Cải tổ doanh nghiệp, nhìn từ bài học của ngân hàng

08:49 | 02/01/2012

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 50 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc phải ngừng hoạt động trong năm 2011 là con số đáng giật mình. Mới đây, việc 3 ngân hàng: Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiabank) và Sài Gòn (SCB) sáp nhập cũng trở thành chủ đề nóng của giới tài chính ngân hàng.

Chuyện các ngân hàng này sáp nhập tuy là tự nguyện, nhưng cũng phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ. Hơn bao giờ hết, năng lực quản lý của doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thực sự là một vấn đề sống còn. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã ghi nhanh ý kiến của Giáo sư Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế tài chính châu Á Thái Bình Dương, người đã có nhiều năm tham gia giảng dạy cho lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt các tập đoàn và tổng công ty ở Việt Nam.

Sáp nhập là quyết định sáng suốt

GS Hà Tôn Vinh

Trên thế giới chuyện sáp nhập hay thậm chí giải thể ngân hàng là chuyện thường thấy sau khi có khủng hoảng kinh tế tài chính. Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam.

Ngân hàng được thành lập theo nhu cầu của thị trường hoặc nhu cầu của nhà đầu tư hoặc của ngành, như: dầu khí, xây dựng, quân đội… Ngân hàng là một ngành kinh doanh có tính đặc thù và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế tài chính, đặc biệt tại các nước đang hay chậm phát triển nên việc quản lý ngân hàng cần phải chặt chẽ hơn. Các ngân hàng quốc doanh hay tư nhân thường phải chịu sự giám sát của ngân hàng trung ương của nước sở tại và thường phải tuân thủ quy trình kiểm soát và quản lý rủi ro của Hiệp ước Basel 1, 2 và 3. Hiệp ước Basel được thành lập bởi một nhóm các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) tại thành phố Basel, Thụy Sỹ, nhằm tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng, nhất là vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Đã là doanh nghiệp thì phải có lời có lỗ, nhưng ngay cả khi có lời thì cũng không có nghĩa là sẽ lời mãi mãi. Khủng hoảng kinh tế tài chính ở Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu mấy năm vừa qua cho thấy nhiều ngân hàng lớn cũng như bé bị lâm vào tình trạng khủng hoảng hay vỡ nợ vì đầu tư quá nhiều vào ngành địa ốc hay cho vay tín dụng bừa bãi.

Ngân hàng càng lớn, chi phí càng nhiều, chi phí càng nhiều thì nhu cầu đầu tư càng lớn để tìm lợi nhuận, nên khi gặp khủng hoảng sẽ bị khó khăn trầm trọng hơn. Sáp nhập là một công cụ, một lối thoát cho nhiều ngân hàng trong tình trạng này, nếu không muốn bị thôn tính hay bị giải thể.

Sáp nhập là một quyết định hợp thời, sáng suốt, tránh đến đường cùng phải giải thể. Sáp nhập là để tồn tại, tái cấu trúc và để phát triển mạnh hơn không gây ra nhiều biến động trong thị trường tài chính. Vì thường chỉ cần có thông tin một ngân hàng nào đó bị khó khăn hay sắp bị giải thể thì sẽ có một phản ứng dây chuyền, một hiệu ứng “domino”. Nhiều người vì sợ mất tiền sẽ đến rút hết tiền từ ngân hàng ra, kể cả từ những ngân hàng đang còn lành mạnh gây ra làn sóng mất niềm tin vào ngành ngân hàng ảnh hưởng đến toàn ngành kinh tế. Có lẽ trong thời gian tới, những ngân hàng đang gặp khó khăn và không có lối thoát cũng sẽ phải tính đến giải pháp này.

Như tôi đã nói, sáp nhập, thực tế là chuyện bình thường trên thế giới, là một trong nhiều biện pháp thích hợp và cần thiết để tồn tại và phát triển tránh gây ra biến động tâm lý xấu cho người dân. Cho dù là tự nguyện hay bị buộc phải sáp nhập, thì việc này sẽ chỉ giúp cho ngân hàng mạnh hơn, đứng vững hơn, giữ được niềm tin của khách hàng hơn. Sức khỏe của ngân hàng ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và là thước đo của nền kinh tế đó.

