Cầm tinh là gì?

09:34 | 20/02/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Người Bắc nói "cầm tinh con (vật) X" thì người Nam nói thẳng là "tuổi con (vật) X". Thí dụ, người Bắc nói: "Con bé út của tôi cầm tinh con lợn" thì người Nam nói thẳng: "Con nhỏ út của tôi tuổi con heo". Đại ý của lối nói miền Bắc thì tôi hiểu nhưng tôi chỉ thắc mắc về hai chữ "cầm tinh" (mà mấy bạn người Bắc của tôi cũng thắc mắc). Có người nói "cầm" là "nắm lấy", là "thụ nhận"; còn "tinh" là "tinh anh", "tinh hoa" (của con vật cầm tinh). Nghe thì thấy có lý nhưng vẫn chưa thông. Vậy xin nhờ Học giả An Chi cho biết xuất xứ của hai tiếng "cầm tinh" - Huỳnh Tiểu Đảm

Học giả An Chi: Đúng như bạn nói, cầm tinh con (x) là một cụm từ của tiếng miền Bắc đồng nghĩa với danh ngữ tuổi con (x) của tiếng miền Nam; còn cách hiểu mà bạn đã nêu thì thực ra chỉ là theo từ nguyên dân gian.

“Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970), lấy tiếng miền Nam làm nền tảng, thì không ghi nhận hai tiếng cầm tinh, có lẽ vì cho rằng đây chỉ là một đơn vị từ vựng của tiếng Bắc (chứ không phải chung cho cả nước). Còn  “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng – Vietlex, 2007) thì giảng:

“Cầm tinh 擒 星: đg. Có năm sinh ứng với một con vật tượng trưng nào đó [theo địa chi], theo cách tính thời gian cổ truyền của Trung Quốc và một số nước châu Á”.

Lời giảng thì đúng nhưng chỗ ngắc ngứ, mắc mứu trong mục từ trên đây là ở việc chú thích cụm từ “cầm tinh” của tiếng Việt bằng hai chữ Hán “擒 星”. Điều này chứng tỏ rằng, chẳng qua các nhà biên soạn cũng ghi chú theo cách hiểu chủ quan của họ. Khi các vị đưa chữ 擒 vào để ghi âm “cầm” là họ cũng mặc nhiên cho rằng cầm là nắm lấy, thụ nhận, như bạn đã nêu mà thôi. Nghĩa là chẳng những họ không nắm được xuất xứ của mục từ đang xét, mà họ cũng chẳng hề tra cứu cho rõ xem người Trung Quốc đã ghi hai chữ này như thế nào. Đó là 禽 星, với chữ cầm 禽có nghĩa là “động vật”, còn nghĩa thông dụng hiện hành là “chim”. Hai chữ cầm tinh 禽 星¯ đã được Từ nguyên (bản cũ) giảng như sau:

“Ngày xưa, các nhà bói toán lấy ngũ hành phối hợp với tên các con vật và hai mươi tám chòm sao để bói dữ, lành, gọi là phiên cầm diễn tú (bàn thú tán sao). Những thứ gọi là cầm tinh gồm có: Giác kim giao, Cang hỏa long, Để thổ hạc (mạc), Phòng mộc thố, Tâm hỏa hồ, Vĩ thủy hổ, Cơ kim báo, Đẩu mộc giải; Ngưu thổ ngưu, Nữ thủy bức, Hư thủy thử, Nguy thổ yến; Thất mộc trư; Bích thổ dũ; Khuê kim lang; Lâu thổ cẩu, Vị kim trĩ, Mão thủy kê; Tất mộc ô, Tư (ti) kim hầu, Sâm kim viên, Tỉnh thủy khan (ngan), Quỷ thổ dương, Liễu hỏa chương, Tinh hỏa mã, Trương hỏa lộc, Dực thổ xà, Chẩn thủy dẫn. Thần thoại nước ta (= Tàu) lấy các con thú làm thần của các ngôi sao, ngày xưa sách lịch đều có ghi chép để định dữ, lành về ngày giờ, phương hướng nhưng sự phối hợp có thể khác trên”.

Từ nguyên bộ mới, có lẽ do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nặng nề của cuộc Cách mạng văn hóa vô sản (bên Trung Quốc) nên đã xóa bỏ mục từ cầm tinh 禽 星. Thật ra, đây là một khái niệm của thuật bói toán mà nội dung nguyên thủy đã bị thất truyền nên hiện nay ngay tại Trung Quốc cũng tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau (mà chúng tôi không cho là cần thiết phải giới thiệu tại đây). Nhưng cứ như trên thì hiển nhiên là khái niệm cầm tinh của tiếng Việt rất khác với khái niệm cùng tên trong tiếng Hán. Và cũng cứ như trên thì  “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học chỉ duy nhất đúng ở lời giảng về khái niệm đó trong tiếng Việt chứ việc chú thích bằng chữ Hán thì sai hẳn và việc mặc nhiên xem khái niệm cầm tinh của tiếng Việt xuất phát từ khái niệm đồng âm (Hán Việt) đó của tiếng Hán thì lại càng sai nhiều, nhiều lắm.

Hai chữ cầm tinh 擒 星 của “Từ điển tiếng Việt” là một ngữ vị từ mà cầm là trung tâm còn tinh là tân ngữ trong khi hai chữ cầm tinh 禽 星 chính xác của tiếng Hán là một danh ngữ chính phụ mà tinh là trung tâm còn cầm là định ngữ. Cầm tinh, xét theo nghĩa cấu tạo, là “sao của thú”, hoàn toàn ăn khớp với lời giảng của Từ nguyên (bộ cũ): “Thần thoại nước ta (= Tàu) lấy các con thú làm thần của các ngôi sao”.

Chính vì sự sai lầm đó mà việc chú thích bằng chữ Hán cho hai chữ cầm tinh như đã thấy, không những không cần thiết mà còn hoàn toàn không thích hợp.

A.C