũng đã hình thành rõ rệt và điểm nhấn là đấu nối thành công Nhà máy điện mặt trời Trung Nam.

Cần có khung pháp lý về đấu nối các dự án nguồn điện và đầu tư lưới điện truyền tải
Toàn cảnh hội thảo

Đồng thời, trao đổi thảo luận về các khó khăn vướng mắc hiện nay trong đấu nối nguồn điện vào HTĐ quốc gia và việc đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, xác định phạm vi đa dạng hóa đầu tư lưới truyền tải, đề xuất các cơ chế chính sách cần ban hành trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả đồng bộ đầu tư nguồn và lưới điện, phương thức đầu tư luới truyền tải, thực hiện thành công Tổng sơ đồ điện VIII.

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp tư nhân kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải quốc gia. Tuy nhiên, các khung pháp lý cần cụ thể để các đơn vị tham gia một cách dễ dàng và toàn diện.

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự tham gia tích cực của toàn xã hội, ngành điện đã có sự phát triển mạnh mẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, công suất hệ thống điện đạt khoảng 58.000MW, điện lưới quốc gia đã được cấp đến 100% các xã, sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 2.500kwh…

Cần có khung pháp lý về đấu nối các dự án nguồn điện và đầu tư lưới điện truyền tải
Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực.

“Sự phát triển của ngành điện trong những năm vừa qua, ngoài đóng góp của Nhà nước còn có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Hiện nay trong cơ cấu nguồn điện của cả nước, tỷ trọng công suất các nhà máy điện do tư nhân đầu tư chiếm 34,4%. Đây là thông điệp rõ ràng về chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong huy động nguồn lực xã hội và đa dạng hóa nguồn điện” - ông Hiếu nói.

Đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cũng cho biết, trong phát triển nguồn điện quốc gia có vấn đề về đồng bộ giữa đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải cần phải được quan tâm, giải quyết. Hiện nay, mọi người vẫn hiểu, lưới điện truyền tải đang thuộc quản lý của Nhà nước, hiện tại toàn bộ lưới điện truyền tải theo quy hoạch điện lực quốc gia được giao cho EVN làm chủ đầu tư. Trên thực tế, hầu hết các đoạn đường dây đấu nối từ các dự án đầu tư tư nhân đến lưới điện quốc gia hầu hết đều do các nhà đầu tư nguồn điện xây dựng, nhiều trục đấu nối do EVN quản lý hiện nay đang quá tải hoặc không kịp đầu tư đã làm ảnh hưởng đến khả năng giải tỏa nguồn điện, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo.

“Vì vậy, việc đấu nối các nguồn điện này vào lưới điện quốc gia và nâng cấp bổ sung lưới điện truyền tải công suất các nhà máy này là thách thức không hề nhỏ với ngành điện. Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ toàn diện” - ông Hoàng Trọng Hiếu nói.

Cần có khung pháp lý về đấu nối các dự án nguồn điện và đầu tư lưới điện truyền tải
Đại diện các bộ, ban, ngành tham gia hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, các chủ đầu tư dự án nguồn điện thông thường đầu tư các công trình điện đấu nối đồng bộ với phạm vi đầu tư xây dựng nhà máy điện của mình trên cơ sở quy định thỏa thuận đấu nối và Chủ đầu tư quản lý, vận hành không bàn giao tài sản cho EVN/EVNNPT tiếp nhận quản lý vận hành.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp Chủ đầu tư (doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phát điện) thực hiện đầu tư đường dây, trạm biến áp phục vụ đấu nối, sau đó bàn giao lại cho ngành điện quản lý và theo phương thức tăng/giảm vốn nhà nước giữa các bên.

Đối với trường hợp Chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối thì việc bàn giao lại cho ngành điện là chưa có cơ sở theo quy định, ngoại trừ một số Chủ đầu tư dự án điện BOT thì việc đầu tư, bàn giao lưới điện thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận, quy định trong hợp đồng BOT.

Thời gian tới, Cục Điện lực sẽ phối hợp với các tư vấn trong, ngoài nước để nghiên cứu các quy định liên quan về đầu tư lưới điện truyền tải, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xem xét, đề xuất nội dung hoàn thiện, sửa đổi Luật Điện lực về đầu tư lưới điện truyền tải nếu cần thiết.

Sau khi nghe các tham luận, đại diện một số tập đoàn kinh tế, các chuyên gia, nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm về vấn đề phát triển ngành điện; đấu nối và cơ chế chính sách đầu tư lưới điện truyền tải; bàn giao tài sản lưới điện truyền tải đã đầu tư... Trước các ý kiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực Hoàng Trọng Hiếu tiếp nhận và mong muốn nhận được những phản biện về vấn đề đấu nối các dự án nguồn điện, cơ chế chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải gửi về Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương ghi nhận ý kiến từ các tham luận, chuyên gia, nhà khoa học và khẳng định sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để có những điều chỉnh phù hợp, xây dựng đề xuất cơ chế về xã hội hóa lưới điện, thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển nguồn điện quốc gia, kể cả phải sửa đổi Luật Điện lực và các văn bản đã ban hành.

Hiền Anh - Xuân Hinh

  • el-2024