Nhìn rộng ra các ngành khác cũng thế. Ngân hàng là bài học cho các tập đoàn khác, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Nếu không sẽ có thêm một hay nhiều trường hợp như Vinashin.

Tìm đường dài để huấn luyện ngựa hay

Qua việc sáp nhập gần đây, chúng ta có thể rút ra một số bài học. Tồn tại, phát triển và phát triển bền vững là ba tiêu chí bắt buộc chủ doanh nghiệp phải quan tâm và đảm bảo đạt được.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, thường thì chủ doanh nghiệp phải tự lo tự quản. Còn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc quyền quản lý của Nhà nước thì đương nhiên Nhà nước phải quản lý. Tiền Nhà nước đầu tư là tiền thuế của dân, của những khoản vay ngắn hạn hay dài hạn, nên khi doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ, thì thiệt hại chính là dân, chính là những dự án công ích xã hội. Tiền thuế của dân không được sử dụng xứng đáng, nhẽ ra dùng cho công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường… thì lại đổ vào các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Thua lỗ, thất bại là do nhiều lý do, nhưng đa phần là do năng lực quản lý yếu kém và sự thiếu giám sát của lãnh đạo doanh nghiệp hay các cơ quan chủ quản. Việc cần phải thay đổi tư duy quản lý hay nâng cao năng lực không phải là chuyện cần thiết mà là chuyện sống còn của doanh nghiệp.

Từ bài học của ngân hàng, nên bắt đầu việc nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp từ đâu? Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh: Thứ nhất, từ lãnh đạo của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp Nhà nước thì cần phải bắt đầu từ các cơ quan chủ quản. Kinh nghiệm ở nhiều nước theo nền kinh tế tập trung cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước đều do các bộ ngành quản lý và kiểm soát, nhưng đa phần lãnh đạo các bộ ngành hay doanh nghiệp không phải là những doanh nhân hoặc thiếu kinh nghiệm kinh doanh, dẫn đến tình trạng thua lỗ và phá sản. Thứ hai, vấn đề theo dõi, giám sát kết quả kinh doanh. Nhiều cơ quan chủ quản doanh nghiệp Nhà nước thường để cho lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp điều hành và phụ trách việc báo cáo tài chính mà không theo dõi giám sát. Khi thua lỗ trầm trọng hoặc bị phơi bày thì đã quá muộn. Vinashin là một trường hợp điển hình cho nhu cầu theo dõi và giám sát kết quả kinh doanh này. Thứ ba, việc phân bổ hay sử dụng ngân sách và nguồn lực của Chính phủ cho doanh nghiệp, có nghĩa là nguồn lực của dân, lấy từ tiền thuế của dân hay việc giảm bớt ngân sách từ các quỹ khác như giáo dục môi trường. Việc sử dụng cần phải có nhiều đội ngũ quản lý đầu tư, thanh tra hiệu quả và thường xuyên. Thanh tra để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu để khắc phục và quản lý. Nhìn lâu dài thì cần phải có người có thực tài để giúp phân bổ và quản lý ngân sách tài chính. Nếu cứ đưa những người có quen biết vào thì sẽ chỉ làm yếu đi năng lực quản lý của doanh nghiệp. Cải tổ cần lâu dài và triệt để, tận gốc nên việc sử dụng người có năng lực hay đào tạo là sự nghiệp cũng phải lâu dài và thường xuyên.

Trong mọi tình huống, giải pháp tình thế là cần thiết và được sử dụng đầu tiên. Tuy nhiên, giải pháp tình thế không thể giải quyết hay đối phó được với tình thế luôn biến đổi, nếu chỉ có giải pháp tình thế mãi thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì tận gốc. Phải tính đến giải pháp trung và dài hạn. Đây lại chính là điểm còn yếu của doanh nghiệp Việt Nam!

Phải tìm ra được những chặng đường dài, mới có thể huấn luyện nên ngựa hay!

Hoàng Nguyễn Thanh Lê